Cần gắn mã nhận diện cá tầm

10/07/2013 - 21:12

PNO - PN - Trước tình trạng cá tầm nhập lậu thao túng thị trường, lập lờ “đánh lận con đen”, một số doanh nghiệp nội địa đã phải cung cấp phương tiện truy xuất nguồn gốc trực tiếp tới tay người tiêu dùng (NTD) để bảo vệ...

Cũng giống nhiều mặt hàng khác, cá tầm Trung Quốc (TQ) nhập lậu vào Việt Nam chiếm thị phần lớn bởi giá của mặt hàng này hết sức “bình dân”, thậm chí rẻ bằng một nửa so với giá thị trường.Cá tầm TQ hầu hết là cá tầm lai được nuôi trong môi trường nước ngọt bởi giống này sống dai và phát triển mạnh. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam, ngay cả cá tầm lai cũng phải mất ít nhất từ 12 - 18 tháng mới có thể “xuất chuồng” thì cá tầm TQ lại chỉ cần từ 3 - 6 tháng. Với khả năng nuôi “siêu tốc” này, ông Lê Anh Đức, Chủ tịch tập đoàn cá tầm Việt Nam và nhiều chuyên gia cá tầm tại Việt Nam khẳng định, không thể thiếu sự tác động của các chất hóa học mà cụ thể là thuốc kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, cá tầm TQ sử dụng chất tăng trưởng nào, có tồn dư kháng sinh hay không, theo ông Trần Văn Hào - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam, cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc.

Can gan ma nhan dien ca tam

Thị trường miền Bắc hiện được xem là “thủ phủ” của cá tầm nhập lậu. Bác bỏ con số ước tính từ 500 - 600 tấn cá tầm nhập lậu vào Việt Nam hàng năm, ông Lê Anh Đức tiết lộ: “Con số này phải nhiều gấp tám lần bởi hiện nay mỗi ngày lượng cá lậu “bay” vào TP.HCM lên tới năm-sáu tấn”. Trong khi theo thống kê của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh, lượng cá tầm đang được nuôi ở các doanh nghiệp phía Bắc (chủ yếu ở Lào Cai, Lai Châu) chỉ đạt khoảng 30 tấn/năm. Thực tế, nhiều trang trại nuôi cá tầm được thành lập chỉ với mục đích để “rửa cá”. Ông Nguyễn Trọng Cử - Giám đốc Công ty TNHH thương mại đầu tư Việt Đức, thành viên của Hiệp hội bức xúc: “Có trang trại mỗi ngày xuất ra cả tấn hàng, nhưng ao nuôi chỉ có diện tích khoảng… 40m2. Có nơi, nhiệt độ nước ao lên tới gần 400C, cá tầm không thể sống được mà vẫn có hàng để bán”. Trước mật độ “phủ dày” của cá tầm TQ ở miền Bắc, nhiều doanh nghiệp cá tầm lớn tại Lâm Đồng, Bình Thuận… đều lắc đầu khi tính chuyện mở rộng địa bàn kinh doanh. Lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực cá tầm lý giải: “Nếu chúng tôi đưa sản phẩm của mình ra miền Bắc thì sẽ mau chóng bị trà trộn với hàng lậu. Người tiêu dùng không phân biệt được sẽ quay lưng lại với thương hiệu mà chúng tôi phải mất nhiều công sức để gây dựng”.

Thừa nhận không thể giành lại thị trường trong một sớm, một chiều, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tính tới biện pháp trước mắt là cung cấp phương tiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng (NTD). Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đã tạo logo riêng và chứng nhận tới từng cửa hàng nhập sản phẩm từ các đơn vị thành viên. Từ ngày 1/6, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam còn áp dụng công nghệ gắn code truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm cá tầm nguyên con. Theo đó, khi mua bất cứ con cá tầm nào hoặc lát cá tầm bán tại siêu thị, NTD sẽ nhận được một mã hàng và có thể truy cập qua internet hoặc tin nhắn. Những mã này không hề lặp lại và tự hủy sau mỗi lần truy cập. Với phương thức này, NTD không chỉ khẳng định được nguồn gốc sản phẩm và nhận được thông tin về giống cá, ngày xuất…

Thu Huyền

Việc phân biệt cá tầm Việt Nam và cá tầm Trung Quốc được người tiêu dùng hết sức quan tâm, song nhiều chuyên gia khẳng định, khó có thể tìm thấy sự khác biệt giữa hai sản phẩm này nếu cùng là giống cá tầm lai. Tuy nhiên, cá tầm lai của Trung Quốc và cá tầm Nga của Việt Nam lại có hình dạng khác nhau. Cá tầm Nga có màu vàng bóng đặc trưng ở bụng dưới, mũi dài, nhưng hình tròn tù. Mình cá có nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và hai bên hông. Cá tầm Trung Quốc mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Nga. Mũi cá tầm Trung Quốc nhọn và bụng có màu đen, xám nhạt hoặc trắng.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI