Đối phó thế nào với sự 'ghen ăn tức ở' nơi công sở?

03/11/2017 - 08:30

PNO - Một môi trường làm việc hòa đồng, thoải mái với những người đồng nghiệp tốt, thân thiện chắc hẳn là điều mà ai trong chúng ta đều mơ ước.

Thế nhưng “đời không như là mơ”, bạn có thể bị soi mói thậm chí tìm cách “dìm” xuống nếu như bạn xuất sắc hơn, được sếp ưu ái hơn, hay bạn đẹp hơn, giàu hơn...

Trao đổi về vấn đề này, nhân viên Công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm hàng đầu Việt Nam CareerLink.vn chia sẻ rằng đây là tình huống khá khó xử, cần sự linh hoạt và khéo léo của mỗi người. Nếu bạn đang đau đầu vì bị ghen ăn tức ở thì đây là những gợi ý cho bạn.

Cập nhật thông tin việc làm mới nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh

Bình tĩnh nhìn nhận vấn đề

Có câu “tiên trách kỉ hậu trách nhân”. Trước tiên, bạn cần xem lại bản thân mình rằng đôi khi đã có những hành động chưa khéo léo, khơi gợi lòng ghen tị bộc phát ở đồng nghiệp hoặc nếu bạn là người có thói quen khoe khoang quá đà, hãy nghiêm túc chấn chỉnh.

Nếu vấn đề chưa quá nghiêm trọng hay người ghen tị với bạn không trực tiếp làm việc chung, mọi thứ chỉ dừng lại ở vài câu nói ám chỉ bóng gió hoặc tỏ vẻ không thân thiện thì hãy tỏ ra bình thường nhất có thể. Tuyệt đối không nên thù địch hoặc hành động tương tự. Điều đó chỉ khiến bạn thêm mất điểm mà thôi.

Tuy nhiên, nếu sự ghen tị cố tình khiến bạn bị đồng nghiệp hiểu lầm mà ghen ghét, xa lánh hay làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, thì cần phải dùng tới những biện pháp “mạnh” hơn rồi.

Chứng tỏ năng lực bản thân

Trong bất kì tình huống nào, hãy cố gắng làm việc chăm chỉ và phát huy hết năng lực của mình. Khi bạn thực sự có khả năng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chắc hẳn sẽ có những người “nể phục” bạn và sếp cũng coi trọng bạn hơn. Thể hiện tinh thần cầu tiến, có trách nhiệm, không ngừng học hỏi, sẵn sàng nhận lỗi và biết sửa chữa khi mắc sai lầm cũng là cách để bạn nhận được sự yêu mến từ mọi người.

 Dù bản thân bạn thực sự có năng lực nhưng không nên vì vậy mà tỏ ra kiêu ngạo, “coi trời bằng vung”. Thay vào đó, hãy luôn khiêm tốn, cho rằng mình còn nhiều thiếu sót cần được học hỏi từ đồng nghiệp xung quanh.

Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp

Trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, hãy thể hiện sự tôn trọng và chân thành. Tức là thành tâm chúc mừng khi có ai đó đạt được thành tích tốt trong công việc, lấy điều đó làm động lực cho bản thân, trên tinh thần cùng nhau hướng tới vì mục tiêu chung. Không nên ganh đua, đố kị hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng”.

Bên cạnh đó, hãy tạo dựng lòng tin với đồng nghiệp bằng cách luôn vui vẻ, thân thiện, hòa nhã, cư xử đúng mực, tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh với mọi người xung quanh.

Thẳng thắn trong giải quyết vấn đề

Trong trường hợp sự ghen ăn tức ở đã ở mức độ bị “chơi xấu” khiến hình ảnh và công việc của bạn bị ảnh hưởng lớn, hãy thể hiện bản lĩnh của bản thân. Đôi khi, không phải lúc nào nhún nhường cũng là cách hay.

Bạn có thể gặp người đó, trực tiếp đối thoại và thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân hoặc trình bày với người quản lí để giải quyết vấn đề, không làm ảnh hưởng đến công việc. Không nên “ghim” trong lòng rồi lặng lẽ tìm cách “trả thù”. Hành động đó chỉ càng đẩy sự ghen ăn tức ở đi xa hơn, kéo dài dai dẳng, gây mệt mỏi cho đôi bên. Việc này đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận vấn đề để đưa ra quyết định.

Ghen ăn tức ở nơi công sở là vấn đề mà ai cũng có thể gặp phải, vậy nên để mỗi ngày đến công sở thật sự là niềm vui cần đòi hỏi ở mỗi người sự chân thành, sự linh hoạt và khéo léo của bản thân.

Doi pho the nao voi su 'ghen an tuc o' noi cong so?
 

  Phượng Kiều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI