'Đầu hàng' với việc nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Việt

21/11/2018 - 10:00

PNO - Không chỉ sự gian dối của các đầu mối kinh doanh nông sản, chính những quy định không chặt chẽ về nguồn gốc nông sản, thực phẩm cũng khiến tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng trong nước ngày càng phổ biến.

Ông Nguyễn Hậu - một đầu mối cung cấp rau quả tại Đà Lạt cho chợ đầu mối TP.HCM - cho biết, những biện pháp ngăn chặn nông sản Trung Quốc giả mạo nông sản Đà Lạt gần như không có tác dụng. Thế nên, nông sản Trung Quốc vẫn tiếp tục được chở đến Đà Lạt, trộn đất đỏ, hô biến thành nông sản Đà Lạt, bán cho TP.HCM và các tỉnh. 

'Dau hang' voi viec nong san Trung Quoc doi lot hang Viet
Khoai tây Trung Quốc đội lốt hàng Việt

“Việc bắt quả tang, bêu tên 17 cơ sở kinh doanh nông sản hay việc dán tem nhãn mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện không làm giảm lượng nông sản Trung Quốc mang mác Đà Lạt” - ông Hậu nói. Chính quyền siết mạnh ở chợ đầu mối nông sản Đà Lạt thì gian thương không đưa về chợ này mà đưa đến những điểm kín đáo để nhồi đất, thay bao bì, nhãn mác... rồi đưa đi tiêu thụ. Theo ông Hậu, những mặt hàng bị tráo nguồn gốc nhiều nhất là khoai tây, hành tây, cải thảo.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM), vào rạng sáng, rất nhiều xe ba gác tập trung trước các container mở sẵn cửa để lấy hồng. Loại hồng có trái to, vuông và màu vàng rất bắt mắt được đựng trong các thùng vỏ chi chít chữ Trung Quốc. Sau khi mua hàng, rất nhiều người đã bỏ luôn vỏ thùng, đổ trực tiếp lên xe chở về các chợ nhỏ hoặc bán lẻ ở các tuyến đường.

Giá bán sỉ loại hồng này tại chợ đầu mối là 7.000-8.000 đồng/kg, được bán lẻ với giá 20.000 đồng/kg nhưng người bán không bao giờ nhận đó là hồng Trung Quốc mà nói hồng Đà Lạt hay hồng giòn Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương thừa nhận, một số nông sản, thủy sản bị “đội lốt”, nhưng các quy định pháp luật không thể ngăn chặn được tình trạng này.

Theo Bộ Công thương, các quy định về nhãn hàng hóa hiện nay không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản khi bán trực tiếp cho người tiêu dùng. 

Thêm vào đó, các quy định về truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được áp dụng toàn diện và triệt để đối với nông sản, thủy sản. Hiện cũng chưa có quy định rõ một sản phẩm như thế nào thì được coi là sản phẩm của Việt Nam. 

Người bán hưởng chênh lệch bình quân 12.000-13.000 đồng/kg hồng, nhưng mức 20.000 đồng/kg vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá hồng giòn Đà Lạt (30.000-35.000 đồng/kg) đúng chuẩn bán tại một số cửa hàng trên đường Nguyễn Thông và dọc bờ kênh Nhiêu Lộc (Q.3).

Hầu hết người tiêu dùng không phân biệt được đâu là hồng Trung Quốc, đâu là hồng Đà Lạt hay hồng Tây Bắc. Các loại hàng khác như cam, quýt, táo, khoai tây, hành tây… cũng tương tự.

Ghé một sạp rau quen tại chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức) hỏi mua hành tây, chị chủ hàng hỏi chúng tôi mua về ăn hay về làm hàng; nếu về ăn thì chị lấy loại hành có các củ không đồng đều, vỏ trầy xước, giá 60.000 đồng/kg, còn làm hàng thì chị bán loại hành có củ rất đẹp, đồng đều, còn nguyên vỏ láng bóng, giá 20.000 đồng/kg. Chúng tôi thắc mắc sao hàng đẹp, giá lại rẻ gấp ba lần hàng xấu, chị trả lời: “Hàng xấu này là hàng Đà Lạt”.

Ông Nguyễn Văn Mọi - chủ thương hiệu nho Ba Mọi nổi tiếng tại tỉnh Ninh Thuận - thừa nhận, nông sản ra thị trường hiện nay không nhãn mác, bao bì nên người tiêu dùng khó phân biệt đâu là hàng trong nước, đâu là hàng nhập khẩu; đôi khi hàng trong nước còn bị vạ lây vì người tiêu dùng tưởng nhầm là hàng Trung Quốc. Nho Ninh Thuận nhiều lần bị ế cũng vì lý do này.

Theo Bộ Công thương, do thương nhân có thể bán hàng mà không cần nhãn mác, không cần khai báo xuất xứ và cũng không phải truy xuất nguồn gốc nên các cơ quan chức năng hầu như không thể phát hiện và xử lý trường hợp nông sản nước ngoài “đội lốt” nông sản trong nước khi hàng đã vào chợ dân sinh.

Thậm chí, ngay cả khi có lý do để nghi ngờ, cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định một sản phẩm nào đó không phải là sản phẩm của Việt Nam. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI