Bà nội trợ 'thấm đòn' giá tăng dồn dập

17/07/2018 - 06:56

PNO - Những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: rau, cá, thịt, trứng, gas,... đồng loạt dồn dập tăng giá. Có mặt hàng tăng tới 30.000 – 40.000 đồng, nhiều bà nội trợ “nát óc” với bài toán chi tiêu!

Sáng ra hết gas, chị Liên (46 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) gọi bình gas 12 kg. Lắp xong, nhân viên báo giá 365.000 đồng, tăng hơn 30.000 đồng/kg. Chị Liên giật mình, “giá tăng dữ”!.

“Đau đầu” đi chợ

Chưa kể, xách giỏ đi chợ, từ rau, cá, thịt, trứng,… món nào giá cũng tăng. Chị Liên “bấm bụng” mua 1 kg cá kèo giá 140.000 đồng, thay vì giá 100.000 – 120.000 đồng như tuần trước. Cá rô, cá điêu hồng cũng tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg, lên 60.000 – 65.000 đồng.

Chị Mai bán hàng cá ở chợ Căn Cứ 26A (Q.Gò Vấp, TP.HCM), phân trần: “Hàng lấy vào giá tăng nên phải tăng giá theo. Hôm qua tôi thấy giá tăng cao quá không dám nhập hàng luôn, hôm nay chỉ dám nhập cầm chừng đủ bán thôi”.

Ngay cả rau thơm, hành lá, ngò rí, xà lách xoong… giá bán trong sạp chợ, cửa hàng tiện lợi cũng tăng cao lên 50.000 – 56.000 đồng/kg, trong khi mới tuần trước nhiều xe đẩy rao bán hành lá giá “rẻ bèo”, chỉ  5.000 – 10.000 đồng/bó lớn.

Trứng gà giá từ 23.000 – 24.000 đồng/chục tăng lên 28.000 đồng/chục. Chưa kể, nhiều cửa hàng tạp hóa, sạp chợ bán 30.000 đồng/chục. Trứng vịt cũng tăng từ 40.000 đồng/chục lên 42.000 đồng/chục.

Ba noi tro 'tham don' gia tang don dap
Nhiều mặt hàng rau ăn lá, rau gia vị tăng giá cao.

Đặc biệt, giá thịt heo pha lóc các loại cũng tăng thêm 20.000 – 30.000 đồng/kg, neo giá cao, như: sườn non 140.000 – 150.000 đồng/kg; ba rọi, thịt đùi, giò heo 100.000 – 110.000 đồng/kg.

Nhiều bà nội trợ “đau đầu” với bài toán chi tiêu, đành chọn cách cắt giảm bớt lượng thực phẩm mỗi ngày hoặc chuyển sang chọn mặt hàng thay thế.

“Bình thường tiền đi chợ mỗi ngày 200.000 đồng cho bốn người ăn, nay tăng lên 250.000 – 300.000 đồng vẫn thấy thiếu; gas xài một tháng hết một bình 12 kg. 

Tôi phải chuyển sang dùng kết hợp bếp điện từ, bình đun điện, nồi ủ, nồi áp suất,…để tiết kiệm bớt gas. Thay vì đi chợ mỗi ngày tốn 300.000 đồng, tôi gói ghém đi chợ cho hai ngày khoảng 500.000 đồng, giảm được 100.000 đồng”, chị Nga (35 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) chia sẻ.

Giá đầu vào tăng hay chợ lẻ đẩy giá?

Thực tế, trong số các mặt hàng tăng giá kể trên, nhiều mặt hàng giá đã tăng liên tục từ hai – ba  tháng trước, song nay bà nội trợ mới thấy “thấm đòn” giá tăng, bởi nhiều mặt hàng tăng giá cộng dồn và đồng loạt tăng một lúc “đẩy” chi phí gia đình tăng cao.

Như gas tăng giá từ đầu tháng 5/2018 với tổng mức tăng trong ba đợt cộng lại là 30.000 đồng/bình 12 kg, đẩy giá gas bán lẻ lên 346.000 – 365.000 đồng/bình 12 kg. Nguyên nhân do giá dầu thế giới tăng. Thịt heo bán lẻ tăng liên tục từ tháng 3/2018 đến nay với lý do “giá heo hơi tăng lên 45.000 – 48.000 đồng/kg,…”.

Giám đốc một công ty chuyên phân phối thịt, trứng gia cầm cho biết, sở dĩ giá thịt, trứng gà, vịt tăng là do giá thức ăn chăn nuôi nhập vào tăng từ biến động tăng cao của giá USD. Nhiều đơn vị cung ứng rau xanh cũng cho biết, các chi phí đầu vào từ hạt giống, phân bón đến nhân công, vận chuyển,… đều tăng nên buộc phải tăng giá sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế giá bán nhiều mặt hàng tại chợ lẻ cao hơn rất nhiều so với giá bán trong siêu thị và chênh lệch quá nhiều so với giá chợ sỉ. Như, trứng gà bán trong siêu thị giá dao động từ 24.000 – 26.000 đồng/chục (tùy siêu thị) – thấp hơn giá ở chợ 4.000 – 6.000 đồng/chục.

So sánh với giá tại chợ sỉ Bình Điền (Q.8.TP.HCM) thì giá chợ lẻ “đội cao” hơn rất nhiều. Như, giá cá nhập chợ hiện là: cá kèo 95.000 đồng/kg, cá rô 28.000 đồng/kg, cá điêu hồng 38.000 đồng/kg,…

Thắc mắc thì người bán giải thích “tùy cá loại 1, 2, 3... giá khác nhau”!?. Đại diện Ban Quản lý chợ Bình Điền cho biết, giá heo thịt, heo nái về chợ lần lượt là 62.000, 45.000 đồng/kg; các mặt hàng đùi, cốt lết 65.000 đồng/kg; ba rọi, nạc 70.000  -75.000 đồng/kg; sườn 120.000 đồng/kg,…

Theo dõi mức giá hai tuần nay cho thấy, trong các mặt hàng tăng giá ở chợ lẻ, chỉ có mỗi giá cá kèo tăng từ 76.000 đồng/kg lên 95.000 đồng (loại 3) và từ 94.000 đồng lên 115.000 đồng (loại 1); cá rô giữ nguyên gia 28.000 đồng; cá điêu hồng chỉ tăng 2.000 đồng/kg.

Như vậy, bên cạnh giá thực phẩm tăng do tác động của giá đầu vào thì vẫn có tình trạng chợ lẻ “té nước theo mưa” đẩy giá bán lẻ chênh lệch cao hơn nhiều so với giá sỉ lấy vào.

Công tác kiểm soát giá cả thị trường thuộc trách nhiệm của cơ quan hữu trách, còn bà nội trợ nên tự bảo vệ “túi tiền” của mình bằng cách so sánh giá và chọn mua nơi bán giá hợp lý.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI