Đến khi nào người Việt được dùng trái cây đạt chuẩn an toàn?

06/05/2018 - 08:24

PNO - Mỗi loại trái cây khi vào được thị trường Mỹ, Nhật, Úc... luôn được loan tin như những chiến tích, bởi nó phải đáp ứng được những tiêu chí rất nghiêm ngặt về hình thức, chất lượng, độ an toàn.

Câu hỏi đặt ra là bao giờ người Việt được dùng những loại trái cây “chuẩn quốc tế”?

Của ngon là để xuất khẩu

Đã từ lâu, trong ngành trồng trọt và chăn nuôi của Việt Nam tồn tại chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng” (tức nuôi, trồng riêng để ăn và để bán); của để ăn thì canh tác, nuôi trồng cẩn thận, không dùng thuốc hóa học, kích thích, tăng trọng, còn hàng để bán thì xài chất độc hại xả láng, vô tư. 

Nhưng hiện nay, với ngành trái cây, có xu hướng ngược lại: trái cây xuất khẩu sang các thị trường lớn được chăm chút rất kỹ càng, nghiêm ngặt, nhưng để bán tại thị trường trong nước thì… sao cũng được.

Một đầu mối thu mua thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Mỹ tại H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn bộ những vườn thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Úc… đều phải có mã vùng được cấp trước đó; thanh long các vườn phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly thuốc, phân bón hóa học trước ngày thu hoạch… 

Den khi nao nguoi Viet duoc dung trai cay dat chuan an toan?
Chất lượng sản phẩm xuất khẩu với sản phẩm tiêu thụ trong nước vẫn còn khoảng chênh lệch lớn.

Thanh long sau khi thu hái sẽ được tập kết về một nhà máy sơ chế cách đó không xa, được lựa chọn, rửa bằng nước sạch, đem phân loại, dán tem, đóng thùng, bảo quản và vận chuyển lạnh. 

“Thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Úc phải đạt trọng lượng bốn lạng rưỡi đến hơn tám lạng/trái. Những trái có trọng lượng nhỏ hơn sẽ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hoặc tiêu thụ nội địa” - chủ nhà máy sơ chế trái cây Kim Thanh 2 (tỉnh Tiền Giang) thông tin. 

Một số đầu mối thu mua trái cây cho biết, người tiêu dùng trong nước mua trái cây dù không đạt yêu cầu về kích cỡ, trọng lượng để xuất đi Mỹ, Nhật vẫn mừng vì những lô hàng này đã được kiểm soát về chất lượng.

Ông Huỳnh Văn Quyền - chủ vườn thanh long tại xã An Lục Long, H.Châu Thành, tỉnh Long An - cho biết, trước đây, ông trồng thanh long chủ yếu bán cho thương lái thu mua để xuất đi Trung Quốc và bán tại thị trường trong nước nên không bị yêu cầu phải bón loại phân hóa học nào, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng trồng để xuất đi các nước Mỹ, Trung Đông, Úc, Nhật… thì khác.

Gần như khoảng hai mươi ngày trước khi thu hoạch, ông không được dùng bất cứ loại hóa chất hay phân bón hóa học nào, nhằm tránh tồn dư hóa chất trong trái khi đến các nước nhập khẩu. Nếu trái từ vườn bị phát hiện vi phạm sẽ rất khó bán cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu những vụ sau.

Theo nhận định của một số đầu mối thu mua trái cây tại H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, trái cây phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc chỉ được phân loại dựa vào kích cỡ chứ không căn cứ vào những chỉ tiêu khác về nguồn gốc, chất lượng hay mức độ an toàn.

Do vậy, đã xảy ra tình trạng sơ chế sầu riêng bằng cách lau sạch đất rồi nhúng vào dung dịch làm chín trái trước khi đóng thùng xuất đi Trung Quốc; những trái ngấm thuốc, chín nhanh hơn được đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Bao giờ người Việt thực sự được ăn trái cây an toàn?

Ông Nguyễn Đình Mười - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu VINA T&T chuyên xuất khẩu trái cây sang các thị trường lớn ở Âu Mỹ - nhận định: “Đa phần trái cây bán trên thị trường nội địa là hàng trôi nổi”. 

Tiến sĩ Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - thừa nhận, đó là một thực tế tồn tại lâu nay ở Việt Nam, bởi mặt hàng này trước đây xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, chủ yếu sang Trung Quốc, qua các tầng nấc thương lái nên tiêu chuẩn chất lượng chưa được đặt ra.

Đặt vấn đề tại sao xuất khẩu trái cây đi các thị trường lớn mà không phân phối các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại chính thị trường trong nước, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, do thị trường trong nước không có tiêu chuẩn chung về chất lượng, phân loại… nên sẽ rất khó cạnh tranh với các vựa trái cây vốn mua gom hàng trôi nổi.

Nông dân có trồng “sạch” đến đâu thì khi bán cho thương lái rồi, họ xử lý ra sao, mức độ độc hại thế nào, chẳng ai biết được. Trong khi đó, nhiều cửa hàng trái cây nói bán trái cây sạch, trái cây xuất khẩu nhưng chỉ nói miệng, không có căn cứ rõ ràng.

Đặt vấn đề tại sao xuất khẩu trái cây đi các thị trường lớn mà không phân phối các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại chính thị trường trong nước, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, do thị trường trong nước không có tiêu chuẩn chung về chất lượng, phân loại… nên sẽ rất khó cạnh tranh với các vựa trái cây vốn mua gom hàng trôi nổi.

Ông Nguyễn Đình Mười cho biết, doanh nghiệp của ông từ khá lâu đã lên kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng bán trái cây xuất khẩu. Những cửa hàng đó sẽ lấy sản phẩm đang xuất khẩu, giữ nguyên bao bì, thùng chứa, tức là xuất sang Mỹ ra sao, sẽ bán trong nước y như vậy.

Chuỗi cửa hàng này ban đầu không đặt nặng doanh số mà muốn người tiêu dùng biết được sự chênh lệch về tiêu chuẩn chất lượng giữa trái cây xuất khẩu với trái cây bán phổ biến trên thị trường hiện nay. “Giá bán những sản phẩm này chắc chắn sẽ cao hơn những sản phẩm cùng loại phổ biến trên thị trường, nhưng cũng không thể bán bằng giá tại các nước mà công ty đang xuất vào” - ông Mười nói. n

Trong buổi báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các dự án Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi mới đây, rất nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về giải pháp ngăn chặn tình trạng “trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ban soạn thảo các dự luật cố gắng rà soát hệ thống pháp luật, bổ sung các quy định mới phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về sản xuất hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó định hình nền sản xuất hàng hóa lớn, theo chuỗi giá trị, bảo đảm tính bền vững.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI