Cảnh giác với những tay thợ điện lừa đảo

19/01/2016 - 08:07

PNO - Cuối năm là thời điểm dễ xảy ra nhiều vụ lừa đảo, chị em khi hư đồ điện, nên dùng dịch vụ 1080 để hỏi các công ty có uy tín.

Tháng trước tôi chuyển máy giặt LG từ lầu hai lên lầu ba, không hiểu có trục trặc gì trong quá trình di chuyển nên máy không hoạt động. Tôi lục một tờ nhật báo, mở trang rao vặt, thấy có đội thợ mang tên Nguyễn Kim nên gọi số di động yêu cầu tới sửa.

Nửa tiếng sau, hai anh thợ tới “khám” máy giặt của tôi và cho biết máy bị hư bộ cốt lồng giặt. “Cái này đã hư thì chỉ còn cách thay, ở đây không đủ đồ nghề, chị cho em mang về xưởng để sửa”, anh thợ nói và báo giá 750 ngàn đồng cho bộ cốt mới kèm thông tin: “Cốt em thay cho chị phải xài bảy năm mới hư”. Tôi thấy đắt nhưng cũng đồng ý để thợ tháo và mang lồng giặt đi.

Hôm sau, hai anh thợ mang cho tôi cái lồng giặt rất cũ và bẩn. Tôi nói đây không phải của tôi, họ cứ nằng nặc đòi lắp vào máy giặt với lý lẽ: nếu lắp vừa thì đúng là của tôi chứ của ai, rằng dầu mỡ lấm lem là do quá trình sửa tạo nên.

Canh giac voi nhung tay tho dien lua dao
Cẩn trọng với các chiêu lừa đảo - Ảnh: Internet

Tôi nói, trừ việc quá bẩn, cũ thì chiếc lồng của tôi có đặc điểm riêng do tôi từng quên chùm chìa khóa trong quần khi giặt nên phần nhựa bị cào xước rất sâu, chiếc lồng này dù cũ nhưng không có vết xước giống vậy. Đôi co suốt nửa tiếng, tôi đòi khiếu nại, hai anh mới đưa điện thoại cho tôi gặp cô nhân viên công ty. Cô này hứa sẽ đem lồng giặt của tôi trả lại vào hôm sau.

Nhưng chẳng biết cái lồng sau có đúng của tôi không, và có thay cốt máy như đã nói hay không mà chỉ ít ngày, máy giặt của tôi lại trở bệnh, không chịu quay. Tôi gọi số điện thoại bảo hành trên tờ giấy thì chỉ nghe “ò í e”. Tôi tá hỏa kiếm tờ báo, gọi cho 4-5 mẩu rao vặt mang tên Nguyễn Kim thì nơi nào cũng lắc đầu nói không hề có nhân viên dùng số điện thoại như thế.

Tôi tìm vào trang web chính thức của Công ty điện máy Nguyễn Kim và đọc các bài cảnh báo trên web của công ty này thì mới hay: trên thị trường đang có “trào lưu” đặt tên theo các công ty lớn như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Hai Thành, Gia Thành…

Tính riêng trên thế giới mạng thì đã có hàng chục web lấy tên Nguyễn Kim, có khác là không bán hàng như Nguyễn Kim “xịn” mà chỉ nhận sửa chữa đồ điện máy. Họ thật ra chỉ là những đội sửa nhỏ lẻ, hoặc cá nhân, không có địa chỉ cố định, có khi cũng không tay nghề, thường dùng những mẩu rao vặt trên báo hoặc các web giả danh để tìm khách hàng. Không thiếu các anh thợ chẳng biết định bệnh máy móc, chỉ dùng chiêu trò “mang về công ty kiểm tra” để thay linh kiện, thiết bị, hoặc đơn giản hơn là lừa khách về sự cố xảy ra để tăng tiền công.

Kể chuyện mình, tôi được ông anh cùng khu phố cho biết, cuối năm là “cao điểm lừa” và không đối tượng nào dễ lừa hơn mấy bà nội trợ “chẳng biết gì về điện”. Vợ anh cũng vừa bị thợ tới gỡ mất hai cái máy lạnh để “đem về tiệm kiểm tra” rồi một đi không trở lại, điện thoại không liên lạc được.

Ngày 15/1 vừa rồi, công an phường tôi ở vừa yêu cầu các hộ dán trước nhà bảng thông báo cảnh giác với các chiêu lừa cuối năm cùng số điện thoại nóng. Chị em khi hư đồ điện, nên dùng dịch vụ 1080 để hỏi các công ty có uy tín, hoặc vào trang web chính thức của các siêu thị điện máy rồi tìm số điện thoại chính thức để gọi, không nên tin các mẩu rao vặt.

Hồng Hạnh (11/4 Hồ Đắc Di, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI