Đi đâu cũng gặp... hàng Trung Quốc đột lốt hàng Việt

24/06/2019 - 07:20

PNO - Asanzo, trước đó là KhaiSilk... và còn bao nhiêu thương hiệu nữa từng được coi là "tự hào hàng Việt", nhưng rồi bị phanh phui gian lận nhập hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt.

Asanzo nhập hàng Trung Quốc rồi gắn mác hàng Việt Nam là vụ việc chấn động vừa bị báo chí phanh phui. Nhưng đây không phải là vụ việc cá biệt. Có những công ty may không có nhà xưởng nhưng hằng ngày vẫn tung ra thị trường cả tấn hàng may mặc. Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt hiện tràn ngập trên thị trường. 

“Ma trận” hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) được xem là “đại bản doanh” của hàng Trung Quốc. Điều đáng nói, hàng hóa Trung Quốc khi về đến chợ bị người bán thay tem, đổi nhãn thành hàng Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước, đánh lừa người 
tiêu dùng. 

Giả thương hiệu Việt Nam nhiều nhất là nhóm ngành nhựa. Khi chúng tôi ghé khu bán hàng giày dép sỉ, hỏi mua hàng thương hiệu Việt Nam hoặc Thái Lan, nhiều chủ sạp khẳng định, chỉ có hàng Trung Quốc thôi.

Nghe chúng tôi e ngại hàng Trung Quốc không bán được, một tiểu thương thật thà bày cách, do giày dép là mặt hàng không in dòng chữ “made in China”, nên cứ lấy hàng về, in thương hiệu của mình lên mặt sản phẩm, là xong. Nếu ngại về chất lượng sản phẩm thì cứ nhập đế, quai giày dép do Trung Quốc sản xuất rồi về tự gia công, biến thành hàng Việt. 

Chỉ tay vào đôi dép đang mang có thương hiệu Biti’r, chị tiểu thương đố chúng tôi là hàng Việt Nam hay Trung Quốc. Sau hồi quan sát, chúng tôi trả lời là hàng Việt Nam, chị tiểu thương cười khanh khách: “Hàng TQ nhập nguyên con đó. Doanh nghiệp bên Trung Quốc tự in chữ Biti’r nhái thương hiệu Biti’s của Việt Nam để dễ bán.

Theo tiểu thương này, không chỉ giày dép, 90% các mặt hàng như ba-lô, túi xách cũng nhập từ Trung Quốc. Nếu sản phẩm được nhập “nguyên con” từ Trung Quốc, tem nhãn thường được treo bên hông sản phẩm, người bán chỉ cần cắt tem nhãn này đi, thay tem nhãn có in thông tin nhà sản xuất Việt Nam là thành hàng Việt. 

Mỹ phẩm bán ở chợ Bình Tây cũng toàn hàng Trung Quốc. Theo các chủ sạp, chỉ mỹ phẩm dưỡng da mới có thêm hàng Thái; 90% mỹ phẩm trang điểm (phấn mắt, phấn phủ, son môi…) là hàng Trung Quốc. Cầm thử một thỏi son môi có thiết kế hình quả táo xinh xắn với giá 40.000 đồng/sản phẩm, chúng tôi không thể biết được đó là hàng Trung Quốc bởi không hề có thông tin gì trên sản phẩm. Đây là dòng sản phẩm dễ giả hàng Việt Nam nhất, vì không cần thay tem, đổi nhãn gì cả. 

Ở lĩnh vực may mặc, hàng Trung Quốc cũng thoải mái gắn mác “made in Vietnam”. Tại chợ Phạm Văn Hai (quậnTân Bình, TP.HCM), tiểu thương đưa chúng tôi xem chiếc áo ngực có gắn nhãn “made in Vietnam” nhưng có giá 70.000 đồng/sản phẩm. Qua quan sát, ngoài dòng chữ trên kèm tên thương hiệu Boya, không có thêm thông tin nào của nhà sản xuất. Mang sản phẩm này hỏi một chủ doanh nghiệp sản xuất đồ lót thì được biết “Boya” là một thương hiệu đồ lót của Nhật nhưng ở đây tem lại ghi “made in Vietnam” thì đích thị là hàng nhập trực tiếp từ Trung Quốc. 

Di dau cung gap... hang Trung Quoc dot lot hang Viet
Nhiều sản phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam có gắn mác “Made in Vietnam” để lừa người tiêu dùng

Không chỉ ở các chợ, hàng Trung Quốc giả hàng Việt còn có mặt tại các trung tâm thương mại lớn. Tại các trung tâm thương mại như Saigon Square, Taka (Q.1, TP.HCM), chúng tôi dễ dàng mua được cả hàng sỉ, lẻ có mác “made in Vietnam”. Anh T, chuyên bỏ sỉ quần áo trẻ em cho biết, hiện việc giả tem rất công phu, không còn tem giấy như trước mà là tem bằng vải với đường in sắc nét. Anh T kể, từng nhận được đề nghị từ một mối cung cấp hàng ở ngoài Bắc, chuyên nhập quần tây nam, nữ từ Trung Quốc về và thay mác thành thương hiệu riêng do họ sản xuất. 

“Cùng trong nghề nên họ nói thẳng là không có nhân công, nhờ tôi đảm nhận luôn công đoạn thay mác và phân phối hàng cho họ với mức lợi nhuận trên 50 - 70%, tùy lượng hàng bán được, trong khi nếu phân phối hàng Việt Nam sản xuất, mức lời chỉ 30% đổ lại. Ngoài mức lời trên, với mỗi mác thay, tôi được thêm 5.000 đồng/sản phẩm. Công đoạn đơn giản là cắt bỏ nhãn sườn in thông tin thành phần, thay nhãn cổ áo là xong. Nhưng tôi thấy kiểu làm ăn này gian lận nên từ chối” - anh T. nói. 

Mất uy tín trong lẫn ngoài nước

Điều khiến các chủ doanh nghiệp bức xúc nhất là, dù biết việc giả mạo nhãn hàng Việt nhưng không làm gì được. 

Di dau cung gap... hang Trung Quoc dot lot hang Viet
Một đôi dép nhập từ Trung Quốc về được một doanh nghiệp in thương hiệu Biti’r để cạnh tranh với Biti's Việt Nam

Ông Lý Thành Sinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng nói, ông biết một số công ty may có thương hiệu, hằng ngày có hàng chục container ra vào liên tục, doanh thu mỗi năm rất “khủng” nhưng không hề có nhà xưởng. Họ nhập nhiều container hàng từ Trung Quốc về, đặt “mối” gia cố thành sản phẩm công ty. 

Người trong ngành biết, báo cơ quan chức năng nhưng cơ quan này “kiểm cho có” rồi thôi. Thấy vậy, nhiều chủ doanh nghiệp nản, không muốn sản xuất, chỉ muốn nhập sản phẩm của Trung Quốc về dán nhãn rồi tung ra thị trường cho lẹ, mau lời. Hiện chỉ còn khoảng 20% doanh nghiệp trong nước mặn mà với thị trường nội địa nhưng đa số phải bù lỗ mới duy trì được, còn lại vẫn tập trung cho xuất khẩu.

“Tôi nghiên cứu thị trường thì thấy nhân viên tiếp thị sữa, dầu ăn, nước mắm… đông đúc, rộn ràng, nhưng nhân viên tiếp thị lĩnh vực may mặc chỉ có mỗi mình tôi” ông Lý Thành Sinh tự trào.

Thực tế, Cục Hải quan TP.HCM từng bắt giữ hàng chục lô hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng... nhập từ TQ gắn mác nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. 

Không chỉ đội lốt hàng Việt để bán tại Việt Nam, hàng Trung Quốc còn đội lốt hàng Việt xuất đi nước ngoài khiến không ít thương hiệu bị mất uy tín trên thương trường quốc tế.

Theo Tổng cục Hải quan, hàng Trung Quốc không chỉ bị phát hiện tại cửa khẩu mà một số trường hợp nhập hàng xuất xứ Trung Quốc vào các khu công nghiệp của Việt Nam để lắp ráp hoặc chỉ gắn nhãn mác “made in Vietnam” để xuất sang nước thứ ba. 

Các chuyên gia kinh tế từng nhiều lần cảnh báo, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc càng thúc đẩy hàng Trung Quốc tràn sang các nước khác thay thế thị trường Mỹ, trong đó có Việt Nam. 

Ngoài việc tiêu thụ tại Việt Nam, Trung Quốc có thể mượn Việt Nam làm địa điểm làm công đoạn cuối cùng hoặc chỉ gắn mác hàng Việt để xuất khẩu sang các nước, trong đó có Mỹ. Hàng Việt Nam có thể phải chịu biện pháp kiểm tra gắt gao hoặc bị đánh thuế chéo từ Mỹ. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam cảnh báo, nếu không kiểm soát tình trạng này, Việt Nam có thể thành tâm điểm để Mỹ “tấn công” thương mại. 

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các cục, chi cục hải quan địa phương tăng cường chống hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt nhập về tiêu thụ ở thị trường trong nước. Cơ quan này yêu cầu phải kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa; nếu phát hiện hàng hóa nhập ghi nhãn “made in Vietnam”, cơ quan hải quan địa phương cần xác minh, nếu có sự giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì tùy theo hành vi vi phạm cụ thể, tính chất, mức độ để xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc xử phạt theo Nghị định 185/2013 của Chính phủ.

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI