Doanh nghiệp mệt mỏi với tem hợp quy

14/05/2018 - 09:00

PNO - Đã không ít lần, cơ quan chức năng đưa ra thời hạn dán tem chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (tem hợp quy CR) lên sản phẩm nhưng sau đó lùi thời hạn thực hiện, khiến doanh nghiệp khốn đốn.

Ngày 26/9/2009, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 18 về thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với đồ chơi trẻ em. Thông tư này phải gia hạn tới lui ba lần vì mọi thứ vẫn còn “ngổn ngang” trước giờ có hiệu lực thi hành.

Trong khoảng thời gian đó, hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa vì chưa dán tem CR, doanh nghiệp thì tốn không ít kinh phí để thu hồi sản phẩm để dán tem CR. 

Doanh nghiep met moi voi tem hop quy
Thông tư số 18 về thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với đồ chơi trẻ em phải gia hạn tới lui ba lần vì mọi thứ vẫn còn “ngổn ngang” trước giờ có hiệu lực thi hành.

Mới đây nhất, các doanh nghiệp dệt may phải nháo nhào thu hồi sản phẩm đang lưu hành để dán tem CR do có quy định, từ ngày 1/5/2018, các sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam phải được công bố phù hợp quy chuẩn và gắn dấu hợp quy CR theo Thông tư số 21 do Bộ Công thương ban hành (quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyde và các amin thơm từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may).

Tuy nhiên, đến cuối tháng 4/2018, đại diện các doanh nghiệp dệt may cho biết, chưa nắm rõ thông tin về thông tư, thời gian để doanh nghiệp thực hiện quá ngắn, hàng tồn kho nhiều. Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, Bộ Công thương đã ban hành thông tư mới cho phép các doanh nghiệp dệt may được dời thời gian thực hiện đến ngày 1/1/2019.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu - Giám đốc điều hành Công ty may Thanh Nghị (Q.2, TP.HCM) - cho biết, sản phẩm của công ty có hạn sử dụng 3 năm, hiện vẫn còn hàng tồn từ năm 2016, 2017.

Khi biết thời điểm dán tem là ngày 1/5/2018, công ty đã tốn chi phí để thu hồi sản phẩm về cho kịp thời gian, trong khi lại đang phải cạnh tranh với sản phẩm các nước ngay trên sân nhà. 

Đại diện Tổng công ty Dệt may Việt Tiến cho biết, công ty hiện có 700 - 800 đại lý và hơn 3 triệu sản phẩm được sản xuất theo quy chuẩn cũ.

Khi nghe thông tin phải dán tem theo quy chuẩn mới với thời gian thực hiện quá ngắn, lãnh đạo tổng công ty như ngồi trên đống lửa vì không biết làm cách nào để gom hết 3 triệu sản phẩm về dán tem CR cho kịp thời hạn áp dụng. 

Ông Lý Thành Sinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng (Q.9, TP.HCM) - bày tỏ: “Chúng tôi không phản đối việc dán tem, nhưng dán tem làm gì khi việc quản lý bị buông lỏng, sản phẩm không đạt chất lượng vẫn có tem?

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc phát hiện hàng kém chất lượng được thực hiện tại cửa khẩu; nếu sản phẩm có vấn đề, họ quy trách nhiệm rất rõ với đơn vị nhập khẩu. Còn tại Việt Nam, có tình trạng phát hiện hàng kém chất lượng nhưng không tìm được đơn vị nhập khẩu. Vậy tem CR có tạo được sự tin tưởng với người tiêu dùng hay không”?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, tem hợp quy rất quan trọng đối với sản phẩm và trong việc bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đã 10 năm kể từ ngày có quy định về tem CR, việc quản lý vẫn còn thả nổi. Hằng năm, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chỉ kiểm tra được 2,5% tổng số cơ sở kinh doanh sản phẩm hàng hóa gây mất an toàn. 

Sở dĩ các doanh nghiệp phớt lờ việc dán tem hợp quy là do không có quy định rõ ràng về việc xử lý hay không nếu sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đã đăng ký.

Có những doanh nghiệp đem sản phẩm kiểm tra không đạt chất lượng, nhưng sau đó vẫn âm thầm đưa sản phẩm lưu thông ra thị trường. Cơ quan kiểm tra ở địa phương cũng không có mẫu hướng dẫn để phân biệt tem đó có đúng quy định hay chưa nên thị trường càng bị thả nổi.  

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI