Đi tour khách gặp tai nạn, công ty du lịch có phải bồi thường?

17/10/2019 - 06:30

PNO - Có trường hợp khách mua tour du lịch bị tai nạn trong hành trình nhưng phía công ty (CT) du lịch tìm cách né tránh trách nhiệm.

Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, chị Phạm Thị Ánh Ngọc, ngụ tại đường Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình cho biết, gia đình chị gồm 2 người lớn và 1 trẻ em mua tour châu Âu vào giữa tháng 7/2019 do Công ty C.K.D.L tổ chức với giá tour trọn gói là hơn 162,5 triệu đồng. Trong quá trình đi tour, chị bị trượt té gẫy chân tại nhà hàng trong khách sạn của tour. Tai nạn ngoài ý muốn nhưng hướng dẫn viên tour không thiện chí giúp đỡ chị băng bó chân, thậm chí hướng dẫn viên còn lớn tiếng khó chịu.

Hành khách này cho biết thêm, sau sự cố này hướng dẫn viên còn khó chịu với tất cả những yêu cầu. Chẳng hạn, do chân đau đi lại khó khăn nên chị muốn đổi chỗ ngồi trên máy bay và đề nghị giúp đỡ thủ tục hoàn thuế 3 chiếc xe điện mua trong hành trình.

Hướng dẫn viên tỏ vẻ gay gắt, bắt chị Ngọc phải lựa chọn, một là hoàn thuế thì không được ngồi xe lăn, hai là ngồi xe lăn thì không đi hoàn thuế. Cuối cùng, nữ hành khách phải bỏ lại sân bay 3 chiếc xe điện trị giá 26 triệu đồng.

Di tour khach gap tai nan, cong ty du lich co phai boi thuong?
Khi mua tour du lịch, khách nên tìm hiểu kỹ thông tin tour và các thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng (hình minh họa)

Đáng nói, khi về tới Việt Nam, chị Ngọc đến bệnh viện kiểm tra, cho kết quả chị bị vỡ xương bánh chè, chị đã gửi kết quả và gọi điện đến công ty nhiều lần hỏi về trách nhiệm và bảo hiểm của tour du lịch nhưng phía công ty lờ đi, không trả lời.

Thời gian sau đó, một nhân viên công ty liên hệ và đưa chị Ngọc 2 triệu đồng “hỗ trợ”, chị không đồng ý thì nhân viên này "phủi tay" và cho rằng, chị không có bằng chứng gì đi tour bên công ty dẫn đến bị té.

"Không có nấy một lời an ủi, động viên thiện chí và cũng không có bảo hiểm tour, tôi gọi điện thẳng cho giám đốc công ty phản ánh nhưng họ vẫn im lặng", chị Ngọc cho hay.

Để tránh những trường hợp tương tự như trên, theo Luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, Hội Luật gia TP.HCM, trước khi mua tour, khách phải tìm hiểu kỹ và đọc kỹ các thỏa thuận trong hợp đồng. Tùy thuộc vào các nội dung, điều khoản giao dịch ban đầu, lúc khách mua tour thường nên yêu cầu phía công ty du lịch phải có những cam kết rõ ràng với khách là hành trình thế nào.

“Các quy định về bảo hiểm du lịch cũng cần được thỏa thuận, minh bạch ngay từ đầu; công ty du lịch phải rõ ràng, cụ thể các mức bồi thường bao nhiêu trong từng tình huống cụ thể và phải thực hiện đúng các thỏa thuận đã cam kết với khách hàng”, luật gia Thu tư vấn.

Một khi hai bên công ty du lịch và khách mua tour đã có hợp đồng thỏa thuận quy định rõ ràng các điều khoản mà phía công ty du lịch không thực hiện đảm bảo quyền lợi cho khách thì người tiêu dùng có thể khởi kiện yêu cầu phía công ty bồi thường  cho mình đúng theo thỏa thuận.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI