Bát nháo thị trường hạt chia

24/02/2017 - 15:54

PNO - Hạt chia nhập khẩu xuất hiện ở nước ta ngày một nhiều, song giá cả, chất lượng… mặt hàng này đang bị thả nổi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hạt chia bán tại thị trường TP.HCM hiện có hai nguồn chính, được những người bán giới thiệu là hàng nhập từ Úc và Mỹ, dưới dạng xách tay hay nhập chính ngạch. 

Loạn giá

Hàng chính ngạch phổ biến ở hai dạng, sản phẩm được đóng gói sẵn tại nước ngoài có thêm nhãn phụ bằng tiếng Việt, và hàng đóng gói trong nước. 

Điều đáng nói, tại rất nhiều cửa hàng thực phẩm, cùng bán một mặt hàng hạt chia, nhưng có tới hàng chục mức giá khác nhau. Chỗ hơn 400.000 đồng/kg, chỗ khác thậm chí lên đến gần 1 triệu đồng/kg.

Tại cửa hàng T.H. đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, cùng là hạt chia Australia được đóng gói và đựng trong hộp nhựa… dù cùng trọng lượng nhưng có tới hai, ba loại, mỗi loại chênh nhau tới 100.000-200.000 đồng/kg.

Thắc mắc, chúng tôi được nhân viên bán hàng giải thích, là do hàng thông thường và hàng hữu cơ. 

Thế nhưng, khi kiểm tra nhãn mác trên bao bì sản phẩm được xem là hữu cơ, bán với giá 650.000 đồng/kg thì ngoài hàng chữ Organic Chia seeds lớn, không có thông tin về tổ chức cấp chứng nhận. 

Bat nhao thi truong hat chia
 

Nêu thắc mắc với nhân viên bán hàng, chúng tôi được giải thích là hàng nhập khẩu nguyên bịch nên… không biết gì thêm. Trong khi đó, cũng chính sản phẩm này được một số trang bán hàng trực tuyến bán với giá 380.000 đồng/kg. 

Đến một cửa hàng khác trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận1), loại hạt này được giới thiệu nhập khẩu từ Mỹ, bán với giá 480.000 đồng/kg. Người bán cho biết, hàng Mỹ được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn về dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu, công nghệ xử lý, đóng gói. 

“Mặt hàng này tại nhiều cửa hàng bán với giá hơn 700.000 đồng/kg nhưng cửa hàng nhập sỉ về trong nước đóng gói nên giảm được giá thành, do đó giá bán thấp hơn”.

Ông W.P., giám đốc điều hành một công ty chuyên về các loại hạt có hàm lượng dinh dưỡng có trụ sở tại Úc cho biết, ông ngạc nhiên vì cùng một sản phẩm, tại thị trường thế giới bán với giá trung bình 30 USD mà ở Việt Nam chỉ có hơn 300.000 đồng/kg (khoảng 14-16 USD), trong khi Việt Nam phải nhập hoàn toàn giống hạt này.

Từng khảo sát mặt hàng này phân phối tại TP.HCM,  ông P. cho rằng, chủng loại, chất lượng của hạt chia tại Việt Nam đang bị “thả nổi” mới có tình trạng loạn giá như vậy. 

Theo ông, hạt chia có thể được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tập trung chủ yếu ở các nước Nam Mỹ… và đưa về Mỹ hay Úc đóng gói, sau đó phân phối đi các nước nên nhiều người nghĩ đó là hàng Úc và Mỹ.

Coi chừng hàng… bẩn

Theo một số nhà nhập hạt chia, sở dĩ có sự chênh lệch quá lớn giữa các sản phẩm hạt chia tại Việt Nam hiện nay là do rất có thể loại hạt này đang bị đánh tráo về chủng loại, dùng hàng thứ cấp biến thành hàng cao cấp, hàng hữu cơ  rồi bán với giá thấp. Hoặc hàng cận date, hết date được các đầu mối xuất khẩu thanh lý với giá rẻ, khi nhập khẩu về được “hóa phép” để bán ra thị trường.

Bat nhao thi truong hat chia
Các nhà nhập khẩu cho rằng có sự chênh lệch quá lớn giữa các sản phẩm hạt chia tại Việt Nam hiện nay  rất có thể loại hạt này đang bị đánh tráo về chủng loại.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty S&P 500, trụ sở tại 259A Hai Bà Trưng, quận 1, cho biết hiện người tiêu dùng trong nước khá dễ dãi, không chịu tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng.

Chỉ tin vào lời giới thiệu của người bán mà không thẩm định thông tin trên bao bì hay trang bị kiến thức về nhận dạng sản phẩm chất lượng. Nhất là với những sản phẩm được các nhà nhập khẩu về tự đóng gói, phân phối, khi đến tay người tiêu dùng thì chẳng thể biết hàng còn sử dụng được hay không.

Theo ông W.P., nguy hiểm nhất là loại hạt này sẽ được người tiêu dùng sử dụng trực tiếp (pha nước uống, trộn vào bánh, thực phẩm, nước uống…).

Nếu chất lượng không đảm bảo, sản phẩm không những không còn bổ dưỡng mà có thể tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh nếu gặp phải nguồn hàng không được bảo quản, chế biến đúng.

Ông này chia sẻ, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm được nhập khẩu nguyên bản, vì hiện ở Việt Nam không có nhà máy nào có thể chà bóng, loại bỏ tạp chất trong hạt chia hay làm sạch bằng các công nghệ diệt khuẩn… nên việc mua những sản phẩm được đưa về đóng gói trong giai đoạn này có nhiều rủi ro.

Trên những sản phẩm đảm bảo, có tiêu chuẩn của USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) hay các tổ chức chứng nhận hữu cơ có uy tín đều có các phương pháp nhận diện khác nhau, chẳng hạn mã vạch, mã code (giúp kiểm tra bằng điện thoại thông minh) giúp người mua có thể giám sát từ khâu trồng, thu hoạch đóng gói hay phân phối…

Hay có thể kiểm tra bằng trực quan, chẳng hạn khi pha trong nước ấm, nếu hạt chia đảm bảo, trong vòng 5-6 phút hạt sẽ nở đều trong ly nước, hàng chất lượng kém có xu hướng chìm xuống phía dưới ly nước.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI