Hàn thử biểu PCI - niềm cảm hứng, trăn trở cho nỗ lực cải cách

26/03/2018 - 13:00

PNO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hoa Kỳ về Phát triển quốc tế (USAID) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017.

Đây là lần thứ 13 liên tiếp, VCCI và USAID công bố bộ chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh cùng những nỗ lực cải cách của chính quyền các địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Trong năm 2017, điều đáng nói là sự tiến bộ vượt bậc đáng ghi nhận ở tư tưởng điều hành và chất lượng đổi mới của các tỉnh.

Han thu bieu PCI - niem cam hung, tran tro cho no luc cai cach
 

Có thể nói, trong suốt hơn một thập niên thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam từ năm 2005, PCI luôn đóng vai trò là chiếc “hàn thử biểu” của năng lực điều hành kinh tế các địa phương, là tiếng nói của những kẻ từng một thời “bị” xem là “thấp cổ bé họng” - khu vực kinh tế tư nhân, đòn bẩy của cả nền kinh tế. 

Trong bảng xếp hạng PCI 2017, có nhiều tỉnh vốn là “tuyến dưới” đang vươn lên hàng đầu. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí quán quân, về nhì là Đà Nẵng (địa phương từng 3 năm liền quán quân PCI 2013 – 2015) lần lượt tiếp theo trong top 5 là Đồng Tháp, Long An và Bến Tre. TP.HCM xếp thứ 8 và Cần Thơ xếp cuối trong top 10. 

Điểm đáng lưu ý ở bảng tổng xếp hạng lần này là, 3 trong 5 địa phương dẫn đầu đến từ đồng bằng sông Cửu Long và 2 trong 3 là hai tỉnh B (Bến Tre) và D (Đồng Tháp) của mạng lưới ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp).

Han thu bieu PCI - niem cam hung, tran tro cho no luc cai cach
Quảng Ninh đạt quán quân bảng xếp hạng PCI 2017.

Đặc biệt, Điều tra PCI 2017 ghi nhận sự cải thiện chất lượng điều hành rất ấn tượng của chính quyền các địa phương trên cả nước.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink khẳng định: “Báo cáo PCI có tác động lớn trong việc thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện chất lượng điều hành kinh tế tại Việt Nam. Điều này góp phần quan trọng vào việc tăng cường các cơ hội đầu tư và thương mại tại Việt Nam”. Hay như một so sánh ví von của Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI Đậu Anh Tuấn, đó là “phía sau khung cửa mùa xuân”.

Điều tra PCI năm 2017 cũng cho thấy các doanh nghiệp (DN) lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. 52% DN dân doanh sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới - mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.

Các DN FDI cũng cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu đã giảm đáng kể so với trước đây. Dù vậy, chi phí này vẫn cao. Các DN thường phải “bôi trơn” thêm chi phí “hoa hồng” để được bảo đảm trúng các gói thầu. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận vẫn phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức này.

Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, đó là người lao động càng được quan tâm hơn. Quan hệ lao động được cải thiện rõ rệt.

Thí dụ, tỷ lệ DN xảy ra đình công/ngừng làm việc tập thể, năm 2014 chiếm 9% trong khi năm 2017 là 4,9%; yêu cầu của người lao động được giải quyết qua các cuộc đình công này, năm 2014 là 0% trong khi năm 2017 là 92%.

Điều này cho thấy, những đòi hỏi của người lao động là chính đáng, có cơ sở và DN cũng đã nhận thức được trách nhiệm đáp ứng những yêu cầu thiết yếu của người lao động khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng hoặc xâm hại.

Qua đó chúng ta có thể thấy rằng,  đội ngũ DN Việt Nam (và nhiều DN FDI) từng bước trưởng thành không chỉ trong hoạt động sản xuất kinh doanh tạo lợi nhuận cho DN, cho xã hội mà còn thăng tiến những giá trị nhân văn, văn hóa ứng xử đối với người lao động, lực lượng chủ yếu tạo ra giá trị và tài sản cho DN. 

Xuân Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI