Bà Nguyễn Thị Điền - TGĐ Công ty May Thêu Đan Giày An Phước: Còn sức thì cứ làm!

21/06/2017 - 10:00

PNO - Từ cơ sở may chỉ có vài chục người, sau gần 30 năm vượt qua không ít truân chuyên, bà Nguyễn Thị Điền đã dẫn dắt An Phước trở thành thương hiệu “thời trang hàng hiệu của Việt Nam”.

Ba Nguyen Thi Dien - TGD Cong ty May Theu Dan Giay An Phuoc: Con suc thi cu lam!
Bà Nguyễn Thị Điền - TGĐ Công ty An Phước.

Là một trong những doanh nghiệp gia đình thành lập từ những năm 1990 khi đất nước mới bắt đầu mở cửa, hẳn An Phước đã trải qua nhiều thử thách mới có được như hôm nay?

- Bà Nguyễn Thị Điền: Bước vào nghề này khi đất nước vẫn còn ở thời bao cấp, khi con trai mới tròn 9 tuổi và cá nhân vừa rời công ty nhà nước, mọi việc rất khó khăn. Ban đầu An Phước chỉ là một cơ sở may nhỏ làm hàng gia công cho cho các thương hiệu Nissho Iwai, Itochu, Minoya… của Nhật.

Công ty hoạt động được 5 năm thì gặp ngay khủng hoảng kinh tế khu vực kinh tế Đông Nam Á. Đơn hàng giảm sút, các khách hàng Nhật cũng giảm lượng gia công. Trong bối cảnh đó, chúng tôi phải tìm đến với thị trường nội địa bằng những sản phẩm mang thương hiệu An Phước.

Nhưng muốn người tiêu dùng trong nước biết đến thương hiệu của mình thì phải xây dựng hệ thống cửa hàng riêng. Để có vốn mở cửa hàng, tôi phải vay mượn từ ba mẹ.

Và sự kiện mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin đã giúp An Phước bứt phá?

- Cũng có thể nói như vậy. Năm 1997, chúng tôi mua bản quyền Pierre Cardin cho một số đồ nam giới như sơ mi, vest, quần tây… và trở thành nhà sản xuất và kinh doanh độc quyền các sản phẩm thương hiệu này tại Việt Nam và Đông Dương. Phải nói đó là bước ngoặt của chúng tôi trong bối cảnh khủng khoảng tài chính thế giới.

Trong môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, nếu doanh nghiệp không biết cách thì rất khó để tồn tại. Để xây dựng thương hiệu và phát triển doanh nghiệp, cách nhanh nhất là mua lại các công ty khác trong ngành. Sự kiện mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin là bước ngoặt lớn để An Phước phát triển.

Trên đà đó, năm 2008, chúng tôi mua lại Công ty may Tân Bình. Tiếp tục công cuộc chinh phục thị trường, chúng tôi mua nhà máy sản xuất Tomiya Summit Garment của Nhật tại Đồng Nai.

Mở rộng gam hàng, năm 2013, chúng tôi sở hữu nhà máy FLD chuyên sản xuất đồ lót thương hiệu Anamai và Bonjour của Tập đoàn SPATZ của Pháp tại Nha Trang.

Như vậy có ngược với quan điểm “chậm mà chắc” mà bà đã ứng dụng tại An Phước từ nhiều năm qua?

- Đó là về sản phẩm, chúng tôi lấy “chất lượng là số một” nên sản phẩm làm ra phải được chăm chút tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ. Chậm, với chúng tôi là từ từ mở cửa hàng chứ không ồ ạt như những doanh nghiệp khác. Chậm để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ hậu mãi.

Nhờ quán triệt tinh thần này mà chỉ một thời gian sau khi mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin, sản phẩm thương hiệu Việt của An Phước thể hiện sự sang trọng, lịch lãm lấn át được thương hiệu đến từ nước Pháp.

Hiện nay, hệ thống gần 100 cửa hàng trên toàn quốc của chúng tôi đều do chính công ty mở với sự thống nhất về giá cả và chất lượng hậu mãi.

Ba Nguyen Thi Dien - TGD Cong ty May Theu Dan Giay An Phuoc: Con suc thi cu lam!

Tìm người kế nghiệp đang là điều lo lắng của các doanh nhân thành đạt của Việt Nam. Ở An Phước, việc này được giải quyết nhưng thế nào, thưa bà?

- Tôi có hai con, một trai, một gái. Ngay khi con trai Trần Minh Khoa học cấp 3, tôi cho con ra nước ngoài học quản lý đế tiếp tục kế thừa, quản trị công ty vì gia sản của gia đình đã bỏ hết vào đây. May mắn là con trai tôi cũng nghe lời, cháu không ngần ngại học việc dù kiến thức từ trời Tây không thiếu.

Trở về nước, cháu bắt đầu với công việc của một nhân viên kinh doanh bình và theo các chú, các cô, những người bạn gắn bó với ba mẹ để làm quen với việc công ty.

Khoa không nề hà việc gì, từ xuống xưởng, quan sát các khâu sản xuất cho đến phân loại từng loại hàng… Nhờ chịu khó học hỏi, lắng nghe những người đi trước nên sau ba năm “học việc”, Khoa đã vững vàng trong việc giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, vì thế, vợ chồng tôi thống nhất “đề bạt” lên vị trí phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh nội địa và xuất khẩu. 

Cuộc chuyển giao đã bắt đầu, khi nào bà có đủ tự tin để sẽ giao hẵn việc điều hành An Phước cho con trai?

- Tôi quan niệm còn sức thì mình cứ làm cho đến khi không còn sức nữa thì thôi. Hiện giờ tôi vẫn còn đam mê lắm nên chỉ có thể đưa ra lộ trình cho con: trong vòng 5 năm tới phải hoàn thành những chỉ tiêu ba mẹ đề ra.

Kiến tha lâu sẽ đầy tổ. Làm lãnh đạo phải biết kiên nhẫn và không nản lòng trước gian khó. Con thuyền doanh nghiệp chở biết bao nhiêu cộng sự, nếu người cộng sự nản lòng buông xuôi thì con thuyền sẽ dễ bị chìm.

Vì vậy, tôi không cho phép mình ngừng nghỉ. Ngày nào còn sức khỏe tôi còn làm việc và còn đam mê.

Bà Nguyễn Thị Điền - TGĐ Công ty May Thêu Đan Giày An Phước

Những năm qua, ngành may mặc trong nước gặp nhiều khó khăn và đã có không ít thương hiệu phải thu hẹp quy mô hoặc phải bán cho nước ngoài?

Ở những thời điểm quá khó khăn, đơn hàng giảm sút, chúng tôi chọn cách “lấy mở cá rán cá”. Trong đó, cắt giảm các chi phí sản xuất không quá quan trọng, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa để bù và những khoản giảm của thị trường xuất khẩu.

Người đầu tàu phải làm gương. Bản thân mình phải lao động vất vả cùng công nhân, quan tâm chia sẻ và đồng cam cộng khổ với công nhân. Và chỉ khi công nhân thấy mình quan tâm đến họ thì họ mới “sống chết” với công ty.

Theo bà, đâu là hành trang cần và đủ để doanh nghiệp phát triển bền vững cũng như đủ sức “chiến đấu” trên sân nhà lẫn sân khách trong bối cảnh hội nhập?

- Để phát triển bền vững trong thời điểm này, doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện. Sự thay đổi phải đến từ tư duy để có hành động và giải pháp phù hợp.

Chúng tôi vẫn thường nói với công nhân, rằng: nếu các bạn không thay đổi tâm thế, cải tạo năng suất thì sẽ tự chết chìm.

Trong thời điểm này, doanh nghiệp phải tự mình cứu mình, trước khi chờ “người cứu”. Và để tự cứu mình, ngoài đầu tư trang thiết bi máy móc, công nghệ quản trị hiệu quả, chúng tôi còn tổ chức đào tạo cho cán bộ nhân viên, công nhân.

Để có thể tự tin vào nội tại của công ty thì phải tổ chức học hành có căn bản. Với cấp quản lý, chúng tôi tổ chức đào tạo về quản trị nội bộ, nâng cao trình độ công nghệ còn nhân viên thì nâng cao tay nghề để tiếp cận công nghệ sản xuất mới.

Sở dĩ năng suất lao động của Singapore cao gấp 10 - 15 lần Việt Nam vì họ có công nghệ sản xuất hiện đại và công nhân họ được đào tạo bài bản.

Bận rộn với việc Công ty nhưng nghe nói bà vẫn dành thời gian để hoàn thành chương trình thạc sĩ, ngoại ngữ và nhiều lớp đào tạo về quản lý…?

- Sự học là cả đời mà. Tôi học để cập nhật thông tin và phương pháp phù hợp với thời kinh doanh hiện đại.

Trước đây khi mở công ty, tôi chỉ biết cắm đầu vào làm nhưng nay mọi thứ phải thay đổi, người lãnh đạo phải chú trọng đến tầm nhìn, chiến lược và quản lý thương hiệu.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Thanh Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI