Đi chợ tết với 10 triệu đồng

10/02/2018 - 00:00

PNO - Ngày tết giá cả leo thang trong khi có quá nhiều thứ cần phải mua sắm khiến chị em nội trợ lo lắng. Nhưng nếu biết cách chi tiêu hợp lý, với 10 triệu trong tay bạn vẫn yên tâm đi chợ cho một cái tết đủ đầy.

Điều quan trọng nhất là cần lên kế hoạch chi tiêu mua sắm sao cho hợp lý. Muốn vậy, bạn cần phải lên danh sách những món cần mua, các khoản cần chi và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên.

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Gần tết, các chương trình khuyến mại, đại hạ giá tràn lan khiến nhiều chị em vội vàng mua vì cứ nghĩ như thế là tiết kiệm, mua được hàng giá hời. Nhưng thật ra, như thế lại chính là phung phí, tốn kém (vì thấy món nào rẻ nên cũng mua) mà không hiệu quả. Vì vậy, việc đề ra những khoản chi bắt buộc phải thực hiện là điều không thể bỏ qua nếu bạn muốn kiểm soát được hầu bao của mình.

Di cho tet voi 10 trieu dong
Sắm cái tết đủ đầy với 10 triệu đồng không có gì khó.

Thông thường, một gia đình đón tết sẽ không thể thiếu những khoản cần chi như tiền thực phẩm, tiền lì xì, quần áo, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đồ cúng, chi phí đi lại cùng một khoản dự phòng phát sinh khác.

Với 10 triệu đồng trong tay, bạn sẽ bắt đầu phân ra càng chi tiết càng tốt. Chẳng hạn với gia đình có từ 4-5 thành viên, khoản chi cho thực phẩm: 3.500.000 đồng; lì xì 2.000.000 đồng; hoa tươi, trái cây, giấy tiền vàng mã cúng lễ: 1.200.000 đồng; quần áo 1.800.000 đồng; tiền đi lại: 1.000.000 đồng; dự phòng: 500.000 đồng.

Sau khi có kế hoạch sơ bộ, bạn sẽ bắt tay vào mua sắm từng khoản. Với 3.500.000 đồng chi phí dành cho thực phẩm, bạn sẽ mua những gì? Tâm lý của chị em bao giờ cũng sợ thiếu chứ không ngại thừa. Do vậy mà khi mua sắm thường mua dư dả hơn nhu cầu.

“Tết mà!”, suy nghĩ này sẽ khiến chị em “thủng ví” nhanh chóng. Kinh nghiệm cho thấy, thà mua ít mà chất lượng, hơn mua nhiều mà thừa mứa. Bạn nhẩm tính xem mình sẽ cần cúng cơm trong nhà bao nhiêu lần, đồng thời lên thực đơn sẵn cho các ngày mùng. Như vậy, bạn cứ theo thực đơn đó mà mua là ổn.

Các món ăn truyền thống như thịt kho hột vịt, nồi canh khổ qua/canh măng giò là không thể thiếu. Vậy nên, bạn sẽ dành ra chi phí khoảng 500.000 đồng cho hai món này. 1 ký thịt ba chỉ ngon giá vào khoảng 110.000 đồng, thêm 5 quả trứng vịt giá 20.000 đồng, trái dừa 15.000 đồng. Vậy là chưa đến 200.000 đồng bạn đã có thể hoàn tất món thịt kho trứng cho mâm cơm tết. Để ăn kèm thịt kho, bạn đừng quên mua thêm hủ củ kiệu hoặc dưa cải chua, giá khoảng 50.000 – 70.000 đồng.

Với món canh, bạn chỉ cần khoảng 6 trái khổ qua (giá khoảng 25.000 - 30.000 đồng), đừng mua nhiều sẽ dư bởi không thể ăn quá hai ngày với cùng một món canh, nếu hâm đi hâm lại thức ăn sẽ không còn ngon nữa. Để dồn số trái khổ qua này, bạn cần chuẩn bị 300-400gr cá thác lác (khoảng 110.000 đồng), 300gr thịt nạc xay (30.000 đồng), một ít nấm mèo (5.000 đồng), xương heo nấu nước dùng cần khoảng 500gr là đủ (giá khoảng 40.000 đồng), sau khi dồn khổ qua nếu còn dư lại thịt trộn cá bạn có thể vo viên lại cho thêm vào nồi canh. Tính ra, chi phí dành cho món canh khổ qua vào khoảng dưới 250.000 đồng.

Ngày 30 tết sẽ bắt đầu cúng mâm cơm đón ông bà. Bạn sẽ làm món cháo gỏi gà để đổi vị. Chi phí cho con gà tầm 1,5 ký, loại ngon vào khoảng 250.000 đồng; ½ bắp cải, 200gr nấm rơm, 1 củ cải đỏ, chanh ớt, rau nêm, củ hành, 300gr bún tươi sẽ trả khoảng 80.000 đồng. Món cháo gỏi gà này sẽ tốn 330.000 đồng.

Di cho tet voi 10 trieu dong
Đi chợ vừa đủ ăn sẽ giúp chị em tiết kiệm nhiều chi phí không hợp lý.

Ngoài ra, bạn cần dành ngân sách khoảng 600.000 đồng để mua thực phẩm trữ trong tủ lạnh, gồm 500gram thịt bò phi lê (giá khoảng 180.000 đồng), 500gr thịt heo nạc (giá khoảng 45.000 đồng), 500gr xương heo (chọn xương cổ loại ngon có nạc hoặc xương đuôi heo) giá khoảng 50.000 đồng, 300gr thịt nạc xay (khoảng 30.000 đồng), 500gr sườn non (giá khoảng 70.000 đồng, lưỡi heo (khoảng 50.000 đồng/cái vừa). 

Đây là những thực phẩm để dành chế biến trong 5 ngày đầu tiên của năm mới. Bạn cần dành thêm khoảng 150.000 đồng để mua rau củ quả như dưa leo, cà chua, bông cải, cà rốt, khoai tây, một ít rau sống ăn kèm,… Những loại rau củ này ngày mùng 2 tết có thể tranh thủ ghé vào siêu thị/chợ để mua vì những năm gần đây các tiểu thương mùng 2 tết đã mở bán trở lại.

Đến đây, bạn nhìn lại mình đã tốn bao nhiêu chi phí rồi? Khoảng 1.600.000 đồng, bạn còn lại 1.900.000 đồng. Thực phẩm tươi sống gần như đã tạm ổn. Giờ bạn cần phải chuẩn bị cho các loại gia vị, nước chấm, dầu ăn. Chi phí này vào khoảng 250.000 đồng.

Ngoài ra, bạn sẽ cần chi thêm 550.000 đồng để mua một ít thực phẩm khô để dành sẵn trong nhà khi cần: mì gói, miến khô, bánh tráng, xúc xích, đồ hộp (chi phí khoảng 130.000 đồng), bánh tét mặn (khoảng 120.000 đồng), lạp xưởng (90.000 đồng/0,5kg), chả lụa (100.000 đồng/0,5kg), tôm khô (200gr tôm khô loại ngon, cỡ vừa, giá khoảng 150.000 đồng), khô cá dứa/khô lăn phòng/khô sặc (khoảng 100.000 đồng).

Như vậy, còn lại tầm 1.000.000 đồng bạn sẽ dành một nửa cho chi phí bánh mứt đãi khách, một nửa còn lại sẽ là chi phí nước uống, một thùng bia lon và nước ngọt về cơ bản là đủ. Xem như bạn đã giải quyết được phần thực phẩm cho gia đình vào những ngày tết.

Khoản chi cho trái cây, hoa tươi, giấy tiền vàng mã không đến mức khiến bạn phải đau đầu. Có 1.200.000 đồng, trước hết bạn dành khoảng 100.000 đồng cho trọn bộ giấy tiền cúng lễ như đứa rước ông tháo, giao thừa, rước và tiễn ông bà, cúng thần tài thổ địa, đất đai.

Riêng hoa tươi, nếu không quá cầu kỳ, và cũng là “liệu cơm gấp mắm”, bạn dành khoảng 300.000 đồng là đủ cho bàn thờ phật, bàn thờ ông bà, bàn thờ thần tài thổ địa, bàn thờ Táo quân, bình hoa tươi để phòng khách và bình hoa đi kèm mâm hoa quả cúng giao thừa (có thể chọn hoa lay ơn đỏ, cúc kim cương vàng, phát tài, vạn thọ, giá vừa túi tiền).

Ngày tết nhà cửa không thể thiếu chậu hoa trang trí bên ngoài cổng, bạn dành khoảng 200.000 đồng mua 2 chậu vạn thọ vàng, 2 chậu hoa mào gà đỏ là đủ.

Còn 600.000 đồng để sắm sửa trái cây cũng khá nan giải. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sắp xếp chu toàn mâm trái cây ngũ quả với quýt, dừa, mãng cầu, xoài, đu đủ. Kinh nghiệm cho thấy, chọn dừa, đu đủ quả hơi to sẽ giúp đĩa trái cây xôm tụ hơn, hơn nữa sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí cho các loại trái cây khác.

Trong 5 loại trái cây, chỉ có xoài và mãng cầu là khiến bạn nhẹ túi vì giá mọi năm thường tăng cao, khoảng 70.000 – 80.000 đồng/ký. Do vậy, bạn có thể chưng quýt nhiều hơn để tiết kiệm chi phí, màu quýt tươi, đẹp sẽ khiến mâm trái cây của bạn trông bắt mắt hơn. Bạn nhớ chọn mua một trái dưa hấu tròn đều, nặng khoảng 4 ký, chưng trên dĩa tròn dán giấy đỏ để bàn thờ là đủ không khí ngày tết.

Như vậy, với khoảng 5.000.000 đồng bạn đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các thứ cho ngày tết rồi. Tương tự với quần áo tết, bạn cũng cần có kế hoạch chi phí mua sắm cho từng thành viên để tránh phát sinh. Dĩ nhiên trên thực tế khi chị em ra chợ giá sẽ có tăng, giảm tùy theo thị trường nhưng về cơ bản sẽ không chênh lệch nhiều. Quan trọng là bạn đã lên được chi phí dự trù để có sự cân nhắc cẩn thận.

Đừng lo quá vì trong kế hoạch bạn vẫn còn khoản 500.000 đồng dành cho chi phí phát sinh. Khi thực sự cần thiết, bạn có thể dùng đến nó để giải quyết vấn đề. Nhưng chớ quên đây là khoản chi phí cuối cùng còn lại trong 10 triệu đồng đón tết của gia đình đấy nhé.

Ngày tết là ngày sum họp gia đình. Là người quản lý chi tiêu, chị em chỉ cần tiêu sao cho hợp lý, miễn sao gia đình vui vẻ.

Mai Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI