Giò, chả bẩn hăm he vào mâm cơm ngày tết

05/02/2018 - 06:33

PNO - Cận tết, các cơ quan chức năng dồn dập phát hiện, xử lý nhiều lô thịt không rõ nguồn gốc, kém chất lượng mà theo khai nhận của chủ hàng, nhiều lô thịt này được dùng để chế biến giò, chả.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM - cho biết, dịp cận tết, số vụ vi phạm về ATTP cao hơn hẳn những tháng bình thường trong năm, đặc biệt là các mặt hàng được chế biến từ nguyên liệu tươi sống như chả, giò, lạp xưởng.

“Lực lượng cán bộ của ban đang dốc sức rà soát các kho lạnh tại TP.HCM. Đây được xem là nguồn chứa những lô thịt hết hạn sử dụng, thịt kém chất lượng có thể bị làm thành giò, chả cung ứng ra thị trường trong dịp tết Nguyên đán” - bà Lan nói.

Anh Ng.Đ.C. - một chủ cơ sở sản xuất giò, chả tại Q. Thủ Đức, TP.HCM - cho biết, trước tết một tháng là khoảng thời gian mà các cơ sở sản xuất giò, chả, lạp xưởng đua nhau tung hàng ra thị trường.

Do nhu cầu thị trường tăng cao nên đây cũng là thời điểm xuất hiện những sản phẩm nhập nhèm nhất. Có những chủ cơ sở làm theo thời vụ, thường thuê nhà xưởng ở các quận, huyện ngoại thành làm nơi sản xuất.

Thậm chí, có cơ sở  đặt cả container lạnh để tập kết, thu gom thịt kém chất lượng từ các các chợ về để chế biến. Đầu ra của những cơ sở này thường là các sạp ngoài chợ, điểm bán không thường xuyên.

“Một ký thịt nạc mông hiện nay đã có giá 90.000 đồng, vậy mà có những cơ sở bán chả lụa với giá chỉ có 95.000 đồng/kg… Với giá đó, họ phải dùng thịt chất lượng rất tệ thì mới có lời” - anh C. cho hay.

Gio, cha ban ham he vao mam com ngay tet
Nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm thường phải kèm theo các loại phụ gia, hóa chất độc hại. Ảnh chụp tại một cơ sở sản xuất giò, chả từ thịt gà cận hạn sử dụng tại Q. Thủ Đức.

Theo một số chủ cơ sở chế biến chả, giò, đây là những sản phẩm chế biến theo phương pháp thủ công, đòi hỏi phải sử dụng thịt nóng (thịt lấy ngay sau khi mổ heo) đưa đi giã hoặc xay để tận dụng chất nhựa kết dính tự nhiên trong thịt lúc mới mổ. Nhờ vậy, giò, chả có độ nhuyễn, giòn và dai tự nhiên.

Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả những loại thịt tạp, thịt vụn thu gom từ sạp thịt các chợ vào cuối ngày vẫn bị dùng sản xuất giò, chả. Lý do là nhiều cơ sở mua hóa chất làm kết dính và tạo độ giòn, dai cho sản phẩm về làm phụ gia sản xuất giò, chả để kiếm lời nhiều.

Việc dùng nguyên liệu đã biến chất để sản xuất và bán sản phẩm ra thị trường với giá rẻ đã và đang khiến không ít cơ sở làm ăn đàng hoàng không thể cạnh tranh nổi.

Đáng ngại hơn, nhiều nơi sử dụng thịt gà đông lạnh nhập khẩu kém chất lượng thay thế thịt heo để làm giò, chả khiến giá bán rẻ hơn rất nhiều. Anh C. cho biết, nhiều lô thịt cận hạn sử dụng được các đầu mối thanh lý giá rẻ, khoảng 30.000 đồng/kg.

Thông thường, thịt gà công nghiệp khi xay nhuyễn sẽ có màu trắng hơn so với thịt heo, nhưng nếu sử dụng phụ gia như chất tạo màu, hương liệu vị gà, bò, lá chuối… thì không khó để có thể biến thịt gà thành chả lụa heo. 

Mới đây, Đội Quản lý ATTP liên quận huyện số 8, thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã phát hiện gần bốn tấn thịt heo được bảo quản trong điều kiện mất vệ sinh, thịt được bày trực tiếp trên sàn kho chỉ có lớp bạt mỏng. Chủ hàng sau đó đã nhanh chóng xin tự nguyện tiêu hủy toàn bộ số thịt này.

Trước đó, vào đúng thời điểm tết Dương lịch, một đơn vị thuộc ban trên cũng phát hiện 20 tấn thịt, phụ phẩm (da, lỗ tai, thịt thủ…) heo không rõ nguồn gốc được lưu trữ trong container tại ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, H. Hóc Môn, TP.HCM.

Số hàng vi phạm đựng trong những bịch ni-lông, nhiều bịch thịt bên trong đã biến chất, đổi màu, rỉ dịch. Chủ hàng là ông Lê Đình Sơn khai nhận, số phụ phẩm mà ông thu mua và bảo quản ở đây là để chế biến thành giò lụa, giò thủ… Nếu không bị phát hiện, rất có thể hơn 20 tấn thịt “bẩn” này đã thành giò, chả lụa bán ra thị trường.

Từ cách đây hai tháng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra đột xuất về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp tết (thịt, giò, chả, thủy sản, rau, quả…) để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP để người dân biết, tránh sử dụng. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI