Kiểm soát rau an toàn: Chỉ mang tính phong trào

30/10/2013 - 15:00

PNO - PN - Không chỉ người tiêu dùng (NTD) mà có tới 73% người buôn bán rau không phân biệt được rau an toàn (RAT). Sự nhập nhèm trong quản lý rau tại các chợ đầu mối là một trong những lý do khiến RAT khó đến tay NTD. Đó là thông tin được...

edf40wrjww2tblPage:Content

73% người buôn bán rau không phân biệt được rau an toàn

Vựa rau sạch của Hợp tác xã Vân Nội là một trong những vựa lớn của Hà Nội. Tuy nhiên, NTD sẽ không khỏi rối khi có mặt ở đây để lựa chọn được đúng sản phẩm an toàn. Các cửa hàng rau bình thường và RAT nằm trà trộn lẫn nhau, không được chia thành những khu vực riêng. Trong khi đó, sản phẩm trái mùa như cà chua, cải bắp… được bày bán ở một số cửa hàng, vẫn được khẳng định là RAT Vân Nội khi có khách hàng hỏi mua.

Tình trạng đáng lo ngại trong quản lý RAT không chỉ xảy ra ở chợ Vân Nội mà còn khá phổ biến ở các chợ rau đầu mối của Hà Nội. Cuộc điều tra về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rau tại các chợ ở Hà Nội do IPSARD thực hiện năm 2013 được công bố ngày 29/10 cho thấy, công tác quản lý ATTP nói chung và đối với sản phẩm rau nói riêng chưa được thực hiện một cách sát sao. Theo điều tra, chỉ có hai ban quản lý (BQL) chợ đầu mối là chợ Đồng Xa và chợ Đền Lư cho biết có biện pháp quản lý ATTP với RAT tại chợ. Còn BQL các chợ đầu mối khác như Long Biên, Vân Nội, Dịch Vọng Hậu thì cho rằng, đây không phải là… chức năng của mình, vì vậy RAT vẫn nằm ngoài vùng kiểm soát.

Trong khi công tác kiểm soát lỏng lẻo thì nhận thức về RAT của cả người bán và người mua còn rất thấp. Điều tra chỉ rõ, 73% số người buôn bán rau tại các chợ không phân biệt được RAT nếu không có các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật. Tỷ lệ này ở nhóm mua rau lên tới 95%. Chỉ có 60% số người mua rau thực sự quan tâm đến ATTP. Đặc biệt đáng ngại là có tới 30% số người buôn bán rau được điều tra cho rằng, không cần thiết phải cung cấp RAT do kinh doanh mặt hàng này có lãi thấp, chi phí sản xuất cao, trong khi đầu ra không ổn định cả về giá cả và chất lượng. Người kinh doanh RAT cũng chưa nhận được sự ưu đãi đáng kể so với người kinh doanh rau thường.

Hiện nay, tại các chợ chưa có phân khu riêng cho RAT nên tỷ lệ cung ứng của mặt hàng này còn hạn chế. Ông Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn Nghiên cứu chiến lược và chính sách (IPSARD) cho biết, theo ước tính của đại diện BQL chợ Long Biên, chợ Hôm Đức Viên và chợ Đồng Xa, lượng RAT tại các chợ này chỉ nằm ở mức dưới 10%. Chợ Đền Lừ, chợ Vân Nội thì không thể xác định được lượng rau sạch cung ứng do người bán hàng không khai báo.

Kiem soat rau an toan: Chi mang tinh phong trao

Phần lớn người buôn bán rau không phân biệt được rau an toàn

Chưa có chế tài xử lý

Theo nhóm nghiên cứu của IPSARD, sở dĩ việc đưa RAT vào thị trường đã có kế hoạch từ 15 năm nay nhưng chưa đạt được hiệu quả, một trong những lý do là sự bất cập của cơ chế quản lý ATTP tại chợ đầu mối. Ông Thắng cho hay, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và nghị định có nêu rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) trong việc quản lý ATTP, trong đó có sản phẩm rau từ đồng ruộng đến các chợ. Để thực hiện nhiệm vụ này, trong năm 2013, Bộ NN-PTNT đã xây dựng dự thảo thông tư “Quy định về điều kiện đảm bảo ATTP đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản” và đang trong thời gian lấy ý kiến các bên liên quan. Trong dự thảo, Bộ đã đưa ra các yêu cầu với BQL chợ như: cán bộ kỹ thuật trong BQL chợ được tập huấn, cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP; được trang bị và sử dụng thành thạo các công cụ kiểm tra ATTP; triển khai quy định về đảm bảo ATTP với các hộ kinh doanh; thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng về trường hợp hộ kinh doanh, người mua không tuân thủ quy định ATTP… “Tuy nhiên, văn bản lại chưa đề cập tới cơ chế xử phạt nếu BQL chợ không đáp ứng được các yêu cầu. Ngoài ra, đơn vị nào thuộc Bộ sẽ là đầu mối xử lý các vấn đề này?”, ông Thắng phân tích.

Không chỉ có kẽ hở pháp luật, việc kiểm tra, giám sát rau sạch, theo ông Thắng “nhiều khi chỉ mang tính phong trào”. Thành phần ban chỉ đạo kiểm tra liên ngành là những cán bộ kiêm nhiệm từ các cơ quan, ban ngành khác nhau nên nhìn chung, việc kiểm tra hầu như chỉ tập trung vào một số thời điểm trong năm như Tết Nguyên đán, tháng hưởng ứng vệ sinh ATTP… Một hạn chế khác được chỉ ra là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP của Việt Nam còn rất hạn chế. Thống kê của IPSARD đã đưa ra những con số “biết nói”. Theo đó, ở Việt Nam có khoảng 300 cán bộ, thanh tra về thực phẩm, trong khi đó, chỉ riêng thủ đô Bangkok, Thái Lan đã có trên 5.000 người và Nhật Bản là 12.000 người…

 H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI