Có một thị trường Tết âm thầm của các bà nội trợ

15/02/2015 - 15:49

PNO - PN – Cận Tết, không chỉ ở chợ, siêu thị không khí mua bán Tết mới sôi động, mà “chợ tại gia” của các bà nội trợ cũng nhộn nhịp không kém.

Khác với mọi năm, nhiều chị em không mua thực phẩm làm sẵn ở chợ và siêu thị. Để tiết kiệm và đảm bảo an toàn thực phẩm, họ quay về với bếp gia đình và với những ai khéo tay, có niềm đam mê nấu nướng thì cơ hội kiếm thêm thu nhập được mở ra.

Dạo một vòng facebook, dễ dàng thấy nhiều bà nội trợ nhận làm mứt dừa, mứt me, bánh chưng, bánh tét, kho thịt, dưa kiệu và đơn hàng dài tới tấp khiến không ít “doanh nhân” bất đắc dĩ phải tuyên bố không nhận đơn hàng mới.

Chị Phan Thanh Hương nhà Q 11, có mẹ là cô giáo dạy nữ công gia chánh nên chuyện bếp núc với chị đơn giản như “trở bàn tay”. Hai năm nay chị bị các cháu “lôi kéo” kiếm tiền với “củ kiệu dưa hành dưa món”. Chị kể cái duyên mở chợ tại gia đến rất tình cờ: “Lần đó, tôi làm bánh ú lá tre, cho mấy đứa cháu ăn. Tụi nhỏ mang vào cơ quan mời bạn bè, ai ăn cũng khen nhờ mua dùm. Thế là tụi nhỏ về năn nỉ tôi làm và tụi nó còn khoe tôi làm dưa món, bánh mứt ngon nên họ đặt tới tấp”.

Co mot thi truong Tet am tham cua cac ba noi tro

Dưa hành, dưa kiệu của từ bếp nhà của chị Hương đang được phơi nắng trong khi chờ giao hàng

Khi chúng tôi đến nhà, chị Hương tất bật sên mứt dừa, chị vừa lắc đầu tỏ vẻ ngán, vừa cười tươi: “Bây giờ tôi còn gần 20 đơn hàng, cố gắng “trả nợ” trước 28 Tết để mình còn làm bánh mứt cho gia đình. Giờ tụi trẻ nó bày ra trò chụp hình đưa lên facebook nên làm không kịp”.

Chị Tám ở khu hẻm đường Tân Sơn Nhì, Q. Tân Phú từ một người chỉ cơm nước cho chồng con, thì năm nay tình cờ trở thành bà chủ hàng lạp xưởng. Chị kể: “Quê tôi ở Sóc Trăng, lạp xưởng vốn là nghề truyền thống gia đình. Ban đầu tôi chỉ làm để đãi khách vào dịp tết, nào ngờ ai ăn cũng khen, nhờ làm hay có sẵn thì chia lại. Vì vậy, năm tôi nhận làm 35kg cho mọi người”.

Khách của chị Tám là bạn của chồng, con và hàng xóm. Theo chị làm ở nhà nên rẻ hơn chợ, lại an toàn vì không có phụ gia, không có phẩm màu. Tiện lợi để làm quà hay cho bữa cơm gia đình ngày Tết”.

Còn Hân, một bà nội trợ trẻ ở Q. Bình Tân thì những ngày này luôn bận rộn với nghề: đi chợ nấu cơm cho chục gia đình trong xóm.

Do thân thiện và nấu ăn ngon, nên ban đầu những cô gái độc thân trong xóm hay qua nhà chị ăn ké khi lỡ bữa. Dần dà, mọi người góp tiền nhờ chị nấu rồi “tiếng khéo đồn xa”, những gia đình đi làm về muộn, đơn chiếc đặt món. Đến bữa, chị bưng đến cho từng nhà và được thanh toán ngay.

“Một nhà em thâu từ một đến hai trăm ngàn cho 4-5 người lớn và trẻ con ăn no đủ. Ăn lẻ thì em lấy 12-15.000đ/phần”.

Co mot thi truong Tet am tham cua cac ba noi tro

Mẻ cá kho của chị Hân là món khoái khẩu của nhiều gia đình trong xóm

Tết này, “bếp tập thể” của chị Hân đang chạy hết công suất, vì có hơn 20 người đặt kho thịt, canh khổ qua, dưa cải dưa món.

Tuy đơn hàng nhiều, nhưng theo các chị, tiền lời chẳng là bao. Như chị Tám cho biết 1kg lạp xưởng lời chỉ 30.000đ/kg-40.000đ, vì phải lựa đồ ngon, an toàn, có khi phải gửi mua từ quê lên nên giá cũng khá cao. “Thôi thì lấy công làm lời. Cứ người này giới thiệu người khác, họ đến tận nhà, thấy bếp, thấy mình làm nên an tâm lắm”- chị Tám nói.

Nói về trào lưu “chợ tại gia”, chị Hương chia sẻ: “Mấy bà nội trợ nhận làm bánh, nấu ăn bây giờ nhiều lắm, nhưng không cạnh tranh nhau. Vì chủ yếu làm cho người ta và gia đình mình ăn luôn một thể. Vui nhất là nhận đơn hàng nhiều, về huy động chị em trong xóm phụ, vừa có chút tiền, vừa được trổ tài vén khéo, ai cũng hăng hái”.

Bài, ảnh: TRÂN DUY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI