Hàng nhái lộng hành, hàng thật khó sống

03/11/2017 - 17:30

PNO - TTTM Sài Gòn Square tập trung bày bán nhiều hàng nhái, hàng giả. Song trong số đó, vẫn có những người chuyên bán hàng thật và họ rất vất vả khi cạnh tranh với hàng giả.

Cách đây vài ngày, khi đến Sài Gòn Square, chúng tôi còn thấy bà Ekaterina - người Nga - mời mua nữ trang, quần áo trẻ em, các loại bánh mứt, nhưng ngày 2/11, khi quay lại nơi đây, bà đã trả sạp, nghỉ bán, chuyển về kinh doanh ở Q.7.

Qua điện thoại, bà cho biết, phải nghỉ bán ở Sài Gòn Square là do bà bán hàng thật, không cạnh tranh nổi với các sạp hàng nhái ở đây.

Hang nhai long hanh, hang that kho song
TTTM Sài Gòn Square là nơi thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, mua sắm.

Cụ thể, tại quầy hàng của bà, một chiếc lắc đeo tay chính hãng có giá 2,2 triệu đồng, trong khi cũng sản phẩm  đó, sạp kế bên chỉ bán với giá 850.000 - 1 triệu đồng.

Mặc dù TTTM này vẫn có nhiều người kinh doanh hàng thật, nhưng khách đến đây lại nghĩ tất cả sản phẩm bày bán đều là hàng nhái, ngay cả hàng thật cũng chỉ là hàng nhái được bán với giá cao.   

Trách nhiệm quản lý thị trường tới đâu?

Trước tình trạng hàng gian, hàng giả, nhái bày bán công khai trên thị trường TP.HCM, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đặt vấn đề trách nhiệm quản lý với ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM. 

Hàng gian, giả, nhái bày bán công khai như vậy, trách nhiệm quản lý chính thuộc về cơ quan nào, thưa ông?

- Ông Phạm Thành Kiên: Bất cứ mặt hàng nào gian lận lưu thông trên thị trường là thuộc trách nhiệm của quản lý thị trường (QLTT). 

Nhiều ý kiến cho rằng lực lượng QLTT của TP.HCM quản lý lỏng lẻo dẫn đến hàng gian, giả, nhái ngày càng tăng. Theo ông, ngành QLTT của TP.HCM  đã làm tốt vai trò, trách nhiệm chưa?

- QLTT TP.HCM không buông lỏng quản lý, các đội vẫn kiểm tra các điểm kinh doanh thường xuyên. Theo báo cáo hằng tuần, số lượng hàng giả, nhái bị thu giữ lên đến hàng nghìn sản phẩm. Tính chung trong 21 tỉnh thành phía Nam, chỉ TP.HCM đạt hơn 50% số vụ việc, số hàng tịch thu và tiền tổng thu nộp ngân sách.

Nếu vậy, tại sao hàng gian, giả, nhái vẫn tràn lan trên thị trường?

- Không chỉ TP.HCM mà trên cả nước vẫn tồn tại nhiều hàng gian, giả, nhái, là vì các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ chạy theo lợi nhuận nhập hàng Trung Quốc về bán. Người tiêu dùng “tẩy chay” hàng Trung Quốc nên họ thay mác “made in Việt Nam” để bán được hàng. QLTT kiểm tra, thu giữ hàng vi phạm và xử phạt theo quy định, nhưng mức chế tài chưa đủ sức răn đe nên vi phạm vẫn tái diễn. Hàng Trung Quốc nhập tiểu ngạch từ các tỉnh về TP.HCM quá dễ nên thương nhân họ chấp nhận bị thu giữ hàng rồi nhập về bán tiếp.

Vậy có nghĩa là QLTT “bó tay”? 

- Tổng lực lượng QLTT của TP.HCM chỉ có 600 người, cần sự phối hợp của các ban ngành, các tỉnh thành và cả người tiêu dùng. Để xác định hàng giả, nhái thì cần có sự phối hợp của nhà sản xuất chính hãng giám định sản phẩm, nhưng hiện chỉ có một, hai hãng phối hợp với QLTT TP.HCM. Vì vậy, dù hàng giả, nhái nhan nhản nhưng rất khó để xử lý hết vi phạm. Chưa kể, khi QLTT kiểm tra, các hộ kinh doanh dẹp hết hàng hóa, chỉ trưng bày vài món nên hàng vi phạm thu giữ được không nhiều, mức phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận nên họ không sợ. 

Vậy là không thể dẹp dứt điểm hàng giả, nhái? Liệu có sự bao che của QLTT?

- Việc kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài; phát hiện vi phạm tới đâu, xử lý nghiêm tới đó. Quan điểm chỉ đạo của TP.HCM là phát hiện vi phạm thì phải xử lý nghiêm, không bao che ai.   
Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Cẩm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI