Điều gì khiến người Việt bỏ vài triệu đồng mua một trái xoài nhập?

24/08/2019 - 06:00

PNO - Xoài đỏ giá 1,7 triệu đồng/trái, dưa lưới giá 2,7 triệu đồng/trái... những loại trái cây "đắt xắt ra miếng" nhưng các cửa hàng trái cây ngoại không có đủ hàng để cung ứng cho khách.

Trái cây ngoại giá “khủng” cháy hàng

Nhân viên cửa hàng trái cây V.F. (Q.3, TP.HCM) giới thiệu với chúng tôi đủ loại trái cây ngoại nhập được cho là hàng hiếm: dâu anh đào, dâu bạch tuyết (Nhật Bản) có giá hơn 1 triệu đồng/hộp 250g, tính ra 4,2 triệu đồng/kg. Mức giá này cao gấp 7 lần giá dâu tây Mỹ, Hàn Quốc, Úc và hơn gần 20 dâu tây Đà Lạt. 

Tại cửa hàng này, không thiếu các loại trái cây nhập khẩu có giá cao ngất ngưởng do màu sắc lạ hoặc được cho là trồng theo cách đặc biệt. Chẳng hạn xoài đỏ, dưa lưới Nhật giá 1,7-2,7 triệu đồng/trái; nho mẫu đơn 1,6 triệu đồng/hộp 500g; đào 580.000 đồng/vỉ 2 trái; biwa (thanh trà) 1,9 triệu đồng/hộp 500g... Người bán quảng cáo đây là giống dưa lưới HigoGreen có vỏ rất mỏng, ruột dày, giòn và ngọt, mỗi trái khoảng 1,3-1,4kg. Còn xoài đỏ Miyazaki là thương hiệu trái cây cao cấp của Nhật, được ví như “trứng của mặt trời” vì có lớp vỏ óng, được trồng theo quy trình nghiêm ngặt, mỗi trái khoảng 330-400g, phải đạt độ ngọt mới thu hoạch. Đầu mỗi mùa xoài, có cặp xoài được bán với giá 3.000 USD. 

Dieu gi khien nguoi Viet bo vai trieu dong mua mot trai xoai nhap?
Dù giá cao, trái cây ngoại vẫn hấp dẫn người tiêu dùng Việt

Tại một cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây ngoại ở Q.1, TP.HCM, ngoài các loại trái cây Nhật Bản kể trên, còn bán đủ loại trái cây cao cấp nhập từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc như, hồng dẻo Hàn Quốc giá 1 triệu đồng/hộp 250g, mận đường Mỹ 350.000 đồng/hộp 250g, đào ruột vàng Úc 400.000 đồng/hộp 500g… Hầu hết trái cây đều được người bán khẳng định là “chất lượng loại 1, vị ngọt thơm”. Đưa chúng tôi xem một quả bơ, nhân viên giới thiệu là “bơ sáp xanh Đài Loan, giá 350.000-400.000 đồng/trái, nặng từ 750g-1kg, cơm dày, béo ngậy hơn so với bơ Việt Nam”. Mức giá này cao hơn gấp 10 lần so với bơ Việt Nam.  

Tuy nhiên, giá trị của những loại trái cây này rất khó kiểm chứng. Mới đây, hình ảnh một quả dưa hấu Nhật hình kim tự tháp có giá gần 24 triệu đồng/trái khiến nhiều người choáng, hay vải thiều nhập được bán với giá 5 triệu đồng/kg, đắt gấp hàng trăm lần so với giá vải thiều Việt Nam. Cộng đồng mạng hiện đang xôn xao về quả đào được giới thiệu xuất xứ Tây Ban Nha, từng được bán với giá 600.000 đồng/kg, nhưng nay nhiều nơi chỉ rao giá 70.000-100.000 đồng/kg. Ngay lập tức, nhiều người đã chỉ ra, đây là đào Trung Quốc gắn mác Tây Ban Nha. 

Chất lượng có tương xứng giá?

Tại Nhật Bản, nhiều loại trái cây đã được rao bán với giá “không tưởng”: một cặp dưa lưới hảo hạng xuất xứ từ TP.Yubari, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản có giá kỷ lục 5 triệu yen (khoảng 1,07 tỷ đồng) trong phiên đấu giá đầu mùa mới đây, theo hãng Kyodo. Thậm chí, một người Nhật đã chi 1,2 triệu yen cho một chùm nho 24 trái, mỗi trái to bằng trái bóng bàn; tính ra mỗi quả nho có giá hơn 10 triệu đồng. Bên cạnh việc cổ vũ các nhà sản xuất, không ít vụ mua bán trái cây siêu đắt tại Nhật là để marketing.

Dieu gi khien nguoi Viet bo vai trieu dong mua mot trai xoai nhap?
Những loại trái cây có giá mắc đến đâu khi nhập về Việt Nam cũng đều có người mua

Tiến sĩ Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - cho rằng, không ít người có tâm lý sính ngoại, thích trái cây ngoại; đặc biệt, những loại trái cây càng to, đẹp, lạ, họ càng thích. Trái cây nhập từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật… thì còn có thể yên tâm về chất lượng, nhưng đáng ngại nhất là trái cây Trung Quốc (thường bị xịt, ngâm, tẩm thuốc cho bóng, đẹp, lâu hư) trà trộn, người tiêu dùng khó phân biệt thật, giả.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group (chuyên xuất khẩu trái cây Việt Nam) - nhìn nhận, hiện một số loại trái cây ngoại độc, lạ nhập về Việt Nam gây tò mò, thu hút sự quan tâm của một bộ phận nhỏ người tiêu dùng chứ chưa phổ biến. 

Theo ông Tùng, loại trái cây mới lạ nào mới nhập về cũng có giá cao, giống như cherry Mỹ cách đây vài năm cũng trên 1 triệu đồng/kg, về sau càng phổ biến thì giá giảm xuống chỉ còn vài trăm ngàn đồng/kg. Ở Nhật Bản, cứ cái gì “đầu tiên” giá cũng đắt, như quả dưa thu hoạch đầu mùa, con cá đánh bắt đầu tiên… thường được bán đấu giá lên đến hàng triệu USD. Tuy nhiên, sản phẩm đó được ví như một biểu tượng tâm linh hơn là một xu hướng tiêu dùng. 

Tiến sĩ Mai cho rằng, giá một số trái cây ngoại đắt là do đội nhiều phí nhập khẩu, bên cạnh đó còn do giống hiếm, thu hoạch lượng quả có hạn, trong nước không có, còn giá trị dinh dưỡng của những loại trái cây kể trên như thế nào thì phải kiểm nghiệm mới đánh giá được. Trái cây Việt Nam cũng có nhiều loại ăn ngon, giá trị dinh dưỡng cao nhưng chưa đạt được tiêu chuẩn đẹp để gây sự chú ý, thu hút người dùng. 

Dieu gi khien nguoi Viet bo vai trieu dong mua mot trai xoai nhap?
Các loại trái cây nhập từ Pháp, Mỹ, Nhật... khá phổ biến tại các siêu thị

Ông Tùng cho rằng, trái cây độc, lạ, hiếm thường phải đi liền với các điều kiện canh tác khắt khe chứ không thể trồng theo cách đơn giản. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về giá trị dinh dưỡng đơn thuần thì giá của trái cây ngoại cao như vậy là không tương xứng, đúng hơn là người tiêu dùng đang trả giá cho một giá trị vô hình, thể hiện địa vị, đẳng cấp… “Nếu so sánh giá trị dinh dưỡng thì nhiều loại trái cây Việt Nam được đánh giá cao. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang ăn trái cây theo cảm giác, cảm nhận vị nhiều hơn là ăn vì giá trị dinh dưỡng. Chưa kể, nhiều loại trái cây ngoại đang được nhập tiểu ngạch về Việt Nam theo đường xách tay, chưa được kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thuốc bảo vệ thực vật” - ông Tùng cảnh báo. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI