Cách nào để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế?

18/10/2019 - 13:08

PNO - Mục tiêu Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, được lãnh đạo TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 diễn ra sáng 18/10.

“Mục tiêu quan trọng của diễn đàn kinh tế năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để TP.HCM lắng nghe, tiếp thu các góp ý, những ý tưởng mới và  phản biện của các diễn giả nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm”, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM phát biểu khai mạc diễn đàn.

Ông Phong nhấn mạnh thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn, là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới. Tuy nhiên, việc TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm.

Cach nao de TP.HCM tro thanh trung tam tai chinh quoc te?
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 diễn ra sáng 18/10 thu hút gần 800 đại biểu, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự

Bên cạnh đó, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của thành phố còn thấp. Tỉ trọng vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP của TP.HCM chỉ 52%, còn Singapore là 243%, Kula Lumpur 143%, Bangkok 120%, Manila 92%…Trong khi đó, tỉ lệ ngân sách thành phố được giữ lại từ 26% giai đoạn 2007-2010 xuống 18% (2017-2020). Hơn nữa, trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời, bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp.

Những hạn chế trên dẫn đến nguồn lực phát triển vốn khan hiếm, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Thực trạng này khiến TP.HCM chưa thực sự là một nơi sinh sống lý tưởng, kìm hãm giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Từ đó tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng những hạn chế trên không làm thành phố chùn bước, thay vào đó, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành Trung tâm tài chính quốc tế.

Cach nao de TP.HCM tro thanh trung tam tai chinh quoc te?
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM phát biểu khai mạc diễn đàn

 Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) cũng nhìn nhận một thực tế không thể phủ nhận là tỉ lệ ngân sách mà TP.HCM được giữ lại ngày càng giảm, từ đó làm giảm động lực phát triển của địa phương, dẫn đến thực trạng vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng giảm. Trong khi đó, vị thế của TP.HCM trong chiến lược tổng thể phát triển hệ thống tài chính nói chung và thị trường tài chính nói riêng của Việt Nam khó tách rời.

“Trong hệ thống tài chính Việt Nam, các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Còn các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn hoặc vẫn chưa cổ phần hóa, hoặc đã cổ phần hóa nhưng với tỉ lệ thấp.

Các chính sách thuế và phí (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí giao dịch tài chính…) đều ở tầm quốc gia, nhưng nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính. Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa”, tiến sĩ Anh phân tích.

Cach nao de TP.HCM tro thanh trung tam tai chinh quoc te?
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) đóng góp ý kiến

Ngoài 5 yếu tố cốt lõi của Trung tâm tài chính đã đề ra trong Đề cương là môi trường kinh doanh; nguồn vốn con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của ngành tài chính; danh tiếng của địa phương, theo ông Phong, thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp giúp thành phố tìm con đường ngắn nhất để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Đồng thời, thành phố cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia. Bởi đây là cơ sở quan trọng để thành phố chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách thành phố còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Để việc định hướng phát triển dịch vụ tài chính và dịch vụ kinh doanh cho trung tâm tài chính của thành phố phục vụ vùng Nam bộ và quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới, tiến sĩ Anh khuyến nghị thành phố cần nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới, không theo lối mòn truyền thống; có thể tìm kiếm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến. Đặc biệt, cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương đồng lòng thực hiện.

Nguyễn  Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI