'Hàng hiệu' Gucci, Louis Vuitton, Hermès... từ Móng Cái đến Hà Nội, Sài Gòn

03/08/2019 - 16:11

PNO - Các cảng, cửa khẩu, chợ ở Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM được xem là những đầu mối lớn tập kết hàng gian, hàng giả, chủ yếu là hàng Trung Quốc nhập lậu.

Rao hàng hiệu, kho chứa toàn hàng giả

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - cho biết, nhiều trang web bán hàng trực tuyến công khai bán hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam.

Mới đây, Cục QLTT TP.Hà Nội đồng loạt kiểm tra ba điểm bán hàng và kho chứa hàng của ba website menshop79.com, menshopfashion.com và ladystore.vn, thu giữ gần 1.300 sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví da, thắt lưng, mắt kính giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermès, Versace, Burberry… Toàn bộ số hàng này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đại diện pháp luật của các thương hiệu trên (đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam) khẳng định, các sản phẩm được bán ở các website trên đều là giả.

Cục QLTT TP.HCM cũng vừa kiểm tra Công ty TNHH BEFUL (phòng 401 lầu 4, cao ốc số 142 Võ Văn Tần, P.6, Q.3, TP.HCM) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dương Minh (phòng 602, tầng 6, cùng cao ốc), phát hiện hai công ty trên thiết lập website trực tuyến với tên miền là “beful.vn” và “obagimedical.com.vn” để giới thiệu hàng hóa, có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng chưa thông báo với cơ quan chức năng theo quy định.

Kiểm tra thực tế tại địa chỉ nêu trên, lực lượng chức năng phát hiện có 15.061 đơn vị sản phẩm là thực phẩm chức năng, sữa rửa mặt, nước hoa hồng, kem chống nắng, bao bì… trong đó có 114 tuýp kem chống nắng hiệu Obagi, 85g/tuýp, sản xuất tại Mỹ, đã hết hạn sử dụng từ tháng 1/2016. Tiếp tục kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa tại nhà số 25 đường Số 12, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM của Công ty TNHH BEFUL, Cục QLTT TP.HCM phát hiện 612 thùng các-tông chứa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ngoại nhập, một số sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Toàn bộ hàng hóa đều không hóa đơn, chứng từ. 

'Hang hieu' Gucci, Louis Vuitton, Hermes... tu Mong Cai den Ha Noi, Sai Gon
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam

Tổng cục QLTT đánh giá, tội phạm buôn lậu có xu hướng sử dụng công nghệ cao để trốn thuế, kinh doanh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Nhiều hành vi gian lận thương mại với nhiều hình thức khác nhau bị phát hiện gần đây như quay vòng hóa đơn, mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu; gian lận trong kê khai giá trên hóa đơn; gian lận về đo lường, chất lượng hàng hóa; sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng so với quảng cáo, công dụng và chất lượng sản phẩm không đúng theo công bố.

Đáng nói, lợi dụng tình hình kinh tế thế giới, khu vực biến động (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung), một số đối tượng trong nước đã nhập khẩu, đặt gia công nhiều loại hàng hóa như hàng may mặc, đồ điện tử, hàng tiêu dùng có xuất xứ từ nước ngoài giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam, đưa về Việt Nam để tiêu thụ. Đây là một trong những hành vi vi phạm có chiều hướng gia tăng nhưng khó phát hiện, kiểm soát.

Trăm phương cất giấu, vận chuyển hàng lậu

Trong một thời gian ngắn, hàng loạt điểm tập kết hàng gian, hàng giả với quy mô lớn bị phát hiện. Chẳng hạn, hai trung tâm mua sắm ở TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) kinh doanh các sản phẩm như đồng hồ, mắt kính, túi xách, vàng bạc, đồ gỗ mỹ nghệ, thắt lưng, ví da ghi các thương hiệu Louis Vuitton, Gucci trị giá hàng trăm tỷ đồng có dấu hiệu là hàng giả. 6.567 sản phẩm tương tự tại 11 cơ sở kinh doanh quần áo ở xã Ninh Hiệp, H.Gia Lâm, TP.Hà Nội cũng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Ngoài nhóm hàng lậu quen thuộc như thuốc lá, đường, mỹ phẩm, hàng thời trang, gần đây, còn có tình trạng vận chuyển phế liệu, rác thải, quần áo đã qua sử dụng từ Campuchia vào Việt Nam với số lượng lớn.

'Hang hieu' Gucci, Louis Vuitton, Hermes... tu Mong Cai den Ha Noi, Sai Gon
Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên tạm giữ hàng ngàn chai bia, sữa không thực hiện kiểm tra về an toàn thực phẩm theo quy định

Theo ông Trần Hữu Linh, hàng hóa thường được các đối tượng nhập lậu qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt, sau đó được chứa, trữ tại các kho bãi ở một số tỉnh, thành phố. Họ lợi dụng đường mòn, lối mở, chia nhỏ hàng hóa rồi mang, vác, cõng bộ qua biên giới, sau đó dùng xuồng máy, xe gắn máy vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ.

Các đối tượng này thường liên kết thành từng nhóm có quy mô lớn và thường xuyên thay đổi luồng, tuyến vận chuyển, thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Đáng lưu ý là “chiêu” ngụy trang, cất giấu hàng hóa trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng; phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe máy được xoáy nòng; thiết kế hầm chứa trên ô tô loại 4 chỗ, xe du lịch, xe tải, xe khách.

“Các đối tượng buôn lậu thường điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao, gây nguy hiểm và luôn có người theo sát lực lượng chống buôn lậu để đối phó, cản trở. Việc tổ chức giao nhận hàng thường diễn ra ở những khu vực vắng người, có nhiều đường để tẩu thoát. Họ không chứa hàng trong kho mà để ở những khoảng đất trống, khi bị phát hiện thì sẵn sàng chống trả hoặc bỏ lại hàng hóa để trốn thoát. Có nhiều trường hợp, các đối tượng bỏ cả xe mô tô” - ông Linh cho biết. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI