Doanh nghiệp sẽ không còn thoải mái vay ngoại tệ

08/12/2018 - 06:00

PNO - Có những doanh nghiệp không có nhu cầu vay ngoại tệ, họ vay USD rồi chuyển sang VNĐ gửi lại ngân hàng với lãi suất cao hơn để kiếm lời, ăn chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN về cho vay ngoại tệ, theo hướng tiếp tục “siết” đối với doanh nghiệp, từng bước chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang mua - bán. 

Tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc cho vay bằng đô la Mỹ (USD) ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019. Việc cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ sẽ được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.

Doanh nghiep se khong con thoai mai vay ngoai te
Ngân hàng Nhà nước đang siết cho vay ngoại tệ để chống đô la hóa

Theo giải thích của NHNN, những thay đổi này nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp (DN) đổ xô vay ngoại tệ, dẫn đến tình trạng nguồn USD cho vay vượt nhiều so với nguồn USD huy động được.

Theo NHNN, trong năm 2018, số hồ sơ và số tiền vay ngắn hạn bằng USD liên tục tăng qua các tháng, do tỷ giá USD/VNĐ ổn định, lãi suất vay USD ở mức thấp hơn so với VNĐ khiến DN thích vay ngoại tệ hơn. Hiện lãi suất vay USD ngắn hạn từ 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 4,5-6%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay VNĐ và USD hiện vào khoảng 3-5%/năm.

Doanh nghiệp nên đi tìm những nguồn tài trợ giá rẻ để giảm áp lực về chi phí hoạt động. Chẳng hạn, có thể tận dụng những công cụ tài chính như phát hành trái phiếu, hay tìm cách sử dụng vốn của các đối tác thương mại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Đại diện một số DN cho rằng, hạn chế cho DN vay ngoại tệ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị. Bà Võ Ngọc Minh - Giám đốc Công ty May mặc Minh Hạnh - cho biết, bà đã ký hợp đồng nhập máy từ nước ngoài về trong năm 2019 để nâng cao năng suất.

“Việc vay USD giúp DN vừa đỡ lo rủi ro về biến động tỷ giá, giảm được chi phí vốn vay nhờ mức lãi suất vay USD thấp hơn rất nhiều so với vay bằng VNĐ. Nay NHNN đưa ra thời gian kết thúc quá gấp khiến chúng tôi bị động” - bà Minh nói.

Ông Đỗ Thành Nam - Giám đốc công ty Thép Vĩnh Thành - cho biết, nguyên liệu sản xuất thép đều phải nhập từ nước ngoài. Thời gian qua, tỷ giá USD/VNĐ tăng làm giá nguyên liệu nhập khẩu tăng theo, dẫn đến giá thành sản xuất tăng. Trong khi đó, việc tiêu thụ lại chậm, xuất khẩu thép khó khăn, hàng tồn kho nhiều dẫn đến việc không có nguồn thu bằng USD để trả nợ cho ngân hàng. Sắp tới, DN phải tốn thêm một khoản chi phí nữa cho việc vay bằng VNĐ với lãi suất cao, sau đó đổi sang USD để thanh toán cho đối tác. 

“Đây là chính sách đúng”

Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) thông tin: NHNN từng hai lần ngừng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó tiếp tục cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, nhất là các công ty xuất nhập khẩu. Việc hạn chế cho vay ngoại tệ là một chính sách đúng, cần được ủng hộ, bởi việc “thả cửa” cho vay bằng tiền USD sẽ ảnh hưởng đến giá trị của tiền Việt.

Doanh nghiệp phải chủ động theo dõi dự báo về biến động tỷ giá để tính toán thời điểm mua ngoại tệ, chủ động mua những hợp đồng phái sinh của ngân hàng để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. 

Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín

Nếu DN vay 1 triệu USD để nhập nguyên vật liệu, sau đó xuất khẩu và có 1 triệu USD để trả về cho ngân hàng thì không ảnh hưởng đến tỷ giá, nhưng nếu dùng 1 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu về để sản xuất và bán trong nước thì sẽ gây ra nhiều biến động tỷ giá vì DN không có nguồn thu USD nên phải mua USD để trả lại ngân hàng. Việc mua USD gây biến động tỷ giá là vì không phải một DN mua mà trong quý IV hằng năm, các DN thường đổ xô mua USD cùng lúc.

Ngoài ra, có những DN không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm cần được ưu tiên nhưng vẫn đủ điều kiện vay, họ vay USD rồi chuyển sang VNĐ gửi lại ngân hàng với lãi suất cao hơn để kiếm lời, ăn chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường ngoại hối cũng như việc quản lý, điều hành của NHNN.

“Mặc dù “siết” cho vay ngoại tệ nhưng khi DN cần, vẫn được NHNN đáp ứng thông qua việc DN mua - bán ngoại tệ với hệ thống ngân hàng” - tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín nói.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - cũng ủng hộ quy định “siết” cho vay ngoại tệ của NHNN. Theo ông Viên, lẽ ra NHNN cần áp dụng việc này từ sớm bởi quốc gia nào thì nên sử dụng tiền tệ của quốc gia đó để giao dịch, không nên lấy ngoại tệ để giao dịch. Việc chấn chỉnh này không gây ảnh hưởng nhiều đến DN so với việc vay ngoại tệ, sau đó phải mua ngoại tệ ngoài chợ đen để trả lại cho ngân hàng.

Với dự thảo quy định mới của NHNN, DN thay vì giao dịch bằng một tài khoản, một ngân hàng thì nay có thể giao dịch bằng hai tài khoản, hai ngân hàng. Trước đây, ngân hàng hạn chế cho mua ngoại tệ do họ thiếu ngoại tệ, còn hiện nay ngân hàng dư ngoại tệ và họ cho mua - bán (thay vì vay) là hợp lý. 

Cũng cho rằng việc hạn chế cho vay ngoại tệ, chuyển dần sang quan hệ mua - bán là chính sách đúng đắn, phù hợp, nhưng tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính - ngân hàng) đề xuất: “Nên tiếp tục cho các DN xuất nhập khẩu vay trong năm 2019, cho họ một năm để chuẩn bị kế hoạch. Hơn nữa, các mốc thời gian trên cũng chưa rõ ràng về nội dung. Cần làm rõ, thời điểm trên là để chấm dứt ký hợp đồng cho vay ngoại tệ mới với các DN hay là thời điểm để các đơn vị kinh doanh phải tất toán khoản vay cũ”. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI