Giải cứu thịt heo: Vissan ngụy biện tiếp tục ăn dày?

21/06/2017 - 14:00

PNO - Khi người nông dân quẫn bách vì lượng heo thừa, rớt giá, đại diện Vissan khẳng định rằng công ty hỗ trợ người chăn nuôi theo kiểu tăng lượng heo thu mua để giết mổ, cấp đông

Khi người nông dân quẫn bách vì lượng heo thừa, rớt giá, đại diện Vissan khẳng định rằng công ty hỗ trợ người chăn nuôi theo kiểu tăng lượng heo thu mua để giết mổ, cấp đông.

Ngày 9/6, báo Phụ Nữ TP.HCM đã có bài viết đặt vấn đề nghi ngờ Vissan ăn dày trong công cuộc giải cứu thịt heo. Không dừng lại ở đó, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đã đi tìm sự thật công cuộc “giải cứu thịt heo” theo kiểu Vissan đã công bố. 

Giai cuu thit heo: Vissan nguy bien tiep tuc an day?
Vissan không thu mua, giết mổ lượng heo nhiều như công bố (?).

Vissan nói tăng lượng heo giết mổ 

Để khắc phục hậu quả khi thị trường xảy ra khủng hoảng thừa, sự năng động của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đầu ra có vai trò cực lớn. Vissan, một doanh nghiệp có tên trong danh sách bình ổn thị trường và dẫn đầu ngành thực phẩm, chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt ở Việt Nam lại chỉ tham gia theo kiểu “làm màu” song lại rất ngoa ngôn, khiến nhiều người nghĩ rằng họ đang đi đầu.

Phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đặt vấn đề với ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Vissan - về việc vì sao công ty chậm tham gia bình ổn thị trường và khi tham gia thì mức giảm không sâu.

Ông đã trả lời rằng thay vì ưu tiên cách đó, Vissan đánh giá việc tăng lượng giết mổ để cấp đông sẽ có tác động hữu hiệu hơn. Theo ông An, hơn một tháng nay, công ty đã đẩy mạnh việc giết mổ, cấp đông đạt khoảng 16.000 con để giảm bớt lượng heo tồn đọng. Tính ra, trung bình mỗi ngày Vissan giết mổ tăng thêm 300-500 con heo và đem cấp đông, dự trữ.

“Nếu cộng với số lượng giết mổ mỗi ngày trung bình 1.000 con để bán tươi thì hơn một tháng qua, Vissan đã giết mổ liên tục có thể 1.800 con/ngày, chưa có doanh nghiệp nào làm được như vậy”, ông An khẳng định. 

Trước đó, vào ngày 28/4, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ người chăn nuôi, đại diện Vissan cho biết công ty sẽ ngừng hoặc dãn thời gian nhập thịt heo ngoại, đồng thời sẽ tăng lượng cấp đông thịt heo trong nước. Đến khoảng tháng 5/2017, sau khi tăng được năng lực cấp đông, Vissan dự kiến có thể cấp đông tăng lên 300 con/ngày. 

Lãnh đạo Vissan cũng cho báo Phụ Nữ biết thêm, sau lần giảm giá 32-42% của đợt 1 (6-10/6), công ty còn tăng thêm số lượng heo giết mổ lên 500-600 con/ngày để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chi cục Thú y nói không tăng

Đại diện Vissan đã viện nhiều con số cho thấy công ty tăng một lượng lớn heo giết mổ, cấp đông nhằm hỗ trợ người chăn nuôi. Song, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết kể từ khi có chương trình giải cứu thịt heo, lượng heo giết mổ tại TP.HCM có tăng nhưng không đáng kể.

Trong khi vài công ty khác trên thị trường đã dấn thân đi trước trong việc giải cứu thịt heo, vài ngày sau, Vissan mới tham gia nhưng công ty này vẫn niêm yết giá cao hơn các thương hiệu khác. Ông Nguyễn Ngọc An giải thích giá thịt Vissan cao do công ty chỉ đưa ra thị trường bán lẻ mặt hàng thịt heo VietGAP loại 1; còn heo loại 2-3 chỉ được Vissan đưa vào làm nguyên liệu chế biến. 

Trung bình mỗi đêm, TP.HCM giết mổ khoảng 5.500-5.600 con, tăng 300-400 con. Vissan cũng tăng lượng heo giết mổ 300-400 con/đêm, có đêm đạt 1.800 con nhưng chỉ trong vòng có mấy ngày doanh nghiệp này “chạy” chương trình giảm giá, sau đó đã trở lại bình thường.  

Những ngày thường, lượng heo giết mổ tại Vissan cũng có tăng nhưng thực chất là do lượng heo giết mổ gia công (các đơn vị khác thuê giết mổ) tăng. Ông Thảo cho biết thêm, số lượng heo tại TP.HCM tăng trong thời gian qua tập trung nhiều tại lò mổ Xuyên Á của công ty An Hạ.

Trong khi vài công ty khác trên thị trường đã dấn thân đi trước trong việc giải cứu thịt heo, vài ngày sau, Vissan mới tham gia nhưng công ty này vẫn niêm yết giá cao hơn các thương hiệu khác. Ông Nguyễn Ngọc An giải thích giá thịt Vissan cao do công ty chỉ đưa ra thị trường bán lẻ mặt hàng thịt heo VietGAP loại 1; còn heo loại 2-3 chỉ được Vissan đưa vào làm nguyên liệu chế biến.

Tuy nhiên, nói về phân tích trên, ông Phan Xuân Thảo cho rằng heo VietGap chỉ nuôi theo một tiêu chuẩn, không phân thành loại 1, 2, 3, 4… Cách phân loại từ 1-4 là do doanh nghiệp dựa theo trọng lượng, tỷ lệ nạc-mỡ sau khi giết mổ để định giá bán cho người tiêu dùng. Việc chia heo VietGap ra từng loại chỉ là do tính chất quản lý nội bộ của từng doanh nghiệp. 

So sánh từ lý lẽ về định giá sản phẩm cho đến số liệu giết mổ thực tế đều cho thấy Vissan đã lập lờ mức giá thật và không tiếp tục giết mổ, cấp đông nhiều như doanh nghiệp này thông tin. 

Vissan đã khẳng định trên website của mình rằng công ty đã gắn liền với ba hoa mai vàng… hình ảnh đồng hành cùng công ty qua bao thăng trầm và đã trở thành thương hiệu tin cậy ăn sâu trong tâm trí người Việt Nam. Vậy trong công cuộc giải cứu này, Vissan có xứng tầm với đại diện “ba hoa”? 

Đăng Thư - Việt Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI