Doanh nghiệp phản ứng, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09

25/06/2018 - 20:45

PNO - Nhiều ý kiến phản biện gay gắt, yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng sửa đổi NĐ 09 đã làm "nóng” Hội thảo "Đánh giá tác động việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm” vừa diễn ra chiều nay (25/6) tại TP.HCM.

Thế giới không buộc, Việt Nam lại buộc?

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn khoa học thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong công nghiệp chế biến thực phẩm, mặc dù các nước đều có chương trình tuyên truyền cần bổ sung i-ốt để phòng ngừa các bệnh thiếu i-ốt; trừ Úc bắt buộc bổ sung i-ốt trong bánh mì (trừ bánh mì hữu cơ). Muối i-ốt bị oxid hóa bởi thực phẩm và làm biến màu thực phẩm. Thực phẩm công nghiệp dùng muối i ốt phải kê khai trên nhãn.

Nghị định 09/2016/NĐ-CP (NĐ 09) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm đã bị phản bác “sai khoa học”, “gây khó khăn cho doanh nghiệp”, “làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam”,… 

Vì, hầu hết các nước trên thế giới đều không bắt buộc bổ sung i-ốt, sắt, kẽm như nội dung quy định trong NĐ 09.

Một khó khăn trong việc sử dụng muối i-ốt ở Việt Nam là nước mắm truyền thống bị đổi màu nếu dùng muối i-ốt, dẫn tới cạnh tranh thua thiệt với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. 

Bên cạnh đó, các hộ gia đình dùng nước mắm phổ biến hơn dùng muối. Áp lực lên công nghiệp dùng muối i-ốt, trong khi truyền thông về thực phẩm chứa i ốt và muối i-ốt chưa hiệu quả. 

Mức độ thiếu i-ốt chưa được làm rõ bằng con số ở từng vùng khác nhau một cách cụ thể, trong khi không thể dựa vào khảo sát một khu vực thiếu i-ốt rồi bắt buộc bổ sung i-ốt, trong khi thiếu hay thừa i-ốt đều nguy hiểm.

“Bổ sung i-ốt là cần thiết nhất trong các nguyên tố vi lượng, bên cạnh sắt, kẽm. Tuy nhiên, nên tập trung vận động người dân dùng muối i-ốt hoặc thực phẩm tự nhiên có chứa i-ốt thay vì bắt buộc doanh nghiệp (DN) sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm.

Cần kiểm soát chất lượng muối i-ốt trên thị trường vì như thực tế hiện nay bao gói trong đựng muối, ánh sáng chiếu vào sẽ làm giảm độ i-ốt trong muối.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất bánh các loại, nước mắm, mì gói,... bổ sung sắt, kẽm, i-ốt và ghi nhãn, vì dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, DN Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với DN nước ngoài. Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích của i-ốt, kẽm, sắt,... và tiêu thụ những sản phẩm nêu trên”, chuyên gia Thành kiến nghị.

Doanh nghiep phan ung, yeu cau Bo Y te khan truong sua doi Nghi dinh 09
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho biết bổ sung i-ốt vào nước mắm làm biến màu sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản VN mong muốn Chính phủ sửa một số nội dung trong NĐ 09 gặp nhiều bất cập trong quá trình thực thi. 

Cụ thể, NĐ 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm, điều 6 quy định thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng có muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt, không phù hợp các điều lệ quốc tế và gây rất nhiều khó khăn, bất cập cho các DN ngành chế biến thực phẩm.

Ông Nam dẫn chứng, một số thực phẩm nếu có thêm i-ốt gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống oxy hóa; sản phẩm không đảm bảo chất lượng như công bố hoặc tiêu chuẩn thành phẩm. 

Đáng lưu ý, nhiều sản phẩm có i-ốt do nguyên liệu tự nhiên đã có sẵn (như thủy hải sản) không cần sử dụng muối i-ốt để tránh gia tăng chi phí sản xuất và tạo ra hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm. 

Trong khi hiện nay, Việt Nam có 40% dân số thiếu i-ốt, trong đó chỉ 2,2% dân VN thiếu i-ốt trầm trọng, không thể căn cứ vào đây mà bắt hơn 60% dân số còn lại phải bổ sung i-ốt, dẫn đến nguy cơ thừa i-ốt.

Chưa kể, i-ốt qua quá trình chế biến gia nhiệt hoặc thời gian chế biến lâu (như nước mắm) sẽ bay hơi, thăng hoa, không còn tác dụng.

Một số thị trường nhập khẩu như Nhật Bản, Úc hoặc một số khách hàng không chấp nhận thành phần sản phẩm có i-ốt, nhà máy chế biến phải cam kết sử dụng muối không i-ốt mới xuất khẩu được. 

Đặc biệt, một số thực phẩm trong quá trình chế biến có sử dụng muối nhưng sau đó muối này bị loại bỏ. Ví dụ, trong chế biến một số sản phẩm thủy sản có sử dụng muối để rửa/ngâm bán thành phẩm, sau đó rửa lại.

“Chúng tôi đề xuất khẩn trương sửa đổi NĐ 09, không quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích các DN sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối tăng cường i-ốt. Chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung i-ốt trong các sản phẩm muối, gia vị, hạt nêm (được sử dụng để nêm vào món ăn) bán tại thị trường nội địa", ông Nam nêu ý kiến. 

Chậm trễ sửa đổi NĐ 09 một ngày, DN khổ một ngày

Ông Kajiwara Junichi – Tổng giám đốc công ty Acecook cho biết: "Cảm quan, thực cảm về mì ăn liền sẽ bị giảm, rất khó khăn cho DN, nếu áp dụng quy định bổ sung i-ốt vào mì theo NĐ 09. DN phải ra sức nghiên cứu điều chỉnh quy trình sản xuất để vừa tuân theo quy định, vừa duy trì chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng chấp nhận, điều này rất vất vả".

Hiện, Acecook xuất khẩu ra khoảng 40 nước. Nhiều nước cấm bổ sung cùng lúc i-ốt, sắt, kẽm vào mì hay bổ sung thì phải đăng ký, xin phép và ghi rõ trên nhãn. Nhưng ở nhiều nước, người tiêu dùng lại không chấp nhận bột mì có bổ sung sắt, kẽm. 

DN phải đau đầu nghĩ cách sản xuất riêng hai dòng sản phẩm có và không có bổ sung sắt, kẽm để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Nhưng thực tế là sản xuất theo quy trình công nghiệp, rất khó tách riêng hai dòng sản phẩm. 

Hiện nay, đối với những nước xuất khẩu, Acecook phải cho công nhân sản xuất bằng tay thủ công, chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều.

“Việc bắt buộc áp dụng những quy định như vậy làm giảm khả năng cạnh tranh của VN với các nước khác trong khu vực, làm giảm năng lực cạnh tranh ngành hàng thực phẩm của các DN nói riêng và cho cả VN nói chung. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế xem xét và nhanh chóng thực hiện sửa đổi NĐ 09 theo Nghị quyết 19-2018/CP-NQ, theo hướng khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu có bổ sung vi chất dinh dưỡng mà không bắt buộc phải sử dụng", đại diện Acecook nói thêm.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cũng đồng tình: “Đại diện cả bốn hội gồm: FFA, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội thực phẩm minh bạch đều đại diện cho tất cả các DN thuộc bốn hiệp hội đồng quan điểm bác bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” đúng theo  Nghị quyết 19-2018/CP-NQ. 

Chúng tôi yêu cầu Bộ Y tế cần nhanh chóng sửa đổi NĐ 09 vì chậm trễ một ngày là DN khổ một ngày; bất công cho DN Việt Nam, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam với các nước trên thế giới”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI