Heo bị dịch tả châu Phi, cán bộ thú y xúi bán gấp!

07/06/2019 - 13:12

PNO - Chủ trại heo tâm sự, ông không chỉ buồn vì trắng tay khi trại heo nhiễm dịch, mà còn thất vọng vì chính những nhân viên thú y khuyên ông bán gấp trước khi bị tiêu hủy.

Gọi điện cho chúng tôi, ông đề nghị không được nêu tên cũng như địa phương nơi ông sinh sống vì thông tin heo bị nhiễm dịch tả heo châu Phi có thể khiến chủ các trại heo trong vùng bán tháo heo.

Trại của ông có quy mô hơn 200 con heo nái, trong đó có trên 100 con đang chuẩn bị đẻ. Hai ngày trước, ông gọi điện cho chúng tôi, sụt sùi: “Trại của anh dính (mắc dịch tả heo châu Phi), anh trắng tay rồi, vốn hơn chục tỷ đồng nằm cả trong đó”.

Chúng tôi khá bất ngờ, vì vẫn tin rằng trại heo của ông có thể vượt qua đợt dịch do ông có ý thức rất cao trong việc phòng ngừa dịch bệnh. Hơn nửa năm có dịch, ông không để người lạ đến gần trại của mình.

Heo bi dich ta chau Phi, can bo thu y xui ban gap!
TP.HCM đang thực hiện hàng loạt những biện pháp kiểm soát nguồn thịt heo từ các tỉnh nhằm ngăn mềm bệnh dịch tả heo châu Phi

Khu trại nằm biệt lập trên một quả đồi ở Nam Trung bộ. Ông yêu cầu công nhân làm việc trong trại tuân thủ tiêu chuẩn giống hệt như ở các trại nuôi của các công ty chăn nuôi của nước ngoài. Ông bảo, chỉ mắc mùng cho heo để ngăn dịch là ông chưa làm. Câu nói đùa mà thật. Heo trong trại của ông nhiễm dịch nghi do côn trùng là vật trung gian lây truyền mầm bệnh.

Một ngày sau khi ông báo trại có dịch, ông tiếp tục gọi điện, bày tỏ bức xúc. Ông kể, lực lượng chức năng đã tiêu hủy hơn chục con heo chết. Theo kế hoạch, toàn bộ heo trong trại của ông sẽ bị tiêu hủy ngay khi có kết quả xác nhận từ Chi cục Thú y vùng VI. Thế nhưng, ông được cán bộ thú y huyện gọi điện, gợi ý nên bán gấp heo trước khi có giấy xác nhận heo dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ông hỏi lại cán bộ thú y: “Bán như vậy khác nào gieo rắc dịch cho các hộ nuôi khác?” thì cán bộ thú y gác máy. Ông tỏ ra thất vọng với cách phòng, chống dịch của cán bộ thú y và nghi ngờ rằng, chính kiểu tiếp tay cho heo bệnh ra thị trường như thế đã khiến trại của ông nhiễm dịch.

Một chủ trại heo khác ở H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng từng phản ánh, khi thấy heo ở một trại heo tại địa phương bị chết bất thường, cán bộ thú y cũng đến lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy toàn bộ số heo trong trại. Ít ngày sau, heo ở một số trại xung quanh bắt đầu chết lác đác. Thấy heo chết, chủ các trại vội bán tháo những con còn sống trong đàn. Gần 20 ngày sau, khi cơ quan chức năng công bố trại đã nhiễm dịch thì heo chứa mầm bệnh ở đó đã được bán đi các nơi, đồng nghĩa với việc phát tán mầm bệnh.

Không hiếm trường hợp chủ trại heo bày tỏ bức xúc về cách chống dịch tả heo châu Phi tại địa phương. Trước đó, người nuôi heo tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang cũng cho biết, họ từng được cán bộ thú y “bật đèn xanh” cho bán heo bệnh.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI