Có gì bí mật trong 'Sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam'?

29/04/2019 - 08:03

PNO - Hàng loạt sản phẩm lưu hành trong nước ghi trên nhãn “Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu” khiến người tiêu dùng nghi ngờ rằng, mình đang chi tiền mua sản phẩm chất lượng thấp mà nước ngoài… không thèm dùng.

Hàng loạt sản phẩm tương ớt, nước giải khát, nước mắm, cà phê, mì gói, bột ngũ cốc lưu hành trong nước ghi trên nhãn “Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu” khiến người tiêu dùng nghi ngờ rằng, mình đang chi tiền mua sản phẩm chất lượng thấp mà nước ngoài… không  thèm dùng.

Co gi bi mat  trong 'San pham danh rieng cho thi truong Viet Nam'?

Nhiều sản phẩm có ghi trên nhãn "Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu"

Nhà sản xuất nói “không chênh lệch về chất lượng”

Không chỉ Coca-Cola, các sản phẩm Sprite, Fanta của cùng Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đều có dòng chữ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu”. Tương tự, các sản phẩm tương ớt, nước tương, mì gói, bột ngũ cốc của Tập đoàn Masan, cà phê hòa tan G7… cũng ghi trên nhãn rằng, sản phẩm chỉ bán ở Việt Nam, không xuất khẩu. 

Đặc biệt, mới đây, tương ớt Chinsu cũng có dòng chữ này trên nhãn, và thực tế cho thấy, sản phẩm này đạt chuẩn trong nước nhưng không đủ chuẩn để vào thị trường Nhật Bản, qua vụ Nhật Bản yêu cầu thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chinsu hồi đầu tháng Tư vừa qua. Những điều đó càng khiến người tiêu dùng lo ngại, đặt nghi vấn rằng, phải chăng sản phẩm bán ở các thị trường khác nhau có sự chênh lệch về chất lượng?

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề trên, đại diện Tập đoàn Coca-Cola Đông Nam Á (Coca-Cola Southeast Asia, Inc.) khẳng định, sản phẩm do Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam sản xuất đều được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy trình nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định về chất lượng của Bộ Y tế cũng như các quy định có phần nghiêm ngặt hơn từ tập đoàn. Theo vị này, Coca-Cola hiện diện ở nhiều nước và hoạt động dưới hình thức nhượng quyền. Những nhà máy sản xuất sẽ là các đối tác đóng chai ở địa phương; dù vậy, họ đều phải tuân thủ theo quy trình chất lượng chuẩn của Coca-Cola toàn cầu. “Dòng chữ đó không thể hiện sự chênh lệch về chất lượng của các dòng sản phẩm mà chỉ đảm bảo sự công bằng về hoạt động kinh doanh cũng như phát triển thị trường của các đối tác” - vị này nói.

Co gi bi mat  trong 'San pham danh rieng cho thi truong Viet Nam'?
 

Đạt chuẩn của… hồi đó

Trong khi Coca-Cola dành riêng cho thị trường Việt Nam không được xuất khẩu thì thị trường trong nước vẫn tràn lan dòng hàng ngoại của sản phẩm này với mức giá cao hơn tới 5 - 6 lần. Tại một cửa hàng chuyên doanh hàng nhập khẩu trên đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), combo 8 chai Coca-Cola nhập khẩu từ Nhật Bản có giá 400.000 đồng, tính ra 50.000 đồng/chai. Coca-Cola Mỹ có giá 19.000 - 21.000 đồng/lon, tùy loại. Trong khi đó, Coca-Cola sản xuất tại Việt Nam có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/chai hoặc lon.

Người bán giải thích, Coca-Cola Nhật Bản có dạng chai và nắp vặn bằng nhôm nên rất mau lạnh, hương vị ngọt thanh, không ngọt nhiều như dòng hàng sản xuất tại Việt Nam và đặc biệt, nồng độ gas cực mạnh. Nếu trải nghiệm các sản phẩm này, người tiêu dùng cảm nhận rõ, cùng một thương hiệu nhưng sản phẩm dùng cho các thị trường khác nhau có chất lượng khác nhau chứ không “đồng nhất” như Coca-Cola phản hồi.

Co gi bi mat  trong 'San pham danh rieng cho thi truong Viet Nam'?
 

Theo bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam), tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm không thể giống nhau trên toàn cầu. Hàm lượng coca trong sản phẩm có thể giống nhau nhưng các chất phụ gia (hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản…) thì khác nhau. Đáng nói là các nước tiên tiến (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Úc, Nhật…) luôn sử dụng các chất phụ gia mới và tốt nhất dù có giá cao để hạn chế thấp nhất rủi ro cho người sử dụng. 

Trong khi VN quy định dùng nước sạch, với tiêu chuẩn độ pH của nước là 6,5-8,5 thì một số nhà sản xuất của Việt Nam dùng nguồn nước giếng khoan có độ pH từ 4,5-5,5 để sản xuất nước giải khát rồi dùng chất xút để nâng độ pH lên cho bằng độ pH của nước đạt tiêu chuẩn. Trong khi các nước tiên tiến từ lâu đã dùng phương pháp vật lý (phương pháp phân cực) để điều chỉnh độ pH.

“Bất kỳ thực phẩm nào khi lưu hành tại Việt Nam đều phải đáp ứng tiêu chuẩn của Luật Thực phẩm, nhưng nếu so sánh thì tiêu chuẩn đối với thực phẩm ở nước ngoài, đặc biệt là các nước tiên tiến cao hơn hẳn so với tiêu chuẩn thực phẩm tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhà sản xuất mới tự vệ bằng cách ghi dòng chữ “Dành riêng cho thị trường Việt Nam, không được xuất khẩu” trên sản phẩm tiêu thụ trong nước. Tiêu chuẩn các nước cao hơn nên Coca-Cola theo tiêu chuẩn Việt Nam không thể xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài được” - bác sĩ Ký phân tích. 

Thực tế, tiêu chuẩn của Việt Nam thường theo tiêu chuẩn Codex và tiêu chuẩn thế giới, nhưng điều đáng lưu ý là, tiêu chuẩn này cập nhật chậm 10 - 20 năm so với các nước. Trong khi các nước cập nhật mỗi 3 tháng/lần về tiêu chuẩn chất lượng và danh mục các chất mới nhất (phụ gia, hương liệu, phẩm màu, nguyên liệu…) có tính năng ưu việt, tốt cho sức khỏe hơn (thường chiết xuất từ thiên nhiên, hữu cơ) thì Việt Nam vẫn cho phép sử dụng các chất rẻ tiền, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho người dùng. 

Luật pháp Việt Nam còn nhiều kẽ hở nên nhiều nhà sản xuất tranh thủ lách luật bằng cách sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam để có giá thành rẻ, hưởng lợi nhuận cao nhất. Trong khi nhiều nước trên thế giới không cho sử dụng chúng, ví dụ Nhật Bản không cho dùng chất bảo quản a-xít benzoic nên tương ớt Chinsu đã bị thu hồi. A-xít benzoic gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày, chất này còn có thể phản ứng với vitamin C có trong thực phẩm sinh ra benzen - một chất có thể gây ung thư. Thay thế cho chất này, Nhật sử dụng chất bảo quản nisin có giá cao hơn gấp 20 lần. 

Cũng theo bác sĩ Ký, đối với nước giải khát, nguồn nước là một trong những nguyên liệu bắt buộc phải đảm bảo chất lượng. Trong khi VN quy định dùng nước sạch, với tiêu chuẩn độ pH của nước là 6,5-8,5 thì một số nhà sản xuất của Việt Nam dùng nguồn nước giếng khoan có độ pH từ 4,5-5,5 để sản xuất nước giải khát rồi dùng chất xút để nâng độ pH lên cho bằng độ pH của nước đạt tiêu chuẩn. Trong khi các nước tiên tiến từ lâu đã dùng phương pháp vật lý (phương pháp phân cực) để điều chỉnh độ pH; đáng lo là, không ít nhà sản xuất Việt Nam dùng xút công nghiệp (loại dùng để chế xà phòng) rẻ tiền hơn 100 lần so với xút dùng trong thực phẩm. Những sản phẩm kiểu như vậy không thể nào nhập khẩu vào các nước có yêu cầu cao về tiêu chuẩn thực phẩm.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI