Khó xóa thẻ vàng IUU cho hải sản xuất vào châu Âu

26/09/2018 - 12:00

PNO - Nhiều doanh nghiệp nhận định, khó xóa thẻ vàng IUU (chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp) sau hơn một năm châu Âu (EU) cảnh cáo đối với hải sản từ Việt Nam.

Xuất khẩu hải sản vào EU giảm 

Sau khi bị thẻ vàng IUU, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường EU giảm đáng kể. Tám tháng đầu năm đạt 252 triệu USD, giảm 25%. Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, xuất khẩu có chiều hướng giảm sâu và liên tục trong năm 2018.

Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (Vasep.Pro), xuất khẩu hải sản sang EU vẫn duy trì tăng trưởng hai con số qua các tháng nhưng giá trung bình tăng là do nguồn cung khan hiếm. Sản phẩm chủ lực cá ngừ là mặt hàng tăng trưởng dương cao nhất. Nhưng mặt hàng này có giá trị cao hơn do giá trung bình xuất khẩu cao hơn năm trước từ 5-7%. Nếu so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng qua từng tháng đều thấp hơn. 

Kho xoa the vang IUU cho hai san xuat vao chau Au
Tồn tại lớn đối với hải sản xuất khẩu hiện nay là nghề cá vốn hoạt động theo phương thức truyền thống. Trong ảnh: Tàu cá cập cảng

Các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản vào châu Âu cho hay, từ khi bị thẻ vàng, các nước trong khối đều tăng cường kiểm tra các lô hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra trong năm qua các lô hàng không có vấn đề gì về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ vướng mắc vấn đề quản lý tàu thuyền ở các địa phương. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản vào EU khoảng 300-400 triệu USD/năm, không phải số lượng lớn nhưng là thách thức để các nhà xuất khẩu hải sản Việt Nam thoát khỏi nghề cá nhỏ lẻ, trở thành ngành nghề mang tính hiện đại, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Cơ hội để hiện đại nghề cá

Tại hội nghị đánh giá một năm triển khai chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU, tổ chức tại TP.HCM ngày 25/9, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban hải sản VASEP, cho biết: năm qua, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý địa phương, Nhà nước và Chính phủ đều tập trung nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị ngăn chặn tàu thuyền đánh bắt trên các vùng biển nước ngoài, quyết tâm làm mọi cách ra khỏi thẻ vàng. Luật Thủy sản cũng được Quốc hội thông qua...

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa thể khắc phục. Chẳng hạn việc quản lý tàu thuyền ở địa phương khá khó khăn do lượng tàu thuyền lớn, nhân lực quản lý hạn chế. 

Công tác quản lý từ cảng, biên phòng, chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được liên thông một cách tốt nhất, dẫn đến những loại giấy tờ khai báo theo yêu cầu của EU vẫn đang vướng ở các địa phương, dù các tỉnh, thành có nghề cá vẫn đang được tập huấn ráo riết.

Đại diện VASEP cho hay, tồn tại lớn đối với hải sản xuất khẩu hiện nay là nghề cá vốn hoạt động theo phương thức truyền thống. Đội tàu đông nhưng hoạt động nhỏ lẻ… nên để chuyển đổi sang nghề cá quy mô, bền vững, có trách nhiệm cần đầu tư dài hạn. Yêu cầu đầu tiên là lập hệ thống cơ sở dữ liệu, cần đến một vài năm. Khi đó dữ liệu mới có thể thuyết phục châu Âu là ta làm có hệ thống, có báo cáo, minh bạch. 

Thêm vào đó, EU muốn Việt Nam thể hiện nỗ lực không có tàu đi đánh bắt phạm pháp, phải xử phạt nặng với những tàu đi đánh bắt bất hợp pháp tại các vùng biển của Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia.

Dù cơ quan quản lý khá mạnh tay với tàu đánh bắt trái phép nhưng vẫn có nhiều tàu bất chấp, bởi theo bà Sắc, mức phạt dù lên đến hàng tỷ đồng nhưng nếu không bị phát hiện có thể thu lời nhiều tỷ đồng nên họ bất chấp. 

Với những lý do trên, bà Sắc cho rằng, thời hạn một quý nữa khó có thể lấy lại thẻ xanh cho hải sản Việt Nam, mà chỉ duy trì thẻ vàng và không để EU rút thẻ đỏ. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, ngư dân còn cần nỗ lực từ Chính phủ.

Trong đó, Chính phủ nên có chính sách tài trợ thiết bị cho các tàu thuyền, giúp có được thông tin định vị - những thông tin dữ liệu mà thị trường châu Âu cần. Đây là một trong những đòi hỏi quan trọng để EU bỏ thẻ vàng cho hải sản Việt Nam. Đồng thời, cần mạnh mẽ loại bỏ những tàu bất hợp pháp. 

Với hàng triệu người sống bằng nghề cá dọc đường biển kéo dài từ Bắc vào Nam, hơn nữa chiến lược kinh tế 4.0 của Chính phủ cũng có thể đưa vào hải sản để biến một ngành nhỏ lẻ sang hiện đại, công nghiệp. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để ngành cá sắp xếp lại một cách bài bản. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI