Du lịch trực tuyến lên ngôi: Cơ hội cho các OTA Việt giành lại thị trường

18/05/2017 - 07:39

PNO - Tại thị trường Việt Nam, dưới ảnh hưởng của sự bùng nổ công nghệ số, nhiều doanh nghiệp lữ hành chuyển sang làm du lịch trực tuyến (DLTT).

Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 77 triệu khách nội địa và quốc tế năm 2017. Nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước đã nhanh chóng liên kết chuyển thành các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nhằm gia tăng cạnh tranh với các tên tuổi trong mảng OTA nước ngoài như Agoda, Booking.com, Expedia…

Du lich truc tuyen len ngoi: Co hoi cho cac OTA Viet gianh lai thi truong
Du lịch trực tuyến là thị trường đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp lữ lành nội địa. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nền kinh tế phát triển kéo theo tầng lớp trung lưu phát triển. Lượng người đi du lịch ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là những người trẻ với xu hướng du lịch bụi: không tourgide, không xe đưa đón, chỉ cần điện thoại thông minh kết nối 24/24, thẻ ATM có tiền, điểm đến và vé máy bay.

Đồng thời, sự ra đời của Vietjet Air đã cung cấp cho hành khách những chuyến bay với giá rẻ nhất Việt Nam. Khách hàng của Vietjet Air không còn xa lạ với những chương trình khuyến mãi ưu đãi giá vé cực khủng 0 đồng, 9 đô, hay 19,000 đồng được tung ra thường xuyên và đều đặn.

Tất cả những điều này hứa hẹn một năm DLTT bùng nổ.

Khai súng đầu tiên là Thiên Minh Group với thương hiệu lữ hành Buffalo hiện dẫn đầu tại thị trường Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ lữ hành với ba mảng chính là: dịch vụ du lịch, lữ hành và đặt phòng trực tuyến qua mạng trực tuyến ivivu.com với mức tăng trưởng hằng năm từ 25% - 30%.

Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 11 khách sạn với gần 800 phòng tại ba nước Đông dương, 12 Văn phòng đại diện (VPĐD) ở Đông Nam Á, Anh, Úc, Mỹ và Nhật Bản phục vụ hàng năm khoảng 90.000 khách du lịch đến ba nước Đông Dương và Thái Lan, 140.000 khách sử dụng dịch vụ lưu trú tại khách sạn của Tập đoàn.

Trang web gotadi ra mắt hơn một năm nay, hiện là trang web DLTT đầu tiên tại Việt Nam có  kết nối API trực tiếp với cả 3 hãng hàng không nội địa lớn nhất Việt Nam. Khách hàng thay vì vào trang web của các hãng hàng không có thể vào gotadi và đặt vé trực tiếp.

Người điều hành trang web cam kết, giá vé khách trả trên gotadi sẽ là giá vé đúng của hãng máy bay mà khách hàng đã chọn. Ngoài ra, Gotadi còn sở hữu Đội tàu Hạ Long lớn nhất, có liên kết với 3 hãng hàng không nội địa, hàng không quốc tế, với gần 1000 đường bay trên thế giới, đảm bảo du khách có thể đặt mua vé cho bất cứ một hành trình nào.

Du lich truc tuyen len ngoi: Co hoi cho cac OTA Viet gianh lai thi truong
Thị trường du lịch trực tuyến là một miếng bánh ngon nhưng Việt Nam đang để cho các hãng nước ngoài “nuốt” gần hết.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 1.199.421 lượt, tăng 19,1% so với tháng 01/2017 và tăng 42,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, theo điều tra nhanh của một trang web du lịch, trong 5 trang OTA có lượng khách hàng cao nhất thì không có trang OTA nội địa nào. Ngoài các lí do như chưa được biết đến nhiều, giao diện không bắt mắt… còn có yếu tố kỹ thuật. Hiện tốc độ trung bình để tải các website ở VN vẫn lên đến 10 giây.

Đây là con số thách thức vì theo một nghiên cứu cho thấy, hơn 50% khách hàng sẽ rời bỏ một website nếu phải chờ tải hơn 3 giây.

Về mặt nhận diện thương hiệu, trong khi các OTA nước ngoài có khả năng chi trả hàng triệu USD cho chiến lược xây dựng hình ảnh, các phương thức tác động đến khách hàng tiềm năng, marketing để được nhận biết, tiếp cận đến du khách và xây dựng lượng khách hàng trung thành ngày càng lớn mạnh thì OTA Việt không có vốn.

Lợi thế về giá chiết khấu là một điểm mạnh khi OTA nước ngoài đàm phán với nhà cung cấp địa phương.

Danh sách các nhà cung cấp toàn cầu của các OTA nước ngoài cũng gây ra những thách thức không nhỏ đối với các OTA nội địa trong cuộc chiến giành giật thị phần này. 

Tuy nhiên, khá lạc quan, ông Lương Hoài Nam - Giám đốc điều hành Hàng không Hải Âu, cho biết: “Việt Nam là một thị trường tiềm năng lớn với trên 90 triệu dân, và không có lí do gì để doanh nghiệp nội không bước vào. Chúng tôi tin mình sẽ thành công trên chính đất nước mình”.

Theo ông Nam, mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng các OTA có nhiều lí do để thành công trước đối thủ mạnh cả về vốn lẫn năng lực, con người và công nghệ.

Thứ nhất, người Việt hiểu người Việt: các OTA nội địa hiểu rõ khách hàng từ đó sẽ cung cấp giải pháp phù hợp. Dựa vào thói quen du lịch của người Việt, OTA nội địa tập trung phát triển sản phẩm vé máy bay, khách sạn và sản phẩm vé máy bay + khách sạn, giảm giá cho khách hàng mua chung vé máy bay + khách sạn. Thứ hai, OTA Việt có lợi thế hơn trong công tác xây dựng quan hệ với nhà cung cấp địa phương thông qua các hoạt động thương thảo và đưa ra các gói khuyến mại (promotion).

Thứ ba, OTA Việt có thể xuất hoá đơn thuế trong khi OTA toàn cầu thì không. Cuối cùng, các OTA địa phương hợp tác với các ngân hàng để triển khai nhiều hình thức thanh toán, giúp người sử dụng có thêm các lựa chọn thanh toán phù hợp với thói quen của người Việt.

Tiềm năng thị trường du lịch trực tuyến còn rất lớn, cơ hội nhiều nhưng cũng lắm thách thức đối với các OTA nội địa. Tuy nhiên, để cạnh tranh trong môi trường khốc liệt quy mô toàn cầu, các OTA Việt cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng và đa dạng các loại hình  dịch vụ; đồng thời tương tác với khách hàng tốt hơn thông qua nhiều hình thức. 

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trên 70 % dân số Việt Nam có sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Trung bình mỗi ngày một người dành 2 giờ để kết nối internet qua điện thoại di động.

Về thói quen sử dụng internet như là công cụ tra cứu trước khi đi du lịch, theo báo cáo của Google năm 2016, 70% người từng đi du lịch cho biết họ tìm kiếm thông tin du lịch qua thiết bị di động. Với du khách hiện đại, di động là thiết bị trung tâm trong mọi kết nối của họ với thế giới số.

Hà My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI