Hàng châu Âu được xóa thuế, người Việt còn săn hàng xách tay?

03/07/2019 - 07:25

PNO - Trước thông tin các dòng thuế sẽ cắt giảm khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam được thực thi, nhiều người đã nghĩ đến việc có thể mua các sản phẩm nhập chính thức với giá thấp.

Hàng xách tay vẫn sẽ tràn ngập

Hiện nay, rất nhiều mặt hàng xách tay từ châu Âu vẫn được các bà nội trợ săn lùng. Sữa xách tay từ Đức, Nga, Thụy Sĩ, Hà Lan; mỹ phẩm của Đức và Ý; nước hoa và túi xách của Pháp; bánh kẹo của Ý, Bỉ, Đan Mạch, Mexico…

Rất tiếc, khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm châu Âu nhập về Việt Nam trong danh mục giảm thuế lại thuộc các nhóm hàng như máy móc, thiết bị; ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy; đồ uống có cồn; các loại thịt sống; dược phẩm; hóa chất và sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dệt may, giày da; sữa và các sản phẩm từ sữa; xăng dầu. Trừ thịt và sữa, những nhóm hàng được miễn thuế 0% này không nằm trong nhóm được các bà nội trợ tìm mua.

Ở ngành sữa, khoảng 44% nhóm sản phẩm sẽ có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc sau 3 năm. Phần còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 5 năm. Lâu nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn tin tưởng hàng ngoại ở nhóm thực phẩm nhất, vì thường tuân thủ chuẩn quốc tế, đạt chất lượng nhất định. Nếu sản phẩm sữa giảm thuế, người tiêu dùng sẽ dễ dàng tiếp cận được sữa chất lượng, giá rẻ.

Hang chau Au duoc xoa thue, nguoi Viet con san hang xach tay?
Tới đây sữa châu Âu sẽ tràn về Việt Nam với giá rất rẻ

Hiện nay, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sữa là 15%. Nếu miễn thuế nhập khẩu, các sản phẩm sữa từ châu Âu sẽ có giá tương đương với sữa Việt Nam. Ví dụ sản phẩm sữa Nan Supreme số 2 loại 800g của Thụy Sĩ hiện bán giá 400.000đ/hộp, nếu giảm thuế 15%, tương đương 60.000đ/hộp, gần bằng một sản phẩm sữa thương hiệu Việt Nam loại 900g.

Một số dòng sữa ngoại, nếu bỏ thuế nhập khẩu, giá có thể rẻ hơn sữa Việt Nam. Ví dụ sữa Physiolac 2 loại 900g của Pháp có giá 390.000đ/hộp, rẻ hơn sữa thương hiệu Việt Nam từ 1.000 - 1.500đ/hộp. Nếu giảm thuế, sẽ càng rẻ.

Dù vậy, nhiều chuyên gia trong ngành sữa vẫn nhận định: các bà nội trợ sẽ tiếp tục săn hàng xách tay “nội địa” châu Âu, vì số doanh nghiệp nhập sữa công thức cho trẻ em ở một số dòng cao cấp rất ít, chủ yếu là nhập nguyên liệu để sản xuất.

Ngành sữa và thịt sẽ thiệt thòi

Theo lộ trình, Việt Nam sẽ miễn thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh về mức 0% sau 7 năm. Thịt gà sẽ được xóa thuế nhập khẩu sau 10 năm và thịt bò sẽ được xóa thuế nhập khẩu sau 3 năm. Theo các chuyên gia, EVFTA sẽ giúp các ngành như thủy hải sản, rau củ quả hưởng lợi. Riêng ngành thịt, sữa sẽ gặp bất lợi và chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Phạm Đức Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam - cho rằng, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam có giá thành cao, sức cạnh tranh thấp. Nguyên nhân do sản xuất quy mô nhỏ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào giống và thức ăn nhập khẩu.

Chẳng hạn, giá thịt heo ở Việt Nam hiện nay ở mức 40.000 - 45.000đ/kg, trong khi thịt heo tại các nước châu Âu có giá chỉ 30.000 - 35.000đ/kg. Hiện nay, thuế nhập khẩu sản phẩm thịt từ châu Âu vào Việt Nam nằm trong mức từ 10-40%. Nếu mức thuế này cắt giảm dần và loại bỏ, rất có thể tỷ trọng và kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ tăng đáng kể.

Theo ông Bình, châu Âu có trợ cấp nông nghiệp “trá hình” mà Việt Nam không thể phản ánh hay can thiệp, trong khi nông dân Việt Nam không hề nhận trợ cấp gì. Sản phẩm chăn nuôi châu Âu đạt tiêu chuẩn cao hơn so với sản phẩm Việt Nam về nhiều mặt.

Họ có GlobalGAP, trong khi Việt Nam chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP còn chưa xong. Họ được công nhận về an toàn dịch bệnh, giết mổ theo tiêu chuẩn HACCP hay truy xuất nguồn gốc cũng có tiêu chuẩn… mà giá sản phẩm vẫn rẻ.

“Tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm đảm bảo vệ sinh, chất lượng, giá cả phải chăng. Thịt, sữa châu Âu đáp ứng đủ yêu cầu này nên sẽ tạo áp lực rất lớn với ngành chăn nuôi” - ông Phạm Đức Bình nhận xét.

Ở lĩnh vực sữa, dù EU sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp sữa của Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì từ việc này, do EU vẫn chưa cấp phép nhập khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam. Trong khi đó, sắp tới, các doanh nghiệp Việt lại chịu sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm sữa nhập khẩu có ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng và độ an toàn mà giá lại rẻ.

“Hiện chỉ tiêu chất lượng sữa tại Việt Nam không thể sánh bằng các nước châu Âu. Ví dụ, chỉ tiêu tế bào soma trong sữa tại Pháp và châu Âu là 200.000 tế bào/1ml sữa, nếu quá thì họ sẽ không mua. Còn ở Việt Nam thì 1 triệu tế bào/1ml sữa vẫn còn thu mua. Tế bào soma là chỉ tiêu đánh giá sức khỏe bò. Nếu tế bào soma tăng trong sữa là điều không bình thường, dẫn đến chất lượng sữa bị giảm” - một chuyên gia trong ngành sữa nói.

Theo chuyên gia Trần Đình Cửu, tâm lý nhiều người Việt thích hàng ngoại, nhất là hàng từ châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam muốn bán hàng ngay trong nước hay xuất đi nước ngoài, sẽ phải nâng cấp hệ thống sản xuất để nâng cao năng suất, lợi nhuận và giảm chi phí; phải học hỏi hệ thống quản lý thế giới để cải tiến thật sự chứ đừng đối phó và “diễn”. Doanh nghiệp muốn nâng cấp thì cần vốn rất nhiều. Trách nhiệm và vai trò của nhà quản lý là tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp; bởi nếu không nâng cấp, cải tiến kịp thời thì hàng châu Âu sẽ đè bẹp hàng Việt. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI