Sản xuất- kinh doanh giày dép: Cháy là hết chạy!

14/07/2014 - 14:16

PNO - PN - Vụ cháy tiệm giày ở Cần Thơ khiến ba người thiệt mạng tuần qua là một lời cảnh báo mạnh mẽ cho những người kinh doanh - sản xuất cùng mặt hàng. Thế nhưng, trong một tuần đi thực tế tại TP.HCM, chúng tôi nhận thấy, dù sản...

edf40wrjww2tblPage:Content

San xuat- kinh doanh  giay dep: Chay  la  het  chay! 

CHƯA CHÁY, CHƯA SỢ

Sáng 11/7, chúng tôi đến một cơ sở gia công sản xuất giày dép trên đường Trần Bình Trọng, đoạn giao cắt với hẻm 29, khu dân cư P.Hòa Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM). Căn nhà một trệt, một gác lửng với diện tích khoảng 150m2 này là nơi gia công sản xuất giày dép các loại với nhiều máy cắt, máy ép. Trước cửa, những chồng dép nhựa chất cao gần bằng đầu người. Một hàng hơn chục xe máy của công nhân che hết phần mặt tiền. Hành lang dẫn vào bên trong xưởng chỉ chưa đầy 0,5m do bị hàng hóa, nguyên liệu “bao vây”.

Bên trong xưởng, chín công nhân đang làm việc. Trên sàn nhà, những thùng keo dán, mút xốp, cao su bày la liệt càng khiến không gian chật chội, nóng bức. Trên gác lửng, nơi được tận dụng làm kho chứa hàng, một nhân viên khoe: “Tụi em xếp hàng chuyên nghiệp lắm, đố anh nhét thêm vào được một chiếc dép nữa”. Dù đang trong giờ làm việc, xung quanh toàn những vật liệu dễ cháy như nhựa, da, vải nhưng một công nhân vẫn thản nhiên phì phèo thuốc lá, tiện tay búng tàn thuốc khắp nơi; chủ xưởng đứng cách đó chỉ 2m không hề nhắc nhở. Hỏi thì được biết cơ sở này không có bình chữa cháy nào.

Cũng tại Q.Tân Phú, nơi lâu nay được xem là “tổng công ty giày da” của TP.HCM, chúng tôi ghé một căn nhà mặt tiền ở lô 12 trên đường Tây Thạnh, P.Tây Thạnh. Căn nhà khá đặc biệt vì có những tấm bạt che kín xung quanh và tấm bảng hiệu lớn “Thời trang giày dép nam nữ, giá rẻ đẹp”. Cửa hàng kiêm cơ sở sản xuất này có diện tích khoảng 100m2. Gian trước được sử dụng làm nơi trưng bày đủ các loại giày dép từ da, giả da, nhựa. Gian giữa là khu gia công với các loại máy móc. Thấy chúng tôi hỏi đặt hàng số lượng lớn, cô gái trẻ giới thiệu: “Chỗ em chuyên giày dép, khẩu trang, váy chống nắng số lượng lớn, uy tín nhất khu này”. Thoạt nhìn hàng hóa được nhồi nhét đầy trong nhà, chúng tôi khá khâm phục khả năng kinh doanh của chủ cơ sở. Tuy nhiên, ngay dưới gác lửng được dùng làm kho hàng là khu vực bếp… nấu ăn, dây điện câu mắc chằng chịt. Hai ổ cắm điện dùng để cắm nguồn cho máy cắt, máy ép còn nguyên dấu vết chập, cháy đen kịt.

Ghi nhận thêm tại ba cơ sở gia công sản xuất giày dép khác ở P.14, Q.Gò Vấp và P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, chúng tôi thấy có nơi không chỉ cắt, dán đế giày mà còn ngăn ván ép ra cho thuê phòng, mà người thuê vừa ở vừa làm nghề luộc bắp và... thay gas hộp quẹt. Hầu hết các cơ sở gia công, sản xuất giày dép đều có một điểm chung là nằm giữa khu dân cư đông đúc hoặc trong một khu vực có nhiều cơ sở gia công, sản xuất cùng lĩnh vực. Chỉ tính riêng tuyến đường Âu Cơ và các hẻm giao cắt lân cận thuộc địa bàn hai quận Tân Phú và Tân Bình đã có đến hơn 50 cơ sở gia công và mua bán giày dép, thuộc da. Tuy nhiên, quá nửa trong số này không có dấu hiệu nào cho thấy họ quan tâm đến biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ngay cả tiêu lệnh PCCC là thứ dễ sắm nhất, chúng tôi đi gần chục cửa hàng mới thấy được một tấm biển tiêu lệnh PCCC đã hoen gỉ, mờ gần hết chữ.

San xuat- kinh doanh  giay dep: Chay  la  het  chay!

CHÁY LÀ KHỎI CHỮA

Tại TP.HCM, nhiều tuyến đường đã trở thành “phố giày dép” như Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình), Lý Chính Thắng (Q.3), Nguyễn Trãi (Q.5), Lê Thị Hồng Gấm (Q.1)… Để chủ động hàng hóa, chủ các cơ sở kinh doanh này luôn có sẵn một kho hàng, thường là tận dụng phần gác lửng hoặc căn phòng liền kề phía sau. Tiệm giày M.H. gần ngã tư Nguyễn Thông - Lý Chính Thắng là một căn nhà cấp 4, trước mặt tiền treo dép nhựa dẻo kiểu búp bê, xâu thành chùm lủng lẳng đủ màu sắc. Gian giữa được ngăn thành ba hàng trưng bày giày dép rất hẹp, lối đi dành cho khách chỉ khoảng 0,5m. Gian nhà sau lộn xộn hơn với hai căn phòng nhỏ nhưng được tận dụng làm kho hàng. Ngay trên hai căn phòng này, chủ cửa hàng kê các tấm gỗ tạo thêm một kho chứa giày dép khác.

Cách tiệm giày M.H. khoảng 200m là cửa hàng kinh doanh giày dép B.B., cách bố trí kho chứa hàng và phòng cháy cũng không có gì “tiến bộ” hơn tiệm M.H. Ở B.B., các bao giày dép còn nằm sát khu vực thờ cúng. Theo ghi nhận của chúng tôi, các tiệm giày dép có mặt tiền ở các tuyến đường khu vực trung tâm đa số là dạng nhà ống, mặt tiền cũng là lối thoát hiểm duy nhất nhưng lại bị tận dụng triệt để cho việc trưng bày hàng hóa và trữ hàng, xem như chủ cửa hàng đã tự bít chính lối thoát của mình trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

Nhiều người còn chưa quên vụ cháy “lịch sử” tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái tại lô H1, khu công nghiệp Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh đêm 16 rạng sáng 17/4 đã thiêu rụi khoảng 500 tấn hóa chất và hàng ngàn mét vuông nhà xưởng, trị giá thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong vụ cháy cửa hàng giày dép ở TP Cần Thơ khiến ba người trong một gia đình thiệt mạng vừa qua, cơ quan chức năng đã xác định, trước khi xảy ra cháy, chủ cửa hàng đã nhập về rất nhiều giày, dép, hóa chất dễ cháy với tổng giá trị lên đến năm tỷ đồng.

Nguyên nhân các vụ cháy trên cũng tương tự vụ cháy năm 2013 tại công ty Pou Yuen (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) - một đại gia trong lĩnh vực gia công giày dép trên thế giới. Chỉ vài giờ sau khi "bà hỏa" viếng thăm, khoảng 2.000m2 nhà xưởng của công ty này đã ra tro. Với các vụ cháy trên, công tác chữa cháy luôn bị động do khi cháy, hóa chất bén lửa rất nhanh và mạnh. Ở vụ cháy công ty hóa chất tại KCN Lê Minh Xuân, nhiệt độ cháy lên đến hơn 2.0000C khiến hàng chục cảnh sát PCCC bị phỏng và ngất xỉu.

Anh Vũ Đình Dũng (SN 1984, quê Bình Thuận), một công nhân, cũng là nạn nhân của vụ hỏa hoạn tại công ty CP Trường Nam (chuyên gia công các phụ kiện liên quan đến giày dép) đường số 11, KP.1, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức cho biết: “Đa số các công ty đều sử dụng máy ép nhựa. Khi ép ở nhiệt độ cao, chỉ cần một tia lửa điện bắn vào các cuộn nhựa là vài giây sau lửa đã bùng lên dữ dội. Do sợ nhựa bắn vào người nên mọi người xung quanh cũng bị động trong lúc dập lửa ban đầu. Khi định thần trở lại thì đám cháy đã không thể dập được nữa, chỉ còn biết chạy ra xa đứng đợi xe cứu hỏa". Trong vụ cháy mà anh Dũng gặp phải, anh và ba công nhân khác đã bị phỏng nặng ở bụng và lưng.

San xuat- kinh doanh  giay dep: Chay  la  het  chay!

Mặt tiền của tiệm giày dép M.H. (đường Lý Chính Thắng, Q.3) với những chùm dép nhựa treo lủng lẳng, phía bên trong giày dép được chất bỏ lộn xộn

San xuat- kinh doanh  giay dep: Chay  la  het  chay!

Tiệm giày dép ở lô 12 trên đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh và bên trong tiệm là khu gia công thu nhỏ với các loại máy móc

QUAN TRỌNG VẪN Ở Ý THỨC

Theo trung tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Q.1, Nghị định số 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền mức cao nhất từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại trên 50.000.000đ nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức xử phạt này trên thực tế là “gặp khó” vì đối tượng thiệt hại đa phần cũng chính là cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy, nổ.

Theo trung tá Tâm, việc phòng cháy tại các cơ sở gia công, cửa hàng mua bán giày dép cần sự theo dõi chặt chẽ của cấp quản lý cơ sở như xã, phường, thậm chí tổ dân phố, vì nhiều công ty sản xuất giày dép khoán sản phẩm kèm hóa chất về cho các hộ dân gia công nhưng không nhắc nhở, trang bị bình chữa cháy hoặc phương án dập lửa trong trường hợp rủi ro khiến nhà dân cũng biến thành những điểm có nguy cơ phát cháy cao.

Mặt khác, công tác quản lý, xử phạt về lĩnh vực PCCC đối với các cơ sở kinh doanh giày dép đang có một bất cập là tuy không thuộc danh mục cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao nhưng ngành sản xuất giày dép lại thường xuyên sử dụng một lượng hóa chất, chất phụ gia lớn có thể gây cháy. Nếu kiểm tra các cơ sở gia công, kinh doanh giày dép mà chiếu theo “Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ” thì đa phần đều “lọt sổ”, vì hóa chất lúc này đã ở dạng thành phẩm chứ không còn là một chất gây cháy thông thường. Quan trọng nhất trong công tác phòng cháy vẫn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người.

Thiếu tướng Trần Triều Dương - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo, các cơ sở sản xuất cần niêm yết nội quy PCCC, biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ; không phải để đối phó với đoàn kiểm tra, mà phải ý thức đó là cách tự bảo vệ cho tính mạng và tài sản của mình.

Đối với các nguyên vật liệu dễ cháy và các chất phụ gia là nhiên liệu hóa học, chỉ nên tính đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Ngoài ra, hàng hóa trong cửa hàng, kho hàng phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn, đủ lối thoát hiểm. Nếu cơ sở vừa sản xuất kinh doanh, vừa là nơi cư trú thì nên tách riêng các hệ thống điện để tránh gây chập cháy toàn bộ hệ thống trong trường hợp xảy ra sự cố.

 Vinh Quốc- Như Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI