Công ty 'ma', bình phong cho buôn lậu, gian lận hàng hóa

29/06/2019 - 06:58

PNO - Những vụ buôn lậu, gian lận hàng hóa thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều các doanh chỉ tồn tại trên giấy tờ.

Ngoài lợi dụng hình thức hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, các đối tượng còn thành lập nhiều công ty “ma” để né lực lượng kiểm tra. 

Quà biếu là... ma túy

Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy, Cục Hải quan TP.HCM vừa phát hiện, thu giữ hơn 14kg ma túy tổng hợp được giấu trong vách thùng các-tông, ruột máy hát dĩa, đáy máy lọc nước, ruột máy massage, ruột loa điện tử… và gửi đi dưới dạng quà biếu với tên người nhận và địa chỉ không có thật trên vận đơn và bưu kiện.

Trước đó, đơn vị này cũng phối hợp với Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh kiểm tra ba bưu kiện nghi vấn, nhập khẩu từ Bồ Đào Nha, Đức. Lực lượng kiểm tra thu giữ tổng cộng khoảng 7,4kg ma túy tổng hợp loại MDMA (thuốc lắc) được giấu kín trong các vách thùng các-tông, thú nhồi bông, ruột máy hát dĩa và trong các túi vải treo giày dép. 

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP.HCM cũng nghi vấn, kiểm tra lô hàng của đối tượng Nguyễn Quang Trung, phát hiện 6kg methamphetamine giấu trong vỏ máy phun rửa nước áp lực cao. 

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp ở cả đường hàng không và đường biển. Tội phạm ma túy lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, nhất là trong thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy. 

Cong ty 'ma', binh phong cho buon lau, gian lan hang hoa
 

Các đối tượng thường dùng thủ đoạn cất giấu ma túy vào hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong loa, máy móc, hạt nhựa… đồng thời dùng địa chỉ giả gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân phi mậu dịch để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện. 

Đáng lưu ý, trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Khi đó, ma túy được ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng).

Đủ chiêu trò buôn lậu

Theo đánh giá của Cục Hải quan TP.HCM, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa cũng diễn biến ngày càng phức tạp về cả quy mô và tính chất với nhiều mặt hàng nhạy cảm như: hàng cấm nhập khẩu, thuốc lá, thực phẩm, tân dược, xăng dầu, máy móc cũ, ma túy tổng hợp… 

Các đối tượng thường thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở (địa phương không nắm được); cố tình khai nhiều mặt hàng nhưng trong đó chỉ có một mặt hàng và ngược lại, nhằm trốn thuế; khai báo qua mặt hàng khác có thuế thấp, giá thấp để được phân luồng có lợi (tỷ lệ kiểm tra 5 - 10%); khai thuế rất cao nhưng trong đó có mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện... 

Cong ty 'ma', binh phong cho buon lau, gian lan hang hoa
Ma túy được ngụy trang tinh vi trong loa, máy mát-xa, thùng giấy... bị lực lượng hải quan TP.HCM phát hiện mới đây

Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 vừa chuyển hồ sơ vụ buôn lậu của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu Phúc Tân sang Công an TP.HCM. Theo đơn vị này, qua công tác soi chiếu, phân tích hình ảnh hai container hàng nhập khẩu, nghi có chứa hàng cấm. Người nhận hàng theo bản khai là Công ty Phúc Tân (ở C9/4 khu dân cư Thuận Giao, khu phố Bình Thuận 2, P.Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương); khai báo hàng hóa là máy móc đã qua sử dụng.

Tổ công tác phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành khám xét hai container, phát hiện bên trong chứa toàn hàng điện tử, điện lạnh cấm nhập khẩu đã qua sử dụng, trị giá lô hàng vi phạm hơn 1 tỷ đồng.

Qua xác minh, tại P.Thuận Giao, thị xã Thuận An, không có công ty nào tên Phúc Tân. Xác minh nơi cư trú của người đại diện pháp luật, công an địa phương cho biết, ông Lê Văn Quý, giám đốc công ty trên không có hộ khẩu thường trú tại xã Hàm Đức, H.Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận như trong tờ khai hải quan.

Tương tự, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (thuộc Tổng cục Hải quan) đang phối hợp các cơ quan chuyên trách điều tra, xác minh vụ nhập khẩu năm container thiết bị nhà bếp để khởi tố vụ án. Lô hàng do Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Kim Long (H.Bình Chánh, TP.HCM) đứng tên mở tờ khai hải quan. 

Trên tờ khai thể hiện, hàng nhập khẩu gồm 2.500 chiếc chậu rửa dùng trong nhà bếp bằng thép không gỉ, không bao gồm vòi và van xả, hiệu Yutao (Trung Quốc), có tổng trị giá 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan phát hiện, số lượng hàng thực nhập hơn 6.000 chậu rửa bát đôi, không khai báo hải quan 1.000 bộ vòi sen, trị giá lô hàng ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Số hàng nhập khẩu không thể hiện nhãn hiệu hàng hóa theo quy định.

Hiện nay, các tờ khai luồng xanh, luồng vàng được thông quan rất nhanh. Lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, các đối tượng buôn lậu đã chọn luồng: cùng một lô hàng nhưng khai nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, luồng xanh để thông quan hàng hóa. 

Để hạn chế tình trạng buôn lậu ngày càng tinh vi, Cục trưởng Đinh Ngọc Thắng cho biết, sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc lợi dụng sự thông thoáng trong quy trình thủ tục thông quan hàng hóa để làm giả hồ sơ, chứng từ. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI