ICO tiền ảo, hơn 70% là lừa đảo

26/07/2018 - 06:00

PNO - ICO là hình thức gọi vốn cho các dự án phát triển tiền ảo tương tự như IPO bên chứng khoán. Điểm khác biệt là doanh nghiệp muốn IPO phải trải qua qui trình thủ tục chặt chẽ của ủy ban chứng khoán, còn ICO thì… vô tư.

Tháng 4/2018 khi mạng lưới đầu tư tiền ảo Pincoin và iFan đa cấp của Cty Mordern Tech vỡ lỡ khiến hơn 32.000 nạn nhân tại Việt Nam mất hơn 15.000 tỉ đồng mới khiến nhiều người… mơ giàu bằng việc chơi tiền ảo lâu nay tỉnh ngộ.

ICO tien ao, hon 70% la lua dao
ICO tiền ảo, hơn 70% là lừa đảo.

Cú lừa tiền ảo đa cấp đó dù sao cũng mới chỉ từ phía nạn nhân tố cáo, còn về phía các cơ quan chức năng cũng như bên thứ ba, đến bây giờ vẫn chưa có điều tra và kết luận cụ thể.

Nhưng với những con số nghiên cứu từ Cty tư vấn chuyên về ICO có tên Satis Group (Mỹ) vừa được công bố ngày 11/7 vừa qua, thì “bộ mặt thật” của hoạt động ICO năm 2017 đã được xác định rõ.

Theo Satis, 78% các ICO trong năm 2017 được xác định rõ là lừa đảo với số tiền khoảng 1,7 tỉ USD, còn 4% thì thất bại, 3% chết yểu, chỉ có 15% dự án đi đến công đoạn cuối là đưa được lên sàn.

Tuy nhiên, đưa được lên sàn đâu đã là thành công. Đại diện hùng mạnh nhất cho thị trường tiền ảo lâu nay là đồng Bitcoin, từ mức giá vài trăm USD cách đây vài năm đã tăng lên đỉnh điểm gần 20.000USD vào tháng 12/2017. Nhưng từ tháng 1/2018, giá Bitcoin đã rơi mạnh và đến thời điểm này nằm ở mức trên 7.000 USD.

Nhưng dẫu sao Bitcoin vẫn chưa thảm hại như đồng BitConnect (BCC). Dự án tiền ảo BCC bắt đầu ICO từ ngày 15/11/2016 đến hết ngày 31/12/2016. Giá trị đồng BCC tăng lên 18 lần sau 6 tháng tính từ thời điểm ICO thành công và đến tháng 8/2017 giá trị của nó đã tăng 1.000 lần tính từ thời điểm ICO.

Thế nhưng đến giữa tháng 1/2018 khi sàn Bitconnect ngừng hoạt động thì đồng BCC rơi giá tự do từ mức xấp xỉ 400 USD kéo theo một cộng đồng chơi đồng BCC tại Việt Nam hơn 50.000 người bị “sập hầm”. Đến thời điểm này, giá trị đồng BCC chỉ dao động từ 0,5-0,6 USD.

Những miếng ngon ngọt lãi cao đã từng được vống lên cho đến khi đã đủ số những “con nhạn là đà” sa vào thì “sập sàn” BitConnect và tất cả vốn đầu tư người chơi đổ vào tan tành mây khói nhưng kì thực là chảy vào túi một nhóm đối tượng.

Theo Satis, trong số những ICO lừa đảo thì có những ICO đã có ý định lừa đảo ngay từ ban đầu như trường hợp lừa đảo tiền ảo đa cấp Pincoin và iFan tại Việt Nam vỡ lỡ dạo tháng 4/2018. Tuy nhiên cũng có trường hợp trong quá trình ICO tính khả thi dài hạn không có và thế là nhà phát triển dự án lặn mất tăm hơi để lại sự mất mát tiền của cho các nhà đầu tư. 

Trong tỉ lệ 78% ICO lừa đảo được Satis chỉ ra, top ba ICO Pincoin, Arisebank và Savedroid đã “hút máu” phần lớn số tiền 1,3 tỉ USD trong năm 2017. Đáng nói là, Pincoin đã được phát hành tại Việt Nam thông qua công ty Mordern Tech cũng đã gây ra thiệt hại lớn trong tổng số tiền hơn 15.000 tỉ đồng của hàng chục ngàn nạn nhân.

Dưới hình thức này hay hình thức khác, hiện các hoạt động ICO vẫn thỉnh thoảng diễn ra tại Việt Nam. Những người bình thường ít ai đủ am hiểu để phân biệt rằng blockchain là một công nghệ hữu hiệu trong tương lai nhưng tiền ảo chỉ là một trong những ứng dụng trên nền công nghệ này mà thôi. Và trên con đường rẽ nhánh của ứng dụng tiền ảo, có đến 78% ICO tiền ảo trong năm 2017 là lừa đảo.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI