Bị trễ chuyến bay trên 5 giờ, khó được bồi thường thỏa đáng

11/03/2015 - 10:38

PNO - PN - Do sự cố kỹ thuật, thời tiết... có không ít chuyến bay bị trễ, hủy chuyến. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp hoãn, hủy chuyến bay sẽ được miễn trừ trách nhiệm và khó tìm được một nguyên nhân chủ quan nào để buộc hãng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bi tre chuyen bay tren 5 gio, kho duoc boi thuong thoa dang

Bị trễ chuyến bay, hành khách khó được bồi thường thỏa đáng. Ảnh minh họa: internet

Chuyến bay VJ321 của Vietjet Air khởi hành từ Phú Quốc vào TP.HCM ngày 9/3 bị trễ gần 12 giờ do sự cố kỹ thuật. Sự vụ được Vietjet Air cho biết, chuyến bay VJ321 khởi hành từ Phú Quốc đi TP.HCM lúc 8g45 ngày 9/3 đã đóng cửa và khởi hành đúng giờ.

Tuy nhiên, tổ bay ghi nhận cảnh báo hệ thống phanh của máy bay, vì thế, để đảm bảo an toàn cho hành khách, cơ trưởng đã quyết định dừng khởi hành. Đến 19g cùng ngày, công tác kiểm tra kỹ thuật hoàn tất, đảm bảo điều kiện an toàn bay, chuyến bay đã chở khách về TP.HCM.

Trong thời gian chờ đợi tại sân bay, hãng đã bồi thường theo đúng quy định của ngành hàng không: tổ chức phục vụ ăn, hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ cho hành khách, thực hiện hoàn vé, đổi vé theo nhu cầu.

Cũng trong ngày 9/3, chuyến bay VN1200 chặng Cần Thơ - Hà Nội của Vietnam Airlines đã phải chậm chuyến gần chín giờ vì lốp máy bay không đạt tiêu chuẩn. Chuyến bay bị hoãn đến tận 19g cùng ngày. “Do phải vận chuyển lốp từ TP.HCM xuống Cần Thơ bằng đường bộ nên mất khá nhiều thời gian”, đại diện Vietnam Airlines cho hay. Theo đại diện Vietnam Airlines, hãng đã hỗ trợ khách ăn trưa, ăn chiều, đổi vé miễn phí nếu khách có yêu cầu. Ngoài ra, với những hành khách trả vé, hãng đã bồi thường với mức 300.000đ/hành khách.

Theo quy định tại Thông tư 81/2014/TT-BGTVT về vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung có hiệu lực từ ngày 1/3, có quy định “Bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách trong trường hợp các chuyến bay chậm kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành”; và hành khách bị chậm chuyến từ năm giờ trở lên sẽ được các hãng hàng không hoàn trả tiền vé. Thật ra, các quy định hiện hành có đầy đủ để áp dụng?

Mặc dù đã có Thông tư 81 nói trên, thì vẫn phải chờ một văn bản gọi là “Quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại”. Bộ GTVT đã đưa dự thảo quy định này để lấy ý kiến, dự kiến thực thi từ ngày 1/7. Tuy nhiên, dự thảo vẫn không thỏa mãn được việc bồi thường khi xảy ra sự cố. Thứ nhất, trong điều khoản “Miễn trừ nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài”, các trường hợp được miễn trừ vẫn là thời tiết ảnh hưởng, nguy cơ an ninh, sự cố kỹ thuật trong quá trình khai thác tàu bay… như lý do mà trước nay các hãng giải thích với khách hàng. Như vậy, đa phần các trường hợp hoãn, hủy chuyến bay sẽ được miễn trừ trách nhiệm, và khó tìm được một nguyên nhân chủ quan nào để buộc hãng bay chịu trách nhiệm.

Mặt khác, từ thực tế của chuyến bay trễ của hai hãng hàng không trên cho thấy, chỉ vài hành khách xin đổi chuyến, và phần lớn không có ai đòi bồi hoàn. Họ đều chấp nhận chờ chuyến. Bởi, đối với những sân bay nhỏ, hành khách không có sự lựa chọn nào khác khi chuyến bay không nhiều, họ ở lại càng tốn thêm chi phí ăn ở. Bên cạnh đó, tiền bồi hoàn không đủ để hành khách mua vé khác - nhất là đối với những hành khách mua vé khuyến mãi với mục đích là để tiết kiệm. Vậy, tính toán thiệt - hơn thì khách thà "chấp nhận thương đau". Chưa kể, Bộ GTVT có tính đến những thiệt hại về thời gian, tiền bạc của hành khách khi chậm chuyến. Ví dụ, có doanh nhân bị hủy ký hợp đồng khi chậm chuyến nhiều giờ liền…?

 ĐỨC HẢO

Hoãn, hủy chuyến bay và việc bồi thường ở EU

Liên minh châu Âu (EU) có luật EU 261/2004 về việc các hãng hàng không bồi thường cho hành khách trong trường hợp chuyến bay bị hoãn hoặc hủy. Nếu chuyến bay EU này bị hoãn hơn hai giờ so với thời gian đến dự kiến, hãng hàng không phải cung cấp cho hành khách “gói phúc lợi” gồm thức ăn, nước uống, hai cuộc gọi điện thoại; nếu qua đêm thì phải bố trí chỗ ngủ và phí đi lại từ sân bay đến nơi ở. Trong trường hợp bị trễ hơn ba giờ, hành khách được quyền khiếu nại đòi hãng hàng không bồi thường. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho những “hoàn cảnh đặc biệt”, vượt ngoài tầm kiểm soát của hãng hàng không như thời tiết, thảm họa thiên nhiên, đình công hay bất ổn chính trị.

Số tiền bồi thường tùy thuộc thời gian bị trễ và chiều dài đoạn đường. Theo đó, số tiền bồi thường cho các hành khách sẽ từ 250 euro (giờ đến bị trễ hơn ba giờ với chặng đường dưới 1.500km) và cao nhất là 600 euro (giờ đến bị trễ hơn bốn giờ với các chuyến bay giữa EU và các sân bay không phải EU, đường bay hơn 3.500km).

 ĐỨC ANH (Theo MoneySavingExpert và Travelsupermarket)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI