Cơn sốt trái cây ngoại

31/03/2018 - 11:00

PNO - Từ lâu, trong thực đơn tráng miệng của nhiều gia đình thành thị luôn xuất hiện trái cây ngoại dù giá cả đắt gấp nhiều lần trái cây Việt.

Lo lắng trước cảnh bán hàng gian, trộn hàng Trung Quốc, nhiều người bắt đầu có thói quen nhờ người thân xách tay về hoặc đặt mua qua bạn bè, mua ở các tiệm trái cây nhập khẩu, chấp nhận chi phí đắt đỏ.

Giá nào cũng mua!

Thật ra, cơn sốt trái cây ngoại không quá xa lạ tại Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, thị trường bắt đầu rộ lên trào lưu săn tìm các loại trái cây độc lạ, hiếm của những quốc gia xa xôi. 

Hằng ngày, sau mỗi bữa ăn, gia đình chị Hoàng Minh Thư (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường ngồi lại xem ti vi và thưởng thức trái cây. Để đa dạng thực đơn, ngoài những loại trái cây Việt (theo mùa), chị Thư còn chọn mua rất nhiều loại trái cây ngoại nhập từ Mỹ, Pháp, Úc, Hàn Quốc, New Zealand…

Con sot trai cay ngoai
Kệ táo đủ loại, đủ giá tại một cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Big C tại Q.10, TP.HCM.

“Mỗi loại trái cây của từng quốc gia ngon dở khác nhau. Ví dụ, nhà tôi chỉ ăn được táo Envy của Mỹ thay vì cùng giống Envy nhưng xuất xứ New Zealand”, chị Thư cho biết.

Để tránh tình trạng ăn nhầm trái cây Trung Quốc, chị Thư chấp nhận giá cao, đến các tiệm trái cây nhập hoặc mua từ người quen đi du lịch, làm việc ở các quốc gia có loại trái cây đó để đảm bảo là hàng ngoại 100%.

“Loại nho ngón tay của Úc, nhà tôi thường đặt hàng qua bạn bè. Tôi có cô bạn làm tiếp viên hàng không nên nhờ bạn mua giúp. Thường tiếp viên sẽ nhận mua một thùng sau đó chia cho bạn bè và người thân”, chị Thư nói.

Theo chị Minh Thư, mỗi thùng nho Úc có giá khoảng 2,5 triệu đồng/9kg, mỗi người có thể đặt 1-2kg để ăn với giá khoảng 280.000 đồng/kg.

Với loại nho ngón tay có xuất xứ từ Úc, theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng trái cây nhập, chợ và siêu thị có giá dao động từ 230.000-300.000 đồng/kg.

“Nho ngón tay Úc, khi mua không biết rất dễ dính hàng Trung Quốc”, một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay. Giá cả các loại trái cây ngoại đôi khi khiến người tiêu dùng phải choáng. Chẳng hạn, ở một tiệm trái cây ngoại trên đường Lê Thị Riêng (Q.1, TP.HCM), thanh long vàng Mexico giá 950.000 đồng/kg, mãng cầu dai Đài Loan: 550.000 đồng/kg, quýt sumo Nhật: 780.000 đồng/kg, cam lai chanh Nhật: 850.000 đồng/kg…

Cùng là hàng ngoại nhưng giá ở cửa hàng đắt hơn siêu thị?

Chủ một cửa hàng trái cây ngoại nhập tại Q.3, TP.HCM cho hay, gần 80% trái cây của cửa hàng đều là hàng nhập; bên cạnh một số loại của Việt Nam như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn… nhưng chỉ theo mùa.

Con sot trai cay ngoai
Hộp dâu xuất xứ Hàn Quốc trọng lượng 500g có giá 200.000 đồng tại một cửa hàng trái cây ngoại ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Thời điểm tháng 3, cửa hàng này kinh doanh khá tốt một số sản phẩm như mãng cầu dai, táo sữa của Đài Loan, cam lai quýt Setoka của Nhật Bản… với giá dao động từ 390.000-700.000 đồng/kg. Cửa hàng luôn cam kết nguồn hàng ở đây là hàng loại một của nước ngoài, xách tay và bảo hành chất lượng của sản phẩm cũng như cam kết về nguồn gốc với khách hàng.

Tại một cửa hàng trái cây khác có tên H.F. trên đường Vũ Huy Tấn (Q.Bình Thạnh), đại diện cửa hàng cho biết, họ kinh doanh khoảng 70% là trái cây ngoại, còn lại là trái cây nội. 

Người đại diện cửa hàng này đánh giá trái cây ngoại ngoài điểm trừ về giá cả, dễ bị pha trộn hàng Trung Quốc (đối với khách hàng mua trái cây trôi nổi) thì chất lượng, hương vị, độ dinh dưỡng đều đi đầu: “Trái cây ngoại cũng theo mùa như trái cây Việt. Vào đúng mùa thì giá mềm chút xíu, trái mùa giá cực kỳ “chát”. Nếu tính cả chi phí vận chuyển, bảo quản thì khó có giá rẻ hơn hoặc ngang bằng với hàng trong nước”.

Một lý giải khác vì sao cùng là trái cây ngoại nhưng giá ở cửa hàng luôn cao hơn siêu thị, chủ cửa hàng H.F. cho biết, mức chênh lệch quá lớn, từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng/kg là do khi nhập hàng về, các shop trái cây, đại lý cấp 1 sẽ lựa và ưu tiên chọn những quả ngon, tươi nhất nên giá cao hơn. Phần hàng còn lại sẽ được chuyển về các siêu thị với giá rẻ hơn, bán ưu đãi cho người dân. 

Thậm chí, có thời điểm giá bán của siêu thị chỉ bằng với giá nhập, mục đích để kích cầu mua sắm. Không phải người dân vào siêu thị để mua duy nhất một mặt hàng là trái cây, nên siêu thị bán rẻ hơn để kích cầu mua sắm chung. Mặt khác, siêu thị bán với số lượng lớn, không tránh khỏi hàng để lâu ngày phải giảm giá sâu để tránh hết hạn sử dụng. 

Con sot trai cay ngoai
Người dùng chi mạnh mua trái cây nhập từ Úc, chấp nhận giá cao hơn - Ảnh minh họa.

Các chủ cửa hàng trái cây ngoại nhập đều khẳng định, hàng nhập về có đủ nguồn gốc. Hàng có mã vạch, có chứng nhận của nhà nhập khẩu, khách mua có thể tự kiểm tra trên phần mềm chuyên dụng của điện thoại thông minh. Khi quét, mã vạch sẽ hiển thị đầy đủ nguồn gốc, giá cả và hạn sử dụng. Tuy nhiên, khi hỏi mã vạch của táo, lê để truy xuất nguồn gốc thì không cửa hàng nào đưa ra được.

“Táo, cam, lê thường không có mã vạch trên từng trái mà có mã bên ngoài thùng, hộp còn hầu hết các loại trái cây khác đều có mã vạch để kiểm tra”, một chủ cửa hàng trái cây nhập cho biết.

Thông tin thêm về việc bảo quản, chủ cửa hàng H.F. cho biết, trái cây ngoại có loại bảo quản được vài tháng. Hầu hết trái cây tại cửa hàng đều không được trưng bày mà nằm nguyên trong hộp và bọc kỹ để giữ tươi lâu hơn.

Khác nhau ở... giá cả 

Việc trái cây ngoại xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam một phần do nhu cầu của người Việt ngày càng cao. Trái cây loại nào cũng tốt, xuất xứ từ nước nào cũng có những giá trị khác nhau, thành phần dinh dưỡng khác nhau. 

Người tiêu dùng không thể so sánh, cho rằng trái cây ngoại thì giá trị dinh dưỡng cao hơn trái cây nội. So về giá cả, trái cây ngoại quá đắt, chỉ thích hợp với những người có thu nhập cao. Tuy nhiên, nếu so về chất lượng thì trái cây Việt hay ngoại nếu đúng nghĩa sạch, sản xuất tốt thì đều tốt như nhau. 

Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi mua. Nếu có điều kiện, có thể chọn trái cây ngoại với những loại không thể trồng được ở Việt Nam. Khi mua, nên đến các siêu thị hoặc cửa hàng có uy tín; tránh mua phải hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

TS Võ Mai - Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam 

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI