Chơi 'mỹ nghệ' cũng lắm công phu

03/06/2017 - 07:00

PNO - Nếu muốn tìm những cặp sừng “khủng, độc” để trang trí, hoặc đơn giản là chỉ thích có một chiếc lược ngà hoa văn tự nhiên.

Nghề mỹ nghệ từ xương, sừng ở Hóc Môn

Nếu muốn tìm những cặp sừng “khủng, độc” để trang trí, hoặc đơn giản là chỉ thích có một chiếc lược ngà hoa văn tự nhiên, bạn không thể không thử tìm đến “lò” chế tác xương, sừng Tài Vinh (ấp Mới 2, xã Trung Chánh, H.Hóc Môn, TP.HCM). Từ những thứ tưởng như bỏ đi ấy, qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành những sản phẩm mỹ nghệ “ngàn đô”…

Choi 'my nghe' cung lam cong phu
Anh Vinh bên các sản phẩm của mình.

Tay trắng thành triệu phú

Cơ sở MN Tài Vinh là nơi  chế tác nhiều sản phẩm mỹ nghệ (SPMN) “không đụng hàng”, nên thường xuyên phải “chạy nước rút” cho kịp các đơn hàng từ nước ngoài.

Anh Đỗ Thế Vinh (chủ cơ sở) cho biết: “Đang là mùa cao điểm, đơn hàng khắp nơi đổ về nên mình phải tranh thủ làm ngày làm đêm. Tuy có thuê thêm nhân công nhưng tất cả các công đoạn quan trọng từ chế tác, tạo hình… mình đều phải tự tay thực hiện”.

15 năm trước, vợ chồng anh Vinh từ Bình Lục (Hà Nam) vào TP.HCM với hai bàn tay trắng, không một nghề lận lưng, vào phụ việc cho một xưởng ngà sừng ở Hóc Môn. Sau hai năm đổi công học nghề, anh chị ra riêng, thuê một mảnh đất nhỏ ở xã Trung Chánh vừa ở, vừa làm nghề.

Ban đầu chỉ là chế tác xương, sừng thành những SP đơn giản như lược, trâm cài đầu, bông tai… Làm xong hàng, vợ ôm mẹt ra chợ bán, chồng chạy “tiếp thị” SP khắp các cửa hàng lưu niệm. Không ngờ, hàng được khách rất chuộng, nhất là du khách nước ngoài. Dần dà, có mối đặt SP theo yêu cầu, những đại lý hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) ở chợ Bến Thành, An Đông cũng thành bạn hàng. Anh chị ăn nên làm ra, thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng/tháng. 

Không phải “lính mới” như vợ chồng anh Vinh, chị Đỗ Thị Kim Chung, người đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề nhớ lại, những năm 90, dù rất hoang mang khi thấy nhiều người bỏ nghề, nhưng chị và gia đình đã xác định tìm một hướng đi mới.

Ngày đó, sừng và móng chủ yếu chỉ làm lược chải đầu, trâm cài tóc nhưng chị mạnh dạn đầu tư sản xuất các mặt hàng MN Acrylic phục vụ nhu cầu làm đẹp như vòng đeo tay, bông tai, kẹp tóc…; làm cả các công cụ của nghề trang điểm như chụp máy sấy tóc đến hàng trang trí nội thất như chụp đèn, bảng quảng cáo…

Nhờ làm ăn có uy tín, chị ký được những hợp đồng dài hạn với các công ty MN lớn ở Thủ Đức, Bình Dương, tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Choi 'my nghe' cung lam cong phu

Anh Nguyễn Văn Tính (ấp Mới 2) cũng đã 18 năm trong nghề, tâm sự, để tìm được nguyên liệu vừa ý, anh phải “lùng” đến tận các lò ở Biên Hòa, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Chất liệu càng đẹp, SP càng có giá trị. Trung bình một bộ sừng thành phẩm tùy kích cỡ, có giá từ 20-100 triệu đồng.

Là người chuyên cung cấp hàng sừng, móng đã qua sơ chế để các hộ gia đình chế tác, anh nhẩm tính: “Tiền lời phần bán nguyên liệu khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, tiền bán thành phẩm khoảng 4-5 triệu/tháng; tổng cộng thu nhập khoảng chục triệu/tháng là không khó đối với những người làm nghề chế tác ngà sừng”.

Ông Võ Văn Hai (xã Tân Quý Tây) theo nghề đã vài chục năm, không SP nào là không làm được, tâm sự, tuổi nghề càng cao thì người thợ càng khéo léo và giàu sáng tạo. Tuổi nghề cũng giúp người thợ dễ dàng phân biệt chất liệu chế tác nên SP.

Ví dụ, sừng trâu trắng có giá trị hơn sừng trâu đen; SP từ sừng có giá trị hơn từ móng… vì qua bàn tay khéo léo của người thợ, khách hàng nhìn SP không thể biết cái nào là làm từ sừng, cái nào là từ móng.

“Nghề này đòi hỏi sự khéo léo, tính kiên trì, tỉ mỉ. Nhờ nó mà tôi nuôi được hai con gái vào đại học. Giờ già rồi, tôi làm nghề chỉ vì đam mê và muốn truyền nghề cho lớp trẻ” - ông nói.

Choi 'my nghe' cung lam cong phu
Để có những tác phẩm đẹp, người thợ phải chấp nhận sống chung với bụi bặm.

Ước mơ thương hiệu

Theo lời các anh chị, nghề này tuy mang tiếng là nghề “ngàn đô” nhưng thật ra không “dễ ăn” chút nào. Sừng, móng tươi thu mua về phải phơi khoảng một tuần cho khô. Sau đó luộc trong dầu sôi cho mềm, rồi dùng máy ép thủy lực, cán thành những miếng sừng mỏng.

Ngày trước, khi chưa có máy ép, người thợ phải dùng vồ gỗ nặng vài chục ký đập cho phẳng, tốn rất nhiều công sức. Để làm ra một mặt hàng, phải qua ít nhất 30 công đoạn, từ cắt, luộc, ép, đến thành khuôn, chà nhám, điêu khắc, đánh bóng…

Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tinh mắt, chỉ một sơ suất nhỏ là bị lỗi phải bỏ đi. Công đoạn luộc, ép sừng còn rất độc hại, thợ phải ngồi bên nồi dầu sôi, chịu đựng cái nóng rát mặt và mùi dầu, mùi xương hôi thối nồng nặc để canh sao cho SP đúng độ mềm cần thiết.

Khi mài giũa, chế tác thì phải lãnh đủ bụi trắng bám đầy mặt mũi, tóc tai, bay tung tóe khắp nhà. Vì vậy, vì nghề, vì thu nhập tương đối khá, người làm nghề đành chấp nhận.

Choi 'my nghe' cung lam cong phu

Cho dù nhiều người thợ ở Hóc Môn đã thành triệu phú bằng nghề chế tác xương, sừng, nhưng ước mơ có được một thương hiệu chính thức của họ vẫn chưa thể thành hiện thực.

Vào nghề từ những năm 90, anh Nguyễn Hùng Quang - chủ cơ sở Hùng Quang khoe, đang có mối tại nhiều chợ trong thành phố và đã ký gửi được hàng ở nhiều điểm bán đồ lưu niệm cho du khách. Khách du lịch đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… rất chuộng tượng rồng, phượng, đại bàng được chế tác thủ công.

Choi 'my nghe' cung lam cong phu

Thời đại công nghệ, anh còn có thêm kênh bán hàng online trên facebook. Nghe nơi nào có triển lãm hàng gốm sứ, đồ TCMN là anh đều tìm đến để giới thiệu SP của xưởng mình. 

Tuy SP của anh đã có mặt ở nhiều nước nhưng theo anh thì chưa bao giờ được chính danh. Lý do, hàng phải qua các công ty trung gian hoặc gửi cho các công ty sản xuất đồ gỗ lớn để họ kèm vào hàng gỗ xuất đi. 

“Sản phẩm do chính mình làm ra nhưng xuất khẩu qua trung gian nên không giữ được thương hiệu mà phải mang tên công ty khác. Từ xưa, người làm nghề này thường làm theo kiểu nghệ sĩ, “nửa nghề nửa chơi”, làm xong cái nào thì chờ thương lái đến thu mua, chỉ chú tâm làm cho đẹp chứ không đặt nặng chuyện lời lãi. Cuộc sống tạm đủ nuôi gia đình, giữ được niềm vui với nghề là họ đã thấy hạnh phúc. Nếu muốn phát triển hơn thì phải vừa biết làm đẹp vừa biết bán tốt” - anh Quang bày tỏ.

Choi 'my nghe' cung lam cong phu

Ông Trần Trường Sơn - Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM nhận định: “Để bảo tồn và phát triển làng nghề, phải biết cách tiếp thị SP và gắn làng nghề với phát triển du lịch sinh thái. Dù SPMN từ xương, sừng, móng đã có mặt ở nhiều nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Anh, Mỹ... nhưng phần lớn là qua trung gian. SP lại chưa xây dựng được thương hiệu làng nghề, người làm nghề thì cũng không mặn mà với việc liên kết, hợp tác để cùng phát triển nghề, nên còn rất khó khăn”.

Phúc Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI