Chậu hoa kiểng miền Tây vào mùa Tết

08/11/2017 - 10:00

PNO - Mới cuối tháng 9 âm lịch nhưng hiện rất nhiều hộ dân tại các tỉnh miền Tây đang tất bật cho “ra lò” hàng trăm ngàn chậu hoa kiểng bằng xi măng cung ứng cho đại lý khắp khu vực ĐBSCL khi mùa tết Nguyên đán cận kề.

Bà Lê Thị Tuyết, chủ một cửa hàng kinh doanh chậu hoa kiểng tại TP.HCM cho biết: “Tết nguyên đán nhu cầu của người mua tăng mạnh, đặc biệt là chậu chơi cây cảnh bon sai; vì vậy tôi đến Vĩnh Long đặt hàng trước để không bị đọng, giá cả lại rẽ hơn lúc cận Tết. Chậu hoa kiểng xi măng ở đây làm rất chắc chắc, mẫu mã đẹp, giá cả lại phải chăng nên các đại lý rất ưa chuộng”.

Chau hoa kieng mien Tay vao mua Tet

Các cơ sở sản xuất chậu hoa kiểng tại miền Tây tất bật chuẩn bị cho vụ mùa tết Nguyên đán.

Bà Tuyết nói thêm, theo hợp đồng với các cơ sở, khách phải tạm ứng 50% tiền của giá trị lô hàng cho người làm, khi nhận hết sản phẩm sẽ thanh toán hết phần còn lại.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Thái Văn Tám, ngụ xã huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, người đã có 30 năm làm nghề sản xuất chậu xi măng cho biết: “Nếu làm chậu trồng mai hay hoa kiểng khác thì đơn giản lắm nhưng làm chậu bon sai phải tính toán kích thước rất chi li, đúng với độ to nhỏ; rộng, hẹp; nông, sâu khác nhau, phù hợp với cỡ cây”.

Hiện tại, mỗi ngày cở sở của anh Tám bán được từ 30 - 40 chậu các loại, chủ yếu là chậu xi măng thông dụng. Giá bán hiện nay 130.000 đồng/ chậu có đường kính 60cm có luôn phần đế bên dưới; 180.000 đồng đối với loại 70cm; 240.000 với chậu 80cm và 900.000 đồng cho loại chậu có đường kính 1,2m… Nếu người mua không lấy phần đế sẽ được trừ lại từ 20 - 25% giá trị chậu, tùy loại.

Chau hoa kieng mien Tay vao mua Tet
Những chậu kiểng bon sai được làm công phu, tỉ mỉ hơn các loại chậu hoa kiểng thông thường.

Cạnh đó, một số cơ sở lại tập trung làm chậu bon sai với nhiều kiểu dáng độc, lạ, giá cả theo đó cũng cao hơn các chậu bình thường từ 10 - 20%.

Ông Trương Văn Tuấn, chủ cơ sở làm chậu kiểng bon sai Tuấn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) kể: “Năm nay thương lái đến đặt hàng sớm và nhiều hơn các năm trước. Nếu cây to cao, chậu phải có bề mặt rộng, đáy hơi sâu. Cây có rễ nhiều thì chậu phải có đáy sâu, còn nếu cây có tán lá rộng, đường kính mặt chậu phải bằng hoặc rộng hơn đường kính của tán lá. Cây thuộc dạng lùn, dù phần gốc có to cũng nên trồng vào loại chậu trẹt…”.

Mỗi cơ sở sản xuất chậu kiểng thường có từ 4 đến 5 lao động để đảm bảo các công đoạn giả đất, trộn xi măng, quây chậu, phơi nắng, bắt chỉ, tạo hoa văn, sơn chậu… Hiện nay, bình quân mỗi lao động có thu nhập xấp xỉ 150.000 - 170.000 đồng/ người/ngày tùy theo tay nghề.

Chau hoa kieng mien Tay vao mua Tet
Nghề làm chậu kiểng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân khu vực miền Tây.

Anh Lê Văn Nhàn, một công nhân làm nghề này cho biết: “Với mức hưởng như hiện nay, hai vợ chồng tôi cùng làm nghề này sống rất ổn định, không phải cực nhọc nhiều lắm, chủ yếu là sức bền và sự khéo léo, kinh nghiệm tích lũy. Công việc bắt đầu vào mùa cao điểm trong năm là từ tháng 8 âm lịch”.

Bên cạnh những chậu hoa kiểng được làm bằng xi măng, một số cơ sở đã bày bán những loại chậu làm bằng đất sét nung với giá thấp. Giá bán hiện nay dao động từ 25.000 - 60.000 đồng/chậu, tùy cỡ. Tuy nhiên sản phẩm này chỉ phục vụ chủ yếu cho nhà vườn và thương lái bán vào dịp tết sau đó thường bỏ đi do độ bền không cao.

Thanh Liêm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI