Khóc ròng vì bút 'ma thuật' làm ảo thuật trên giấy nợ

02/10/2018 - 06:00

PNO - Mới đây, xuất hiện tình trạng người cho vay lén sửa mức lãi suất ghi bằng bút xóa được chữ (bút “ma thuật”) trên hợp đồng.

Loại bút này xuất hiện trên thị trường khá lâu, từng được cơ quan chức năng tính đưa vào diện kinh doanh có điều kiện do có thể gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Lãi suất 2,4%/tháng bỗng biến thành 4,2%/tháng

Mới đây, chị Hồ Ngọc Hạnh (ở Q.8, TP.HCM) tá hỏa khi giấy vay nợ của chị từ lãi suất 2,4%/tháng nay bỗng dưng thành 4,2%/tháng. “Rõ ràng, tôi đã đọc mức lãi suất là 2,4%/tháng nên mới đặt bút ký, không hiểu sao bây giờ lãi suất lại là 4,2%/tháng. Tôi quan sát thì không có dấu vết tẩy xóa nào” - chị Hạnh ngỡ ngàng, bức xúc. 

Vào tháng 8/2017, trong lúc gia đình gặp khó khăn, chị Hạnh được người chị kết nghĩa là bà Võ Kim Loan (ở cùng quận) hứa cho mượn 100 triệu đồng với lãi suất 2,4%/tháng, trả trong 3 năm. Nghĩ chỗ thân tình, cộng với việc chỉ vay với lãi suất vừa phải nên chị Hạnh giao hết cho bà Loan viết giấy vay nợ, đọc xong rồi ký. Giấy vay viết tay, không có công chứng, chỉ có một bản do bà Loan giữ.

Mỗi tháng, chị Hạnh vẫn đóng đều đặn tiền lãi 2,4 triệu đồng. Trả lãi được một năm, chồng chị Hạnh bất ngờ trúng số gần 1 tỷ đồng nên chị Hạnh đem toàn bộ tiền gốc trả cho bà Loan. Thay vì chỉ trả 100 triệu đồng cùng 2,4 triệu đồng tiền lãi của tháng 9/2018, chị Hạnh bị buộc trả thêm gần 26 triệu đồng nữa.

Chị thắc mắc thì bà Loan đưa ra giấy vay nợ trong đó ghi lãi suất 4,2%/tháng chứ không phải 2,4%/tháng. Mỗi tháng, chị Hạnh chỉ đóng 2,4 triệu đồng nên vẫn còn nợ 1,8 triệu đồng, nhân với 13 tháng nên vẫn còn nợ gần 26 triệu đồng. 

Khoc rong vi but 'ma thuat' lam ao thuat tren giay no
Có thể mất tiền nếu bị kẻ gian dùng bút “ma thuật” trong các giao dịch

Theo luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM), có thể giấy vay nợ của chị Hạnh được viết bằng hai loại mực, nội dung vay được viết bằng mực thường, phần lãi suất vay được ghi bằng loại bút xóa được.

Mực từ loại bút “ma thuật” này khi để lâu ở nhiệt độ hơi cao hơn bình thường sẽ tự động biến mất hoặc có thể dễ dàng tẩy xóa mà không để lại dấu vết và bà Loan chỉ cần sửa lại mức lãi suất vay giống với loại mực được dùng ghi nội dung vay.

Không chỉ người đi vay, cả người cho vay cũng có thể mất tiền tỷ nếu chẳng may bị người vay dùng loại bút này ký tên trên giấy vay. Mới đây, bà Ngô Thị T. (ở tỉnh Trà Vinh) suýt mất 1 tỷ đồng do để người vay dùng loại bút lạ ký vào giấy tờ.

Vào năm 2013, bà T. có cho người anh bà con của mình là ông Đinh Văn N. (ở cùng tỉnh) vay 1 tỷ đồng để mở rộng kinh doanh. Hợp đồng vay được soạn bằng văn bản, chia làm hai bản, có đủ chữ ký hai bên. Do chỗ anh em thân tình nên bà T. không công chứng. Sau 5 năm cho vay, bà T. đem giấy vay nợ ra xem thì tá hỏa khi chữ ký của người vay biến mất, chỉ còn chữ ký của bà.

Ông N. phủ nhận đã vay tiền của bà vì trên bản hợp đồng mà ông N. giữ cũng không có chữ ký của ông. Bà T. nhờ luật sư vào cuộc, đưa đơn ra tòa; lúc này, ông N. mới thú nhận không cố ý gạt tiền bà T. Do việc kinh doanh thất bát, nợ nần, cộng thêm chữ ký trên giấy vay bỗng dưng biến mất nên ông N. mới nảy sinh ý định quỵt tiền.

Theo lời kể của ông N., trước đó, ông được một người bạn đi Nhật về tặng hộp viết đủ màu xanh, đen, đỏ. Lúc ký giấy vay tiền của bà T., ông N. có sẵn cây viết này trong túi nên đem ra ký và không hề biết đây là loại bút xóa được chữ. 

Loại bút “ma thuật” này còn được một số kế toán bất lương sử dụng để chiếm đoạt tài sản của công ty. Năm 2017, Công an tỉnh Đồng Nai đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố hai bị can Nguyễn Thị Tuyết Nga (33 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Phượng (32 tuổi), đều trú tại TP.Biên Hòa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai đối tượng này đã thông đồng sử dụng bút “ma thuật” để lập, chỉnh sửa phiếu đề xuất, bảng lương công nhân, sổ quỹ rồi trình giám đốc Công ty DTC ký duyệt. Sau khi giám đốc ký duyệt, công nhân ký nhận tiền, Nga và Phương đã sửa số liệu trong các chứng từ để nâng khống số tiền nhằm “ăn” chênh lệch hơn 536 triệu đồng. 

Chưa bị cấm dùng

Hiện bút “ma thuật” được bán như mọi loại bút khác trên các trang thương mại điện tử, các cửa hàng dụng cụ giáo dục với giá từ 20.000-150.000 đồng/cây (tùy xuất xứ, mẫu mã, nguyên liệu).

Do những nguy cơ tiềm ẩn của chúng, ngay từ năm 2015, khi loại bút này mới xuất hiện trên thị trường, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có biện pháp phối hợp kiểm soát chặt chẽ bởi chúng có thể gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nếu bị kẻ xấu lợi dụng.

Luật sư Nguyễn Hà Phong cho biết, đến nay, vẫn chưa có văn bản pháp quy nào cấm dùng hay đưa ra mức xử phạt nếu dùng loại bút này. Do đó, việc các trang thương mại điện tử công khai rao bán chúng là điều bình thường, vì không vi phạm pháp luật. 

Tại Nhật Bản và các nước khác, loại bút này được bán đại trà trong các nhà sách, học sinh, giới văn phòng thường dùng loại bút này để viết nháp trong sách, tài liệu vì dễ dàng tẩy xóa.

“Quan trọng là do ý thức của người sử dụng; Việt Nam cấm bán nhưng nước ngoài bán đại trà thì bút vẫn về được Việt Nam. Thay vì chỉ đưa ra lệnh cấm, nên tuyên truyền để người dân nắm rõ: nếu sử dụng loại bút trên để gây thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc vi phạm những điều mà pháp luật nghiêm cấm thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi chưa có quy định liên quan, người dân nên nâng cao cảnh giác mỗi khi thực hiện các hợp đồng, giao dịch, hồ sơ mang tính pháp lý” - luật sư Phong nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI