Học phí, viện phí, tiền điện nước... không còn thanh toán bằng tiền mặt

06/01/2019 - 06:00

PNO - Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Nội dung này được yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có yêu cầu không dùng tiền mặt trong thanh toán điện, nước, học phí tại các đô thị.

Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố cần chỉ đạo yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Nội dung này được yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.

Hoc phi, vien phi, tien dien nuoc... khong con thanh toan bang tien mat
Sinh viên tại các các khu đô thị sẽ không phải đóng học phí bằng tiền mặt. Ảnh minh hoạ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết hiện tại việc đóng tiền điện, nước, rác,... tại khu vực ông sinh sống vẫn bằng hình thức đóng tiền trực tiếp, việc này theo ông vô cùng mất thời gian.

Cụ thể, cứ vào ngày 15 hàng tháng có nhận viên đến ghi số nước, sau đó đến ngày 25 nhân viên tiếp tục đến thu tiền, cuối tháng nhân viên vệ sinh gõ cửa thu tiền rác. Riêng tiền điện hiện tại cải tiến hơn trước, đơn vị cung cấp điện tự cập nhật số điện, cứ khoảng 25 hàng tháng sẽ báo về số điện thoại số tiền, chỉ cần ra siêu thị điện máy, một số cửa hàng tiện lợi có thể đóng được.

Ông Tuấn cũng cho biết, việc tương lai thanh toán tiền điện, nước,... không dùng tiền mặt sẽ giúp người dân được chủ động hơn, giúp tiết kiệm được thời gian hơn.

"Tôi ủng hộ việc đóng tiền học phí không dùng tiền mặt, nhanh gọn đỡ mất thời gian của nhà trường và sinh viên", Nguyễn Ngọc Trân - sinh viên năm 3 trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết.

Ngọc Trân cho biết học phí học kỳ 1 năm học 2018-2019 của trường có hai hình thức đóng là trực tiếp tại trường và chuyển khoản qua ngân hàng. Do thói quen, hầu hết sinh viên chọn cách đóng trực tiếp, giữ hóa đơn vì khi trường yêu cầu xuất trình hóa đơn nếu sinh viên không lưu giữ buộc phải đóng học phí lại từ đầu.

"Hạn chế của cách đóng học phí bằng tiền mặt là phải đóng theo đợt, xếp hàng đợi rất lâu, phải giữ gìn hóa đơn kỹ lưỡng. Việc chuyển khoản qua ngân hàng, Momo ví điện tử, và các hình thức trả tiền điện tử khác sẽ tốt hơn cho cả nhà trường và sinh viên", Ngọc Trân nói.

Hoc phi, vien phi, tien dien nuoc... khong con thanh toan bang tien mat
Người dùng, sinh viên, ủng hộ việc thanh toán tiền điện, nước, học phí,... không dùng tiền mặt. Ảnh minh hoạ.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ yêu cầu trước quý III/2019, Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hằng tháng. Các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian được yêu cầu thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code, để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền tảng QR Code.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành chuẩn QR nội địa dựa trên nền tảng tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán của EVM.Co (một tổ chức toàn cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật bảo mật) giúp đồng bộ và đơn giản hóa phương thức thanh toán bằng mã QR tại Việt Nam.

Theo đó, người mua hàng chỉ cần cài đặt duy nhất một ứng dụng quét mã là có thể thanh toán tại bất kỳ đâu, còn các đơn vị bán hàng cũng chỉ cần áp dụng một mã QR duy nhất mà không còn phải lo lắng người mua hàng không có ứng dụng tương thích.

"Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới chấp nhận mã QR, mở rộng hệ khách hàng và lấy đó làm cơ sở nghiên cứu, phát triển phương thức thanh toán mã QR theo hướng gia tăng tiện ích và bảo mật", đại diện ngân hàng Sacombank cho biết.

Thanh toán số: Thế giới 'bỏ' Việt Nam rất xa

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc phổ biến QR code trong thanh toán, giao dịch rút tiền tại Việt Nam đi sau thế giới rất xa. Lý do không chỉ vì vấn đề công nghệ, đầu tư của các ngân hàng mà còn vì thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt. 

Theo ông Hiển, hạn chế lớn nhất để người dùng tiếp cận với QR code tại Việt Nam là mã QR không thống nhất, thanh toán liên ngân hàng đôi khi cần bộ chuyển đổi trung gian.

Ông Hiển cũng nhận định, bên cạnh tiện ích về công nghệ, hình thức này sẽ đối mặt với những nguy cơ mất cắp thông tin, bị hacker tấn công. 

"Tuy nhiên, tính hiệu quả và tiện ích của công nghệ vẫn lớn hơn so với mặt trái, nên không cản trở được xu thế sử dụng,... Người sử dụng công nghệ, khi có sự cố mất tiền, nếu chứng minh được với ngân hàng đúng và đủ những quy định thì không phải lo ngại, vì chính sách ngân hàng sẽ đảm bảo cho khách”, ông Đinh Thế Hiển cho biết.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI