Cá tầm tại thị trường TP.HCM: Mập mờ xuất xứ

11/07/2013 - 10:15

PNO - PN - Tại TP.HCM cá tầm chỉ được bán ở một số điểm nhất định, tập trung chủ yếu ở những vựa hải sản lớn như An Huy (khu Văn Thánh), Hải Thành Hưng (Lê Văn Sỹ, Q.3)… hay tại các siêu thị, chợ như Metro, chợ Tôn Thất Đạm...

Tiêu thụ giảm

Tại các vựa hải sản và siêu thị Metro hiện bày bán loại cá tầm có hình thức giống với mô tả của loại cá tầm Nga. Theo người bán hàng ở vựa hải sản An Huy và Hải Thành Hưng thì trước đây các vựa này đều có bán cá tầm Trung Quốc (TQ). Thời gian gần đây khi có nhiều thông tin về cá tầm TQ, khách hàng đã biết cách phân biệt nên họ chuyển sang lấy cá có nguồn gốc từ Đà Lạt. Chị H., chủ vựa cá tầm ở chợ Bình Điền cho biết: “Trước đây tôi nhập cá tầm từ nhiều thương lái. Họ nói cá từ Hải Dương, Hà Nội nên tôi cứ nhập và bán. Từ khi báo đài thông tin, tôi mới biết có cá tầm TQ trà trộn”.

Khi được hỏi “cá có nguồn gốc từ đâu”, một tiểu thương ở chợ Cũ, Q.1 nói, chỉ biết địa điểm vựa cá ở gần sân bay vì cá được chở bằng đường hàng không(!?). Một tiểu thương khác tại chợ Bến Thành cho biết, muốn mua cá tầm thì phải đặt trước. Còn về nguồn gốc thì họ không biết được cá VN hay TQ, bởi vì người ta giao sao thì họ bán vậy. Theo tiết lộ của một nhà phân phối cá tầm tại TP.HCM, hiện cá tầm TQ vẫn được chuyển vào TP.HCM, mỗi ngày khoảng vài tạ qua đường hàng không (trước đây khoảng hai-ba tấn/ngày).

Giá cá tầm tại TP.HCM hiện dao động từ 210.000-280.000đ/kg, tùy điểm bán. Theo thông tin từ một số vựa cá, trước đây lượng cá tầm tiêu thụ mỗi ngày lên đến cả tấn/vựa, nay giảm đến 60-70%.

Theo ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, để giúp cho người tiêu dùng có thể nhận diện chính xác, tập đoàn đã triển khai hệ thống mã (code) để truy xuất nguồn gốc áp dụng cho tất cả sản phẩm cá tầm nguyên con. Khi mua, người tiêu dùng cần yêu cầu người bán cung cấp thẻ bảo đảm cá tầm chính hãng và tra cứu theo hướng dẫn trên thẻ.

Ca tam tai thi truong TP.HCM: Map mo xuat xu

Cá tầm được bán tại siêu thị Metro An Phú (Q.2)

Cá tầm không nhập lậu vào TP.HCM qua đường hàng không?

Trong khi Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam cho rằng, hàng ngày có hai đến ba tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP.HCM qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, thì Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất cho biết, từ đầu năm đến nay, không có cá tầm nhập khẩu qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Đại diện cơ quan Hải quan Tân Sơn Nhất giải thích thêm, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam nói như vậy dễ gây hiểu nhầm cho mọi người rằng, cá tầm được nhập lậu qua đường hàng không quốc tế. Thực tế hàng ngày tại cảng hàng không quốc nội Tân Sơn Nhất có lượng lớn thủy, hải sản được vận chuyển từ sân bay Nội Bài vào TP.HCM.

Hiện nay, trong các hãng hàng không nội địa, chỉ có Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) mới có thể vận chuyển hàng thủy, hải sản đông lạnh, bởi những mặt hàng này cần phải trang bị thiết bị chuyên dùng để đóng gói. Tuy nhiên, ông Lê Trường Giang, người phát ngôn của Vietnam Airlines cho biết, hãng chỉ quy định về chủng loại và kích cỡ hàng hóa, chứ không quan tâm đến xuất xứ. Bên cạnh đó, hãng không thể biết một cách chi tiết đến từng loại thủy, hải sản, vì hàng hóa chỉ được khai theo từng chủng loại như tôm, cua hay cá. Vì thế, khó mà thống kê được có bao nhiêu tấn cá tầm được hãng vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM.

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam cho rằng, tất cả các sản phẩm cá tầm được sản xuất trong nước không có bất cứ đơn hàng nào được vận chuyển vào TP.HCM qua đường hàng không. Bởi, các nhà sản xuất cá tầm miền Bắc quy mô hiện còn khá nhỏ, không đủ để tiêu thụ nên không thể vận chuyển đi các vùng miền khác.

 An Hà - Ca Hảo 

Phát hiện cá tầm nhiễm chất cấm

Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội vừa phát hiện một mẫu cá tầm, nhiễm chất kháng sinh cấm leuco malachite sau khi lấy mẫu ngẫu nhiên tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội. Trước đây, chất leuco malachite được sử dụng để diệt vi khuẩn và nấm ngoài da của thủy sản, nhưng qua nghiên cứu cho thấy, chất này có thể bị tồn dư trong gan, thận, gây ra các bệnh nan y và có nguy cơ gây nhờn thuốc Tây y, nên thế giới đã cấm sử dụng các chất này và Việt Nam chính thức cấm từ năm 2007.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI