Bộ 'phanh hỏa tốc' vẫn không dừng được Grabshare

01/07/2017 - 06:46

PNO - Trong cuộc đối thoại giữa phía taxi truyền thống và taxi công nghệ mà đại diện là Uber, Grab diễn ra tại Bộ GTVT sáng ngày 28/6 vừa qua có một vấn đề rất đáng quan tâm liên quan đến thẩm quyền của bộ này.

Văn bản yêu cầu dừng, Grabshare vẫn chạy…

Đó là sự “nặng lời” của chính Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đối với Grab: “Về Grabshare, tôi đã phải ký văn bản hỏa tốc mà vẫn khai trương tưng bừng là vi phạm pháp luật. Tôi làm việc với đại diên Uber, Grab, người nước ngoài rất coi trọng pháp luật Việt Nam, nhưng các anh là người Việt Nam mà không tôn trọng luật Việt Nam, sẽ phải xử lý nghiêm”.

Dịch vụ Grabshare đi chung xe chính thức ra mắt tại TPHCM ngày 9/5/2017. Như lời Thứ trưởng Trường, khi ấy đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng nhưng Grabshare “vẫn khai trương tưng bừng”. Đến thời điểm ngày 29/6/2017, khi chúng tôi thử đặt xe Grab trên ứng dụng smartphone, và chọn Grabshare từ Quận 1 ra sân bay Tân Sơn Nhất, ứng dụng cung cấp xe cho biết “bạn chỉ có thể đi cùng 1 người” với giá 56K (56.000 đồng).

Bo 'phanh hoa toc' van khong dung duoc Grabshare
Mặc dù Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu dừng nhưng Grab vẫn cung cấp dịch vụ Grabshare ra thị trường. Ảnh minh họa.

Còn trong phát ngôn mới đây được một tờ báo dẫn lại, Giám đốc truyền thông của Garb Việt Nam cho rằng dịch vụ Grabshare phù hợp với đề án thí điểm đã được cho phép. Không trực diện “phản thùng” nhưng có thể hiểu đây là sự thể hiện quan điểm không đồng tình của Grab đối với quan điểm của Bộ GTVT – bộ có thẩm quyền quản lí ngành cao nhất.

Vì thế cho dù Bộ GTVT có văn bản yêu cầu dừng vì cho rằng Grabshare không phù hợp với Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT (về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) chỉ cho phép nhà cung cấp dịch vụ mỗi chuyến chỉ được kí với bên thuê cả chuyến 1 hợp đồng vận chuyển, nhưng dịch vụ Grabshare vẫn đang được Grab cung cấp trên thị trường..

Tạm dừng hay cấm – cần làm rõ?

Được biết, theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, thì Uber cũng đang có kế hoạch ra mắt dịch vụ đi xe chung UberPOOL, và nếu chiếu theo quan điểm của Bộ GTVT thì dịch vụ này của Uber cũng sẽ được xếp vào diện bị dừng như Grabshare. 

Theo lí giải của Bộ GTVT vì dịch vụ đi chung xe như Grabshare không phù hợp với Thông tư Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT. Như vậy có 2 tình huống xảy ra: Một là tạm chấp nhận Grabshare tồn tại cho đến khi thông tư được điều chỉnh, sửa đổi theo hướng chấp nhận dịch vụ Grabshare. Hai là, như động thái của bộ đã thể hiện, Grab Việt Nam phải dừng dịch vụ Grabshare. Còn tiếp theo thế nào thì chưa rõ?...

Nhưng Grab Việt Nam đã không dừng dịch vụ Grabshare của mình. Thứ trưởng Trường cho rằng sẽ xử nghiêm trường hợp này. Từ thời điểm ngày 9/5/2017 tới nay đã gần hai tháng, không biết Bộ GTVT đã “xử lí nghiêm” được tới mức nào chứ người ta vẫn có thể đặt xe Grabshare một cách ung dung.

Tại nhiều thị trường, dịch vụ đi chung xe như Grabshare được chấp nhận tồn tại như là một phương thức kinh doanh mới nảy sinh từ nền kinh tế chia sẻ thời hiện đại. Tại thị trường Việt Nam, việc đi chung xe cũng còn rất mới mẻ. Ngay trong sự kiện ra mắt dịch vụ này, một số ý kiến đặt vấn đề về trách nhiệm của Grab như thế nào nếu các hành khách đi chung xe gặp rủi ro như bị bạo hành, quấy rối tình dục khi gặp những kẻ say hay tư cách đốn mạt, thậm chí phải đi cùng một người khác hôi hám, tục tằn…

Song phía Grab chưa thể trả lời được những câu hỏi này với trách nhiệm giải quyết những hệ lụy ra sao, mà chỉ nêu được tính “ưu việt” nhất của dịch vụ là giúp tiết kiệm chi phí cho hành khách, còn tài xế thì tăng thêm thu nhập.

Khi một loại hình dịch vụ hay phương thức kinh doanh mới ra đời, các qui định pháp luật có thể chưa cập nhật quản lí kịp thì nên xem xét điều chỉnh, bổ sung nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của doanh nghiệp và người dân. Từ đó, cơ quan quản lí cũng cần làm rõ, lệnh dừng là tạm dừng để nghiên cứu, xem xét hay là lệnh cấm dài hạn, để doanh nghiệp biết và định hướng kinh doanh.

Một khi cơ quan quản lí đã rõ ràng được vấn đề này mà doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ hoặc âm thầm triển khai dịch vụ trên thị trường, thì việc phải xử lí để giữ nghiêm kỉ cương pháp luật là rất cần thiết.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI