Cảnh báo chuyện làm giả giấy tờ để thông quan

27/10/2018 - 06:29

PNO - Các chuyên gia kinh tế, trọng tài viên cảnh báo doanh nghiệp (DN) phải nắm rõ các hồ sơ, chứng từ nhập khẩu; hợp đồng thương mại; hợp đồng vận đơn để tránh các rủi ro, tranh chấp khi làm việc với nước ngoài.

Ký “chữ ký sống” giả

Luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC cho biết, gần đây ông có nhận tư vấn cho rất nhiều tranh chấp của các DN có liên quan đến xuất nhập khẩu. Theo đó, trong quá trình giải quyết tranh chấp đã phát sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến hồ sơ chứng từ xuất nhập khẩu.

Trong thời gian qua, dịch vụ logistic phát triển như “vũ bão”, mặc dù có lợi cho DN trong vận chuyển hàng hóa; tuy nhiên, luật sư Kính cho biết có DN nhập khẩu một loại hàng hóa đặc biệt và trong một thời gian dài DN này đã ủy quyền các hoạt động xuất nhập khẩu cho đơn vị logistic làm từ A - Z, từ kê khai hàng hóa, làm thủ tục hải quan, đóng thuế, nhập khẩu và đăng kiểm cho hàng hóa,… 

Đến khi cơ quan điều tra vào kiểm tra thì phát hiện trong suốt từ năm 2000 đến nay, toàn bộ các bộ chứng từ để nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều là giả mạo.

Canh bao chuyen lam gia giay to de thong quan
Doanh nghiệp cần lưu ý đối chiều các hồ sơ, chứng từ khi thông quan hàng hóa, tranh tình trạng "chữ ký sống" giả.

"Họ làm bộ chứng từ nhập khẩu giả không phải để trốn thuế mà làm giả để thông quan. Bây giờ hầu như dùng chữ ký số trên các hợp đồng thương mại, trong khi hải quan không theo kịp công nghệ 4.0, lại đòi có “chữ ký sống” trên hồ sơ chứng từ. Nếu có “chữ ký sống” mới cho thông quan. Như vậy, đơn vị nhập khẩu sẽ “lách” bằng cách thuế vẫn đóng đầy đủ nhưng trong các bộ chứng từ phải làm giả “chữ ký sống” của các nhà xuất khẩu nước ngoài.

Khi cơ quan điều tra mời đơn vị xuất khẩu đến làm việc thì họ cho biết không phải là chữ ký của họ vì hiện làm việc trên quy mô toàn cầu, chỉ dùng chữ ký điện tử. Ở nước ngoài hiện nay hầu như không dùng “chữ ký sống” nữa.

Thế nhưng, đáng tiếc là trước thực tế này, nhiều đơn vị nhập khẩu khi làm việc với hải quan lại không nói rõ, mà giả “chữ ký sống” để thông quan cho nhanh.

Cuối cùng, một công ty rất lớn của nước ngoài nhưng sau một đêm, qua kiểm tra phát hiện giấy tờ giả mạo chữ ký, đã sụp đổ hoàn toàn. Toàn bộ quyền phân phối trước đây đã được đối tác  nước ngoài chuyển sang một công ty khác" luật sư Kính nói.

“Tình trạng làm giả giấy tờ xuất nhập khẩu hiện nay rất phổ biến. Đây là thực tế mà DN cần cẩn trọng, “chọn mặt gửi vàng” những đơn vị đối tác logistic, làm hồ sơ giấy tờ xuất nhập khẩu để tránh các rủi ro, lừa đảo. DN không thể ra trước cơ quan thuế nói DN hoàn toàn không trốn thuế, mà chỉ làm giả giấy tờ để thông quan.

DN không nên “giao trứng cho ác” hoặc khi giao cho ai, DN phải biết rõ đơn vị đó như thế nào. Đừng để xảy ra tình trạng DN phải trả tiền cho đơn vị thứ ba làm hồ sơ giấy tờ xuất nhập khẩu, cuối cùng DN vừa trở thành “nạn nhân” bị lừa dối, vừa bị mất niềm tin ở đối tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu”, luật sư Kính khuyến nghị.

Rủi ro đến từ… sự tin tưởng

Liên quan đến hợp đồng thương mại, hiện nay cũng xảy ra nhiều tranh chấp. Theo luật sư Kính, phần lớn DN có thói quen làm việc dựa trên sự tin tưởng nhau. Khi khai báo, hải quan sẽ xem và đối chiếu các chứng từ xuất nhập khẩu phải phù hợp với hợp đồng thương mại. Trong khi, nhiều hợp đồng thương mại quá sơ sài, không phù hợp với chứng từ nhập khẩu. Lúc này, hải quan sẽ đặt vấn đề hồ sơ chứng từ DN làm sau khi nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam.

Bên cạnh đó, phần lớn DN không xem kỹ nội dung, điều kiện trong các hợp đồng vận đơn (vận tải, thuê tàu). Khi có tranh chấp ra tòa, nhiều DN lại lúng túng, viện lý do “nội dung dài quá, chữ nhỏ quá nên không đọc hết”. Đến khi tranh chấp, để dẫn chiếu đến những điều khoản vận tải thì DN không biết ở đâu. Do vậy, DN cần đọc kỹ các điều kiện quy định trong hợp đồng.

Một điểm cần lưu ý, DN khi xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ tính pháp nhân của ngân hàng ở nước ngoài, vì ở nước ngoài việc thành lập ngân hàng rất dễ dàng. Đã từng có trường hợp DN xuất khẩu hàng sang nước ngoài, chuyển tiền trước, nhưng sau có vấn đề xảy ra thì không tìm ra ngân hàng, vậy là DN bị mất 900.000 USD.

Canh bao chuyen lam gia giay to de thong quan
Rủi ro, tranh chấp thường đến từ đối tác và cả doanh nghiệp, cần có trọng tài viên giải quyết

Theo TS. Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc trường Đại học Ngoại thương, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), có hai nhóm rủi ro chính đến từ đối tác kinh doanh và từ chính DN.

Với các rủi ro đến từ đối tác có thể là DN gặp phải đối tác không có uy tín, thiện chí kinh doanh hoặc chiến lược kinh doanh của họ thay đổi và không tránh khỏi có những DN có ý định lừa đảo ngay từ ban đầu.

Trong giải quyết các tranh chấp tại VIAC, có đến 50% các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực hàng hóa (có 60% liên quan đến tranh chấp xuất nhập khẩu hàng hóa), còn lại là các tranh chấp ở lĩnh vực xây dựng, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm,…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, rủi ro trong tranh chấp thương mại “số” về kiến thức sử dụng blockchain, các phần mềm mã hóa thông tin DN còn hạn chế, luật chưa điều chỉnh dẫn đến rủi ro pháp lý cao, dễ gây thiệt hại lớn cho DN.

Rủi ro về phía DN có thể vì văn hóa DN Việt Nam thường trọng tình, không tìm hiểu kỹ đối tác trong kinh doanh, hoặc có những hợp đồng DN thấy thuận lợi nên chớp thời cơ để kinh doanh. Mà DN không biết rằng đằng sau sự thuận lợi, sau những bộ chứng từ hoàn hảo là tiềm ẩn sự lừa đảo.

Trong khi, hạn chế của DN xuất nhập khẩu Việt Nam thường chưa nhiều kinh nghiệm do chuyển đổi DN, ngành hàng; thiếu chuyên môn, nghiệp vụ;….

Để tránh những rủi ro, DN nên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để tìm hiểu, đảm bảo DN có kiến thức vững vàng tron các giao dịch quốc tế. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng để giảm tính phụ thuộc vào một số đối tác.

Khi nổ lực tự thân của DN chưa hiệu quả, DN có thể sử dụng các dịch vụ chuyên môn bên ngoài để họ tư vấn, hỗ trợ DN tìm hiểu tốt hơn những cách thức để hạn chế các rủi ro.

TS. Minh cho biết, giải quyết các tranh chấp ở trọng tài dù mức phí cao hơn án phí khi giải quyết tại tòa, song ưu điểm khi giải quyết tranh chấp qua trọng tài nhanh gọn, bảo mật hay vắng mặt một bên không có lý do thì trọng tài vẫn giải quyết, còn ở tòa án sẽ hoãn lại.

Đặc biệt, khi giải quyết tranh chấp qua trọng tài, DN có thể thỏa thuận các tiêu chí về luật áp dụng, ngôn ngữ xét xử, địa điểm xét xử, nguồn lực xét xử,… trong trường hợp các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Phán quyết trọng tài của VN cũng được thực thi ở nước ngoài bình thường. Vì vậy, DN có thể đưa ra một cơ chế mở, giải quyết tranh chấp phát sinh tại tòa án hoặc thông qua trung tâm trọng tài để trong những tình huống cụ thể, DN lựa chọn phương thức giải quyết cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi DN.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI