Cần có chiến lược lâu dài để không phải hô hào 'giải cứu'

06/05/2017 - 11:00

PNO - Các cơ quan, hiệp hội chăn nuôi, nhà phân phối đang cùng tham gia “giải cứu” thịt heo bằng cách tăng thu mua, giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người chăn nuôi.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết phần ngọn. Bên cạnh đó, các chuyên gia cảnh báo, việc thu hẹp quy mô sản xuất khi giá heo hơi chạm đáy sẽ dẫn đến khan hiếm heo nái, kéo theo cơn sốt giá heo con trong thời gian tới. 

Tăng trữ đông thịt heo có khả thi?

Mới đây, tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối, chợ đầu mối tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - đề nghị các đơn vị cần xem xét việc ngừng nhập khẩu thịt theo, tăng cường sử dụng nguồn thịt heo trong nước để hỗ trợ nông dân.

Cụ thể, bên cạnh thịt heo tươi sống, cần tăng thu mua thịt heo để cấp đông dự trữ cho sản xuất thực phẩm chế biến; đồng thời, các hệ thống phân phối tăng cường giảm giá cả thịt heo tươi sống và thực phẩm chế biến từ thịt heo để người tiêu dùng quan tâm sử dụng nhiều hơn nhằm tăng lượng tiêu thụ, hỗ trợ người chăn nuôi.

Can co chien luoc lau dai de khong phai ho hao 'giai cuu'
Các doanh nghiệp đều cho rằng tăng trữ đông thịt heo không phải là giải pháp hợp lý, lâu dài vì người tiêu dùng chưa quen sử dụng hàng đông lạnh.

Tuy nhiên, đại diện MM Mega Market (trước đây là Metro) cho rằng, người tiêu dùng chưa quen sử dụng hàng đông lạnh, phần lớn vẫn quen dùng thịt tươi, thịt bảo quản ngăn mát. Thay đổi thói quen này không thể một sớm một chiều. Chưa kể, năng lực trữ đông của các công ty (CT) có hạn. Đại diện CT Cầu Tre cho biết, trước đây CT vẫn hay nhập thịt từ châu Âu để chế biến thực phẩm, nhưng sau này đều sử dụng thịt heo trong nước do giá rẻ hơn, lượng tiêu thụ trung bình từ 60 - 70 tấn thịt heo/tháng.

CT thu mua thịt heo chủ yếu để chế biến thực phẩm, nếu tăng mua thì phải tính đến bài toán trữ đông, vì chi phí lưu kho tốn thêm từ 5.000 - 6.000đ/kg và cũng chỉ lưu kho được 200 - 250 tấn thịt heo trong thời hạn ba tháng trở lại.

Tương tự, đại diện CT Sagri cũng lo ngại việc thuê kho cấp đông là một gánh nặng, chi phí thuê kho cấp đông “ăn” vào giá thịt khoảng 7.000đ/kg. Trung bình mỗi ngày, CT xuất chuồng 200 con heo, tiêu thụ được khoảng 110 con, còn cấp đông 90 con. Hiện, kho đã hết công suất 1.600 con heo cấp đông, dự kiến đến cuối năm 2017, CT mới có thể tăng năng lực cấp đông lên 2.000 con heo.

Đại diện CT VietSin băn khoăn: “Hiện, mức tiêu thụ các sản phẩm của CT chỉ khoảng 70 - 80 tấn/tháng, thị trường chưa lớn nên CT không có điều kiện để trữ đông thịt heo nhiều. Mặt khác, thịt cấp đông chỉ trữ được ba tháng, nếu để lâu hơn hay điều kiện bảo quản không tốt, khi chế biến, sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, không thể trữ đông thịt heo nhiều hơn được vì rất mạo hiểm”.  

Theo thông tin từ CT Vissan, hiện kho lạnh của Vissan đang tồn khoảng 1.000 tấn nạc heo. Công suất kho lạnh có hạn, CT chỉ cấp đông thêm được khoảng 100 con/ngày để góp phần giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi. Dự kiến, đến khoảng tháng 5/2017, CT mới tăng lượng heo trữ đông lên được 300 con/ngày.

Cần chiến lược lâu dài

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM - cho rằng: “Đây chỉ là giải pháp cấp bách cùng nhau giúp người chăn nuôi giải quyết lượng heo tới lứa còn tồn chuồng. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giải quyết gốc vấn đề để không lặp lại tình trạng như hiện nay bằng giải pháp tổng thể, giải pháp ngành, liên kết vùng và định hướng, hướng dẫn cho nông dân nên trồng gì, nuôi gì; thực hiện tiêu chuẩn chăn nuôi để phát triển lâu dài”. 

Can co chien luoc lau dai de khong phai ho hao 'giai cuu'
Sau giai đoạn giá heo xuống thấp kỷ lục, nhiều khả năng giá heo sẽ tăng lại vài tháng tới và khi đó sẽ xảy ra tình trạng khủng hoảng heo con.

Ông Trần Thanh Quý - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư CT Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn - cho biết, việc không bán được heo thịt hiện nay đã ảnh hưởng dây chuyền đến heo con giống, heo nái hậu bị. Trước đây, bình quân mỗi tháng, CT bán ra 5.000 con heo con giống và 18.000 con heo nái hậu bị nhưng hiện chỉ bán được 3.000 con/tháng do người chăn nuôi treo chuồng, không mua heo con nữa. “Vấn đề đáng quan tâm là vài tháng tới, khi giá heo tăng trở lại, người chăn nuôi đổ xô mua heo con giống để chăn nuôi lại thì sẽ xảy ra khủng hoảng thiếu heo con” - ông Quý lo ngại.

Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó tổng giám đốc CT Vissan - kiến nghị: “Bên cạnh giảm bớt các hộ chăn nuôi không đạt chuẩn (VietGap) thì cần duy trì các hộ chăn nuôi thực hiện tốt, không nên giảm một cách đại trà theo giải pháp giảm đàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra. Nông hộ, doanh nghiệp dám bỏ vốn ra làm sản phẩm cho xã hội lâu dài thì tại sao bảo giảm? Như vậy là đi ngược quy luật thị trường. Các nhà hoạch định chiến lược cần khuyến khích, định hướng tiêu thụ heo cho người chăn nuôi và tạo những kênh thông thoáng cho trang trại, doanh nghiệp 
phát triển”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI