Đừng để thuế tài sản ‘giết chết’ thị trường

18/04/2018 - 11:00

PNO - Các góc nhìn về dự án Luật Thuế tài sản chỉ mới chủ yếu xoáy vào góc độ vì sao lại đánh thuế với căn nhà duy nhất, nguy cơ thuế chồng thuế, giá trị nhà 700 triệu đồng mà bị đánh thuế là người nghèo lãnh đủ…

Các góc nhìn về dự án Luật Thuế tài sản chỉ mới chủ yếu xoáy vào góc độ vì sao lại đánh thuế với căn nhà duy nhất, nguy cơ thuế chồng thuế, giá trị nhà 700 triệu đồng mà bị đánh thuế là người nghèo lãnh đủ…

Đâu chỉ là gánh nặng đối với căn nhà, cái xe…

Nhà ở, ôtô, máy bay, du thuyền là những loại hàng hóa/tài sản đang bị đưa vào tầm ngắm của dự án Luật Thuế tài sản, và các ý kiến bức xúc đa phần vì bị chạm vào căn nhà duy nhất, cũng phải chịu thuế.

Song cần hiểu rằng, căn nhà, ôtô, máy bay, du thuyền trước khi trở thành tài sản thì nó phải là hàng hóa, được lưu thông trên thị trường và khi khâu đầu cuối bị đánh thuế, thì cũng có nghĩa thuế đó tạo gánh nặng cho tiêu dùng, theo logic đương nhiên tác động đến thị trường.

Dung de thue tai san ‘giet chet’ thi truong
Hệ lụy của thuế tài sản chính là nỗi e ngại tác động tiêu cực lên thị trường. 

Tạm thời loại trừ hai loại hàng hóa là máy bay và du thuyền, hai thứ còn lại là nhà ở và ôtô ngày nay đã quá phổ biến và trở thành loại hàng hóa thông thường. Tổng giá trị thị trường của hai loại hàng hóa này mỗi năm lên đến hàng chục tỉ USD. Như vậy, khi triển khai thuế tài sản, đồng nghĩa gánh nặng thuế sẽ đánh lên thị trường hàng hóa hàng chục tỉ USD đó, chắc chắn không nhiều thì ít cũng gây ảnh hưởng bất lợi tới sức tiêu thụ.

Như vậy, hệ lụy của thuế tài sản chính là nỗi e ngại tác động tiêu cực lên thị trường. Thị trường của hai ngành hàng này nếu giảm phát hoặc đóng băng thì cũng sẽ kéo theo nguồn thu thuế sụt giảm. Vậy thì cần thiết phải tính toán đo lường sự tác động của thuế tài sản đối với những loại thuế khác trên hàng hóa nhà ở và ôtô.

… mà còn tác động tiêu cực đến các loại thuế khác

Thoạt nghe cứ tưởng là phi logic nhưng trên thực tế thì lại rất logic.

Với phương án thu thuế tài sản nhà ở trị giá từ 700 triệu đồng hay 1 tỉ đồng trở lên, nguồn thu mang về có thể khoảng từ 1-1,3 tỉ USD mỗi năm. Nhưng nếu thuế tài sản để cho thị trường địa ốc bị ảnh hưởng tiêu cực, người dân giảm hoặc dừng mua nhà ở hoặc giới đầu tư chuyển hướng sang hàng hóa, thị trường khác, thị trường đóng băng, thì câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Dung de thue tai san ‘giet chet’ thi truong
Đừng để thuế tài sản “giết chết” thị trường và những nguồn thu thuế khác.

Khi đó, thị trường sụt giảm sẽ kéo theo sụt giảm nguồn thu thuế từ địa ốc, như các loại thuế: Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ sang tên nhà/đất.

Tương tự, đối với thị trường ôtô, nếu thị trường sụt giảm, thì cũng sẽ kéo theo thất thu các loại thuế: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ/biển số, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường…

Tổng của những loại thuế trên của thị trường nhà đất và ôtô cộng lại hàng năm phải lên đến hàng tỉ USD. Nhưng chưa hết, đằng sau thất thu thuế thì doanh nghiệp làm ăn thất bát cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống phúc lợi của người lao động, thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết, sự hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Bài toán ở đây cần phải giải quyết, không phải chỉ là thuế mà còn là thị trường, không phải là nguồn thu được bao nhiêu mà là sẽ bị thất thu như thế nào, không phải là giá trị tài sản chịu thuế mà là giá trị và sự phát triển của ngành công nghiệp, môi trường đầu tư. Còn thị trường, để hồi phục cần mất nhiều thời gian sau khi đã để tổn thất nhiều giá trị.

Đừng để thuế tài sản “giết chết” thị trường và những nguồn thu thuế khác.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI