Chiêu lừa mới: Giả nhân viên ngân hàng thu hồi nợ

23/10/2018 - 10:00

PNO - Gần đây, xuất hiện tình trạng bọn tội phạm giả nhân viên ngân hàng đến thu hồi nợ khách hàng rồi chiếm đoạt tiền.

Ngày 20/10, một số ngân hàng thương mại ra thông báo về các thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm. Theo đó, bọn tội phạm giả nhân viên ngân hàng đến thu hồi nợ rồi tìm cách khai thác thông tin; giả danh cán bộ, nhân viên ngân hàng để gửi thông báo thu hồi nợ tới khách hàng.

Chieu lua moi: Gia nhan vien ngan hang thu hoi no
Gần đây rộ lên việc mạo danh nhân viên ngân hàng đi thu hồi nợ

Mạo danh đi thu nợ

Trước đây, tội phạm chỉ giả mạo nhân viên mạng viễn thông đến thu nợ cước, nay giả mạo cả nhân viên ngân hàng. Đáng chú ý là, tội phạm biết rất rõ thông tin về nạn nhân như: gia đình gồm những ai, trong khoảng thời gian nào đó nạn nhân đang làm gì, đang nợ ngân hàng nào, số tiền cần phải thanh toán hằng tháng là bao nhiêu… Do không ngờ nổi, đã có người sập bẫy, mất tiền.

Theo phản ánh của chị N.T.H.L. (ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM), mẹ chị vừa bị lừa mất 7 triệu đồng vì bọn tội phạm đã mạo danh ngân hàng đến đòi nợ chị L. Ngày 19/10 vừa qua, khi mẹ chị L. ở nhà một mình thì có một người nữ đến kêu cửa, bảo là tới thu tiền nợ ngân hàng tháng 9, số tiền là 3,5 triệu đồng; nếu không đóng, sẽ bị đưa ra tòa vì trả nợ trễ hơn một tháng.

Do ở quê mới lên chơi cùng con gái, biết con gái đang vay tiền ngân hàng mua nhà và đóng nợ hằng tháng; thấy “cô nhân viên ngân hàng” ăn mặc lịch sự, có đeo thẻ nên mẹ chị L. cho cô này vào nhà, gọi điện cho con gái, báo có nhân viên ngân hàng đến thu tiền. Tuy ngạc nhiên, chị L. nghĩ chắc ngân hàng đổi phương thức thu nợ nên kêu mẹ mình đóng. Thấy mẹ chị L. cầm nhiều tiền, “cô nhân viên ngân hàng” nói: “3,5 triệu đồng là tiền nợ tháng 9. Ngày chị L. phải thanh toán kỳ nợ tiếp theo là 20/10. Do 20/10 là thứ bảy, ngân hàng không làm việc, nên sẵn đây thanh toán thêm 3,5 triệu đồng luôn cũng được”.

Nghe hợp lý, mẹ chị L. lấy thêm 3,5 triệu đồng nữa giao cho nữ nhân viên trên. Mẹ chị L. cũng nhận được hóa đơn có logo, đóng dấu đàng hoàng. Sau khi nhận được tiền, nữ nhân viên này còn đòi xem thông tin về thẻ ngân hàng, tín dụng của chị L. xem đã hết hạn hay chưa. Tuy nhiên, do các thẻ này không cất ở nhà, mẹ chị L. nói sẽ gọi con gái để hỏi thì nữ nhân viên này cho biết không cần nữa và lập tức ra về.

Thế nhưng, sáng hôm sau, chị L. vẫn nhận thông báo chưa thanh toán nợ từ ngân hàng. Chị gọi lên tổng đài của ngân hàng để kiểm tra mới biết ngân hàng không hề cho nhân viên đến thu nợ tại nhà. 

Trước TPBank, ngân hàng Techcombank cũng phát thông báo về việc kẻ gian chiếm đoạt thông tin khách hàng bằng cách giả mạo nội dung thư điện tử, giả danh cán bộ, nhân viên của Techcombank để gửi thông báo nợ. Thực tế, những địa chỉ email này đều không có thật và kẻ lừa đảo đương nhiên không phải cán bộ hay nhân viên nào của Techcombank. Trong các email là đường dẫn đến file chứa mã độc để tấn công máy tính của khách hàng, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ tín dụng, tên truy cập/mật khẩu của hệ thống internet banking, Gmail hay Facebook.

Ngân hàng TPBank cũng cảnh báo một số chiêu chức lừa đảo mới như: giả mạo Facebook để mượn tiền; mời chào các dịch vụ vay tiền lãi suất cực thấp để dụ dỗ khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ, mật khẩu dùng một lần (mã kích hoạt etoken, mã OTP); đề nghị chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra; gửi thông báo trúng thưởng hoặc gửi quà từ nước ngoài về và nhờ hỗ trợ chi phí chuyển phát/thông quan cho các quà tặng/kết quả trúng thưởng…

Chỉ thu nợ khách thiếu hợp tác

Theo các chuyên gia, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp, khách hàng không nên ỷ lại mà cần tự trang bị các kiến thức cần thiết và có ý thức bảo vệ tài khoản, thông tin cá nhân cũng như cảnh giác trước các giao dịch bất thường.

Theo nguyên tắc ở TPBank, khi đến kỳ hạn thanh toán nợ, ngân hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo cho khách hàng. Nếu quá ngày thanh toán, ngân hàng sẽ liên hệ qua điện thoại. Chỉ khi không thể liên lạc được nhiều lần, ngân hàng mới tính đến chuyện liên lạc với người thân của khách hàng và chỉ khi nhiều lần không thể liên hệ với khách hàng lẫn người thân hoặc phát hiện có dấu hiệu thiếu hợp tác trong việc trả nợ thì ngân hàng mới thực hiện thu hồi nợ tại nhà.

“Nếu bỗng dưng có nhân viên ngân hàng đến nhà thu hồi nợ, khách hàng nên liên lạc ngay với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra thông tin trước khi thực hiện chi trả. Khách hàng nên bình tĩnh trước những lời hăm dọa của các đối tượng này để tránh lộ thông tin cá nhân, tài khoản” - đại diện ngân hàng TPBank cho biết thêm.

Khi giả mạo là nhân viên ngân hàng đi đòi nợ, các đối tượng sẽ có thể tùy tình hình để tấn công gia chủ. Như trường hợp mẹ chị L. ở trên, ban đầu đối tượng chỉ định chiếm đoạt 3,5 triệu đồng, nhưng thấy mẹ chị L. dễ tin người nên đã nâng số tiền chiếm đoạt lên. Sẽ rất nguy hiểm nếu người bị hại ký khống vào những loại giấy tờ thiếu nội dung hoặc các loại giấy ủy quyền chưa ghi rõ thông tin.

Khách hàng được khuyến cáo không tiết lộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tài khoản internet banking, mã OTP cho bất kỳ ai; kiểm tra các thông tin sau giao dịch gửi tiết kiệm: mã QR, gọi cho tổng đài, kiểm tra tại quầy; không nên mở những email, file đính kèm lạ và không vào những đường link chưa xác định… để tránh rủi ro. 

Hoa Lài

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI