Coi chừng mất trắng vì 'ký nhận trước, điền thông tin sau'

04/06/2018 - 10:23

PNO - Lãi suất tư vấn một đằng nhưng sau đó bị ghi một nẻo; bên cho vay lật lọng, không giải ngân nhưng vẫn tính nợ; chủ nợ thành con nợ là những rủi ro từ việc “ký nhận trước, điền thông tin sau” đối với HĐ tín dụng.

Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia cao cấp tài chính, ngân hàng - cho biết, về mặt nguyên tắc, các ngân hàng không chấp nhận việc khách hàng ký khống vào bất kỳ loại giấy tờ nào có liên quan đến giao dịch. Nhưng thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng không tuân thủ, luôn yêu cầu khách phải ký hết các hồ sơ rồi điền thông tin sau. 

Đã có không ít trường hợp lãi suất được tư vấn một đằng nhưng sau đó bị ghi một nẻo chỉ vì khách hàng ký trước rồi để nhân viên tự điền thông tin sau. Khi hợp đồng được gửi đến, người tiêu dùng biết mình bị hớ, nhưng không thể khiếu nại vì đã ký xác nhận đồng ý.

Vì cần một khoản tiền, anh Nam (ngụ tại Q.10, TP.HCM) vay theo hình thức vay tiêu dùng. Đúng lúc này, nhân viên của Công ty tài chính F. gọi điện thoại tư vấn gói vay tiêu dùng với “lãi suất hợp lý, thủ tục nhanh gọn, thanh toán đơn giản”. Anh Nam được tư vấn vay 35 triệu đồng với lãi suất từ 1,75%-3,75%/tháng kèm theo lời hứa về lãi suất ưu đãi.

Coi chung mat trang vi 'ky nhan truoc, dien thong tin sau'

Đã có không ít trường hợp khách mất trắng tiền vì trót "ký trước, điền thông tin hoặc giải ngân sau" tại các điểm vay tự phát.

Nghĩ đây là công ty tài chính có tiếng, anh Nam không nghi ngờ gì, cung cấp tất cả các giấy tờ cần thiết và còn nhờ nhân viên này điền giúp hồ sơ cho nhanh gọn. 

Trong hồ sơ vay, phần lãi suất và số tiền vay được để trống với lý do sẽ đề xuất với ngân hàng; nếu được duyệt, sẽ báo cho anh Nam biết về khoản vay và lãi suất trước khi hợp đồng có hiệu lực. 

Một tuần trôi qua, anh Nam không thấy Công ty F. gọi điện thoại thông báo về khoản vay và lãi suất mà chỉ nhận được giấy báo đến Ngân hàng V. nhận tiền nhưng không kèm thông báo khoản tiền phải trả hằng tháng, lãi suất là bao nhiêu.

Anh Nam thắc mắc thì đại diện Công ty F. nói sẽ thông báo chi tiết sau. Khoảng một tuần sau, anh Nam nhận được thông báo thanh toán số tiền phải trả hằng tháng là 1.877.000 đồng trong thời hạn 36 tháng.

Sáu tháng sau, anh Nam quyết định tất toán khoản vay thì phía công ty cung cấp lịch trả nợ với số tiền vay bị đội lên thành 36.750.000 đồng với lý do: 35 triệu đồng là khoản vay, 1.750.000 đồng là 5% bảo hiểm khoản vay và phải chịu lãi suất là 3,75%/tháng.

“Tôi đã trót ký trước, để nhân viên điền thông tin sau nên đành chịu và không có bằng chứng gì để khiếu nại” - anh Nam nói.  

Việc “ký trước, điền thông tin và giải ngân sau” còn gặp rủi ro nếu bên cho vay lật lọng, không giải ngân.

Thực trạng này khá phổ biến ở các điểm cho vay tự phát, tín dụng đen hoặc hàng xóm với nhau. Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Lan (ngụ tại Q.Tân Phú, TP.HCM) phải nhờ đến pháp luật can thiệp vì phải trả 50 triệu đồng, trong khi chị chưa hề nhận được tiền.

Thấy giấy cho vay dán ở cột điện, chị liên hệ thì có một nữ nhân viên đến nhà. Biết nơi cho vay ngay sát nhà mình, nhân viên ăn mặc lịch sự, có đeo bảng tên, cung cấp danh thiếp và rất nhiệt tình, chị Lan không mảy may nghi ngờ. Sau khi tham khảo mức lãi suất, thấy hợp lý, chị Lan đặt bút ký vào hợp đồng với nội dung đã nhận tiền.

Theo lời hẹn, khoảng 1 giờ sau, sẽ có người đem tiền đến nhưng sau đó, chị Lan không hề nhận được tiền mà ngược lại, còn bị điểm “tín dụng đen” này yêu cầu trả góp mỗi ngày. 

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng vay tiền giữa ông Đào Văn Ướng và ông Lại Thế Đương (cùng ngụ tại Q.12, TP.HCM). Trong đó, người cho vay trở thành con nợ cũng vì tin tưởng nên đặt bút ký.

Do là bà con, ông Ướng viết giấy cho ông Đương vay 100 triệu đồng và 4 lượng vàng, lãi suất thỏa thuận miệng là 3%/tháng. Sau hai lần vay, ông Đương trả cho ông Ướng 10 triệu đồng tiền lãi. Khi trả lãi, ông Đương đưa ông Ướng tờ giấy trắng, phía trên có ghi 10 triệu đồng, phía dưới ghi người nhận tiền và yêu cầu ông Ướng ký vào.

Vì là người nhà nên ông Ướng tin tưởng ký vào. Đến cuối năm 2013, ông Ướng nhận được thông báo của Tòa án nhân dân Q.12 về việc ông Đương kiện, đòi ông trả 510 triệu đồng. 

Theo tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, để bảo vệ mình, mỗi khách hàng phải nhớ kỹ nguyên tắc: không được ký khống vào bất kỳ giấy tờ nào dù vay ở ngân hàng hay người quen thân. 

Tối 31/5, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt bà Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín) 30 năm tù về hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tuyên buộc bà này phải bồi thường cho Ngân hàng Xây Dựng hơn 16.000 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bà Phấn và các đồng phạm đã đẩy dư nợ khống hơn 5.000 tỷ đồng cho Công ty Phương Trang bằng hình thức ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân, chứng từ nhận tiền mặt nhưng không chuyển tiền hoặc chuyền tiền không đủ... Đây là bài học cay đắng cho Phương Trang và là lời cảnh báo cho những người đi vay. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI