Danh hiệu 'Hàng Việt Nam chất lượng cao' đang bị đặt dấu hỏi về độ tin cậy

03/07/2019 - 06:59

PNO - Câu chuyện mập mờ “đánh lận con đen” của hai thương hiệu đồ gia dụng, điện máy lớn tại Việt Nam đang dấy lên nhiều nghi ngại về việc mua bán danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Trình tự khắt khe, doanh nghiệp vẫn có thể gian lận

Ngay khi báo chí đăng tải việc Công ty Asanzo nhập hàng Trung Quốc, ghi xuất xứ Việt Nam mà vẫn được cấp danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" (HVNCLC), Hội Doanh nghiệp HVNCLC liền họp, quyết định tước quyền sử dụng danh hiệu đối với sản phẩm của Asanzo. 

Theo Hội Doanh nghiệp HVNCLC, danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn và được thực hiện hằng năm nên chỉ có giá trị một năm và doanh nghiệp sử dụng logo HVNCLC phải ghi rõ năm mà logo có hiệu lực. Thế nhưng, sau vụ việc của Asanzo, rộ lên nghi vấn tổ chức mua bán danh hiệu này. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho rằng, đây là thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc danh dự của hội.

Theo bà Kim Hạnh, hiện trên thị trường, hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng đều có sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Các hiệp hội phải chịu trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc sản phẩm. Hằng năm, hội cấp chứng nhận cho 500-600 thương hiệu, trong khi cả nước có hàng triệu doanh nghiệp, sản phẩm đầy rẫy. Nghĩa là, để đạt danh hiệu, sản phẩm đã phải qua sự sàng lọc, bình chọn khắt khe. 

Ông Nguyễn Tiến Tài, luật sư đại diện Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết, để được cấp chứng nhận HVNCLC, phải đi qua rất nhiều bước. Cụ thể, sau khi người tiêu dùng bình chọn, sẽ có cuộc điều tra khoảng 3-4 tháng của Hội Doanh nghiệp HVNCLC để ra được danh sách. Sau đó, hội công khai thông tin những doanh nghiệp ở vòng hồ sơ cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp đối thủ. Nếu có bất kỳ thông tin nào không đúng sự thật, bị tố cáo, doanh nghiệp đó sẽ bị loại khỏi danh sách.

Hội cũng gửi công văn đến cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, đề nghị cung cấp thêm thông tin về việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. Cuối cùng, qua kênh báo chí, hội nắm hoạt động của doanh nghiệp để tiếp tục đánh giá, sàng lọc. Doanh nghiệp dù đạt chứng nhận HVNCLC sẽ tự chịu trách nhiệm với danh hiệu của mình.

Theo ông Tài, với trường hợp của Asanzo, trong quá trình điều tra ở bước 2, cơ quan chức năng không phát hiện doanh nghiệp làm ăn gian dối, báo chí và các đoàn thể của người tiêu dùng cũng không có ý kiến nào về Asanzo. Khi báo chí có bài phản ánh sự lập lờ trong xuất xứ sản phẩm của Asanzo, hội đã lập tức xử lý.

Danh hieu 'Hang Viet Nam chat luong cao' dang bi dat dau hoi ve do tin cay
Doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng được hưởng lợi trong chương trình "Hàng Việt Nam chất lượng cao"

Bà Kim Hạnh cho biết thêm, hiện có rất nhiều cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp - nhất là ở các tỉnh, thành phía Bắc - tự ý dùng mác, logo HVNCLC dán lên sản phẩm kinh doanh dù không được Hội Doanh nghiệp HVNCLC chứng nhận danh hiệu. 

Doanh nghiệp nói gì về HVNCLC?

Ông Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long 1 cho biết, sự xuất hiện của chương trình HVNCLC là công cụ, kênh thông tin rất hữu ích. Khách hàng muốn tìm những sản phẩm Việt Nam chất lượng tốt, có thể dựa vào đây để lựa chọn sản phẩm. Chương trình HVNCLC cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. “Ngay từ những ngày đầu tham gia chương trình bình chọn HVNCLC, chúng tôi đã nhận thấy cách bình chọn rất khách quan và công tâm” ông Sáng nói.

Cùng quan điểm, ông Hồ Quỳnh Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Điện Quang cho biết, HVNCLC là “sân chơi”, chuẩn mực cho các doanh nghiệp tham gia và dựa vào đó để phấn đấu. Khi đạt được tiêu chí HVNCLC thông qua các cuộc bình chọn của người tiêu dùng, doanh nghiệp xứng đáng được vinh danh và khách hàng sẽ biết đến các sản phẩm, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.

“Chúng tôi đã đồng hành cùng chương trình này suốt 23 năm qua. Niềm tin của người tiêu dùng đặt vào các doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC được bồi đắp từ lâu. Nhờ đó, tình cảm của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp, với chương trình luôn duy trì. Chính vì vậy, chứng nhận này hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thương hiệu”, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhận xét.

“Họ cứ nghĩ phải tốn tiền để có danh hiệu nên mới bị lừa. Doanh nghiệp của tôi đã đạt danh hiệu HVNCLC gần 10 năm nay rồi, nhưng có tốn đồng nào đâu. Tôi nghĩ, muốn biết tường tận thì nên tìm hiểu từ doanh nghiệp” - ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty Năm Thụy, nói. 

Danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được chào bán 120 triệu đồng

Theo bà Vũ Kim Hạnh, mặc dù danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, nhưng trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp, nhà sản xuất tự ý gắn logo HVNCLC lên sản phẩm hoặc mua bán danh hiệu này. Qua tìm hiểu của bà Hạnh, danh hiệu HVNCLC hiện đang được chào bán với giá khoảng 120 triệu đồng/đơn vị. Trước đây, hội cũng từng ghi nhận, có nơi ra giá 300 triệu đồng để cấp giả chứng nhận, gắn mác HVNCLC.

Bà Hạnh cho biết, danh hiệu HVNCLC được trao cho Asanzo từ năm 2017. Có thể thời điểm đó, doanh nghiệp này còn sản xuất ti vi, mua một số linh kiện về lắp ráp nên việc cấp danh hiệu này không sai. Danh hiệu và logo chỉ có giá trị trong một năm, sau đó thì không còn hiệu lực. Còn Sunhouse dùng logo HVNCLC được cấp cho sản phẩm này dán lên sản phẩm khác là vi phạm điều lệ sử dụng logo HVNCLC ban hành kèm theo chứng nhận danh hiệu HVNCLC hằng năm. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI