Chợ sạch sẽ, văn minh - được không?

27/05/2015 - 14:28

PNO - PN - Xưa nay, nhiều người vẫn mặc định suy nghĩ đã là “chợ búa” thì phải chịu cảnh mất trật tự và thiếu văn minh. Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi các tiểu thương phải thay đổi ý thức và chung tay lập lại trật tự, ứng xử...

edf40wrjww2tblPage:Content

10g sáng 26/5, dòng người ở chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3, TP.HCM) như khựng lại bởi loa phóng thanh: “Kính mời chị Thoa bán rau, chị Minh bán vải, chị Lành bán quần áo, chị Thi bán thịt… về trụ sở ban quản lý chợ dự chương trình nói chuyện chuyên đề”. 60 tiểu thương (hội viên Hội LHPN) được mời đã tề tựu đông đủ để dự chương trình “Phụ nữ và môi trường - Xây dựng tuyến đường Lê Văn Sỹ và chợ Nguyễn Văn Trỗi sạch đẹp, không rác”. Chương trình do Hội LHPN TP.HCM phối hợp Sở Giao thông vận tải tổ chức.

 Cho sach se, van minh  - duoc khong?

Bà Lê Thị Lệ (Trưởng ban Quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi) vận động tiểu thương bảo vệ môi trường

Xóa quan niệm “chợ búa”

Xưa nay, nhiều người vẫn mặc định suy nghĩ đã là “chợ búa” thì phải chịu cảnh mất trật tự và thiếu văn minh. Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi các tiểu thương phải thay đổi ý thức và chung tay lập lại trật tự, ứng xử văn minh, bảo vệ môi trường. Bà Lê Thị Lệ - Trưởng ban Quản lý (BQL) chợ Nguyễn Văn Trỗi nhận định: “Thực sự khó đòi hỏi tất cả các tiểu thương nhận thức cao về việc tạo nếp sinh hoạt văn minh trong chợ, đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường. Thú thật, ở góc độ quản lý, chúng tôi cũng bở hơi tai với công tác bảo vệ môi trường trong khu chợ có đến 551 hộ kinh doanh trong nhà lồng và hơn 200 hộ kinh doanh vãng lai này”.

Theo lời bà Lệ, trước đây, nhiều tiểu thương không chuyển rác ra bãi tập kết đúng thời điểm quy định. Vậy là BQL phải thuê thêm một đội thu rác dân lập để gom rác mỗi ngày, tốn thêm ba triệu đồng/tháng.

Cũng có một số tiểu thương lén vứt bừa rác ra đường với suy nghĩ “thể nào cũng có người đi gom”. Có hộ kinh doanh rau xả nước kèm theo lá rau, gốc rau ra đường, rửa gốc rau khiến cát gây ngập cống, xả dầu ăn xuống cống mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Vẫn còn một số hộ bán cá thu dọn không gọn gàng, gây mùi khó chịu. Trong khi chờ tiểu thương “chuyển mình”, BQL chợ đã chủ động thuê một nhân công lau chùi, quét dọn sạp, lối đi… để trả lại không gian thoáng sạch cho chợ.

Bà Lệ cho biết, phần đông tiểu thương đã có ý thức hơn trong việc giữ sạch sẽ cho không gian bán hàng và không gian chung, nhưng cũng có một số trường hợp thiếu ý thức và chây ỳ, BQL phải kết hợp với UBND phường xử phạt.

“Thiệt đi đâu mà ngại…”

Chủ trì cuộc trò chuyện chuyên đề, thạc sĩ Đỗ Hoàng Oanh (Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM) chia sẻ: “Ở nhà thì hầu như ai cũng giữ vệ sinh để đảm bảo sức khỏe, vậy tại sao không giữ cho sạp hàng, cho ngôi chợ của mình thật sạch? Trong một chuyến công tác ở nước ngoài, tôi thấy ông cụ bán hạt dẻ dạo đã nhặt một vỏ hạt dẻ rơi vãi dưới đường cho vào túi. Tôi hỏi: “ở đây họ kiểm tra nghiêm ngặt vậy sao cụ?”. Ông trả lời: “Không, tôi phải giữ sạch sẽ chỗ tôi bán thì mới có đông người đến mua”. Trong chợ cũng vậy, lối đi sạch, thoáng; gian hàng tươm tất thì khách càng ghé đông hơn. Các anh chị có ý thức bảo vệ môi trường, trước hết là được lợi cho mình, không thiệt đi đâu mà ngại”.

Bán cá ở chợ Nguyễn Văn Trỗi đã hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Huệ nói: “Bây giờ tiểu thương tiến bộ hơn xưa. Bản thân tôi cũng phải thay đổi, làm cá thì bỏ đầu và ruột gọn gàng vào túi, nước rửa cá được cho xuống cống nhưng dội thêm nước sạch để tránh mùi tanh. Những người đi chợ đều thích tìm đến những gian hàng sạch sẽ”.

Cầm tờ bướm tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bà Trương Ngọc Yến, có thâm niên bán đồ khô bảo với người bên cạnh: “Vi phạm an toàn môi trường bị phạt từ năm đến mười triệu đồng. Không đi dự chương trình này, chắc không bao giờ biết là bị phạt nặng như vậy”.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN TP.HCM bộc bạch, bà vốn rất thích đi chợ truyền thống, nhưng trong không khí nóng bức những ngày hè như những ngày qua, nếu chợ để xảy ra cảnh nhếch nhác, dơ bẩn thì hầu như ai cũng ngại vào.

Bà Hoa chia sẻ: “Tôi được biết, lượng khách đến chợ Nguyễn Văn Trỗi giảm mạnh trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân quan trọng là môi trường chợ không được gìn giữ. Hy vọng, những hoạt động tuyên truyền như chương trình Phụ nữ và môi trường sẽ góp phần tích cực để thúc đẩy nhận thức của các tiểu thương trong việc bảo vệ môi trường và thiết lập lại cảnh quan sạch đẹp, văn minh cho ngôi chợ, kéo khách hàng đến đông trở lại”.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI