Huawei, OPPO, Xiaomi... điện thoại giá rẻ Trung Quốc với cáo buộc 'bán đứng' người dùng

17/06/2019 - 07:17

PNO - Hàng loạt vụ người dùng bị mất dữ liệu, bị rút tiền trong tài khoản ngân hàng một cách kỳ quái khiến vấn đề bảo mật điện thoại trở thành mối quan tâm lớn của nhiều người.

Kẻ tạo phản ngay trong lòng bàn tay 

Không phải dòng điện thoại nào cũng có thể tin cậy để lưu mọi thông tin riêng tư của bạn. Sau cú trừng phạt của các tập đoàn công nghệ Mỹ với Tập đoàn Huawei, mọi việc dường như phức tạp hơn đối với chiếc điện thoại di động mà ai cũng mang theo bên mình mỗi ngày. Có một điểm chung của các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc như Huawei, OPPO, Xiaomi... là ống kính chụp cảnh rất đẹp, selfie (tự chụp chân dung) "cực đỉnh" mà mức giá lại rẻ, rất hấp dẫn người tiêu dùng.

Từ năm 2012 tới nay, lần lượt các thương hiệu điện thoại của Trung Quốc bị người dùng tố giác lén cài các phần mềm để thu thập dữ liệu khách hàng như Lenovo, Huawei, OPPO và Xiaomi… Đến mức, những người đứng đầu Hạ viện Mỹ đã phải lên tiếng khuyến cáo người dân không nên dùng các thiết bị cầm tay này.

Không chỉ riêng Mỹ, Úc cũng rất cảnh giác với thiết bị cầm tay và thiết bị mạng của Trung Quốc. Họ loại Huawei ra khỏi nhiều dự án thông tin của quốc gia. Sau Úc, Canada cũng làm điều tương tự.

Các cấp độ trộm dữ liệu 

Thực ra, hầu hết nhà sản xuất thiết bị cầm tay đều ít nhiều thu thập thông tin người dùng, kể cả Apple, thương hiệu được cho là đứng đầu thế giới về bảo mật. Khác nhau ở chỗ, họ có cho người dùng được lựa chọn cung cấp thông tin tự nguyện hay không mà thôi.

Nhưng, mục đích mới là điều quan trọng. Dữ liệu cá nhân được phục vụ cho điều gì? Nhằm để phát triển sản phẩm hay bán thông tin cá nhân và hành vi người dùng cho các nhà quảng cáo và cung cấp thông tin cho các chính phủ? Trong đó, có cả những mục đích không mấy tốt đẹp, vi phạm quyền tự do cá nhân.

Huawei, OPPO, Xiaomi... dien thoai gia re Trung Quoc voi cao buoc 'ban dung' nguoi dung
Dù chưa được đánh giá cao về bảo mật trong làng công nghệ thế giới nhưng doanh số cho thấy, họ đã có những bước tiến lớn trong sản xuất thiết bị công nghệ cao và có chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế

Nếu nhà sản xuất dùng những thông tin khách hàng tự nguyện cung cấp vào việc phát triển cho chính sản phẩm, có thể tạm xem mục đích ấy là tốt đẹp và hiệu quả. Nhờ đó, các dòng sản phẩm mới sẽ hoàn hảo hơn, ít hư hỏng và đa năng hơn. Ngược lại, lấy dữ liệu cá nhân người dùng nhằm đạt các mục đích khác bị coi là trục lợi, kể cả thu thập địa điểm và hành vi của khách hàng phục vụ cho mục đích quảng cáo. Các mục đích này đã vượt ra khỏi phạm vi của nhà sản xuất thiết bị, nhằm cung cấp cho bên thứ ba.

Mười tháng qua, bạn đã đi đâu? Bạn thường mua những món đồ gì? Bạn thích ăn những món ăn và thích dùng đồ uống nào? Nếu muốn, họ đều biết cả. Vấn đề bán dữ liệu cho các bên dùng để quảng cáo hiện đang gây tranh cãi ở rất nhiều quốc gia. Nhiều người ủng hộ, bởi nó vô cùng thuận tiện đối với người mua và cũng thực sự hữu ích đối với người bán khi tiếp cận khách hàng.

Nhưng, những người cẩn thận hơn lại cho rằng, ngoài thông tin tổng hợp về địa điểm, hành vi tiêu dùng để quảng cáo, liệu họ có trao đổi những thông tin sâu hơn về gương mặt, hình thể hay sinh trắc học nào khác không? Lỡ những nhà sản xuất yếu kém về bảo mật, bị hacker xâm nhập và khai thác, dữ liệu và những tấm hình đầy tính cá nhân lọt ra ngoài, sẽ ra sao?

Thời buổi của internet, của trí tuệ nhân tạo, ai nắm được dữ liệu lớn (big data), sẽ nắm được cả thế giới trong tay. Các nhà sản xuất đua nhau đầu tư máy chủ (server) với dung lượng có thể chứa được ký ức của cả thế giới. Điện toán đám mây đang phát triển như một công cụ không thể thiếu của đời sống hiện đại. Ở bất kể đâu, bạn vẫn có thể ôn lại kỷ niệm của mình.

Sử dụng mạng xã hội là nhu cầu rất cao của mỗi người. Nhà sản xuất thiết bị luôn được các ứng dụng mạng xã hội cấp quyền truy cập sâu hơn vào cơ sở dữ liệu. Tháng 6/2018, Facebook từng bị cáo buộc về điều này nhưng họ giải thích rằng, chỉ cho Huawei, Xiaomi, OPPO và 60 công ty khác truy cập một cách giới hạn, đủ để họ phát triển phần cứng một cách tốt hơn, tương đồng hơn với Facebook.

Sự thật ra sao? Bạn đừng quá ngạc nhiên khi mới mua một chiếc điện thoại mà khi vào Facebook, bạn đã thấy tràn ngập quảng cáo ốp lưng, miếng dán của chính model điện thoại bạn vừa mua. Làm sao nó thông minh được tới vậy? Bạn đã có câu trả lời rồi, đúng không?
Sau cú cấm vận về công nghệ vừa rồi, có thể thấy, Huawei nói riêng và ngành công nghệ cao nói chung của Trung Quốc vẫn rất non trẻ và cần học hỏi thêm nhiều.

Mua yên tâm bằng cách nào? 

Trang web cung cấp phần mềm diệt vi-rút và bảo mật Kasperky luôn khuyến cáo khách hàng của mình sử dụng điện thoại và máy tính một cách cẩn trọng. Với điện thoại, chỉ nên tải các ứng dụng từ các chợ ứng dụng đáng tin cậy, đã được cộng đồng chứng nhận như App Store của Apple hay CH Play của Android, tuyệt đối không nên cài từ các nguồn khác trên internet, vì vô tình tải kèm theo các phần mềm ăn cắp thông tin và dữ liệu cá nhân.

Khi máy đang dùng chậm chạp một cách bất thường, thấy xuất hiện các biểu tượng lạ mà không nhận được cảnh báo chính thức từ nhà sản xuất, nên rà soát lại quá trình dùng máy, xem bạn đã vô tình vào trang web nào, tải và cài đặt ứng dụng gì. 

Điều cần làm là ngay lập tức bảo mật lại email, hình ảnh, ID quản lý máy và những dữ liệu bạn cho là quan trọng, đổi mật khẩu (password) trên thiết bị khác an toàn hơn và đem cho bộ phận kỹ thuật tin tưởng để họ kiểm tra hoặc cài đặt lại thiết bị.

Ai cũng có những góc riêng tư và muốn gói ghém nó cho riêng mình. Đừng quá ham giá rẻ và hãy cẩn trọng mọi nhẽ, vì ai cũng cần một chiếc điện thoại di động như một người bạn đáng tin cậy. 

 Nguyễn Tuấn Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI