Áp giá cao cho điện sinh hoạt: Thiếu công bằng

27/04/2019 - 13:07

PNO - Dư luận cho rằng việc “ưu ái” giá điện thấp cho khu vực sản xuất, áp giá cao với điện sinh hoạt và cách tính lũy tiến như hiện nay là đẩy khó về phía người dân. Tổng công ty điện lực và các chuyên gia nói gì?

Với biểu phí mức giá điện hiện nay, đối tượng tiêu dùng sử dụng điện ở các bậc thang thấp phải chi trả tiền điện cao hơn so với nhiều đối tượng sử dụng điện sản xuất. Đặc biệt, khi giá bán lẻ điện sản xuất thấp nhất có thể ở mức 970 đồng/kWh thì giá điện sinh hoạt ở bậc thang thấp nhất lên tới 1.678 đồng/kWh.

Ap gia cao cho dien sinh hoat: Thieu cong bang

Người dân vất vả đối phó với cơn lốc tăng giá điện, xăng

Nêu quan điểm về biểu giá điện mới, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng người dân, các hộ kinh doanh, dịch vụ... đang phải bù một khoản nào đó cho doanh nghiệp sản xuất. Điều này là thiếu công bằng và Chính phủ cần tiến tới bỏ cơ chế bù chéo này.

Ap gia cao cho dien sinh hoat: Thieu cong bang

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri

Trả lời về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri, giải thích: Chính sách giá còn mang tính xã hội, kỹ thuật và kinh tế. Do các nhà sản xuất mua nhiều nên tổn thất điện năng thấp, dẫn đến giá bán lẻ sẽ thấp; còn điện sinh hoạt ở cấp 220 kV, tổn thất biến áp lớn, chi phí đường dây nhiều hơn, dẫn đến giá cao hơn.

“Chúng tôi kêu gọi hộ sử dụng nhiều điện phối hợp với EVN trong thời gian công suất quá tải, giảm bớt nhu cầu không cần thiết để đảm bảo an ninh hệ thống” - ông Tri thông tin thêm.

Không đồng tình, ông Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) phân tích, chính sách giá đối với các mặt hàng nhà nước độc quyền phải được thực hiện theo hướng ưu đãi, nâng cao đời sống người dân chứ không phải đẩy khó về phía người dân như hiện nay.

Hơn 90% khách hàng sử dụng điện dưới 400 kWh

Liên quan đến bậc thang giá điện tiêu dùng theo cách tính lũy tiến, nhiều ý kiến cho rằng cách chia 6 bậc thang là thiếu công bằng với nhóm đối tượng sử dụng điện ở mức trung bình. Cụ thể, trong số 25,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt: 35,8% khách hàng sử dụng điện dưới 100 kWh (khoảng 9,22 triệu hộ); 15% khách sử dụng trên 300 kWh; khoảng 7% khách sử dụng trên 400 kWh.

Như vậy, có hơn 90% khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 400 kWh, chỉ có số ít sử dụng trên 400 kWh/tháng và thường là hộ có điều kiện sử dụng nhiều thiết bị điện hiện đại.

Trong khi đó, theo tính toán của ngành điện, với quyết định tăng giá điện trên 8% mới đây cho thấy, khách hàng sử dụng dưới 200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; khách sử dụng đến 300 kWh sẽ tăng chi phí 53.100 đồng/tháng và bậc cao nhất từ 400 kWh trở lên trả thêm 77.200 đồng/tháng.

Cách chia bậc thang như thế này cho thấy chưa có sự phân hoá giá điện rõ ràng đối với đối tượng sử dụng nhiều điện với đối tượng sử dụng ít.

“Đúng là giá điện buộc phải tăng để tính đủ, tính đúng các chi phí còn treo lại trong một số năm qua. Nhưng sau khi tăng giá điện bình quân, cần phải phân chia giá bán lẻ hợp lý đối với các đối tượng. Trong đó, ngoài sản xuất cần ưu tiên thì điện sinh hoạt của người dân, (nhất là đối tượng người tiêu dùng sử dụng dưới 500 kWh điện/tháng) nên áp giá thấp hơn đáng kể so với các đối tượng kinh doanh, dịch vụ khác” - ông Đào góp ý.

Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, biểu giá điện theo cơ chế bù chéo giữa các đối tượng như trên thể hiện rõ chính sách của nhà nước nhằm hạn chế tiêu dùng của người dân và khuyến khích, ưu tiên cho sản xuất.

“Chính sách này có thể gây ra tranh cãi lớn bởi bất cứ hộ mua điện nào cũng mong muốn được tiếp cận giá điện một cách công bằng. Thực tế, sản xuất rất cần ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dồn lực phát triển kinh tế tư nhân mà nòng cốt là khu vực sản xuất, bởi khu vực này mới đem lại tăng trưởng bền vững, chứ không phải khối dịch vụ hay bất động sản. Song, người dân cũng không thể bị tước quyền sử dụng điện với giá hợp lý. Bởi vậy, tôi cho rằng nhà nước khi áp giá điện nên đảm bảo bình đẳng với mọi đối tượng” - ông Doanh nói.

Người tiêu dùng cho rằng cần chia bậc thang theo hướng áp giá thật cao đối với đối tượng sử dụng từ trên 400 kWh/tháng và hạ giá với các bậc thang dưới. Cách này vừa giúp khuyến khích tiết kiệm điện vừa bảo đảo lợi ích của số đông người tiêu dùng.

Ap gia cao cho dien sinh hoat: Thieu cong bang
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương)- Nguyễn Anh Tuấn

Nói về việc này, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương)- Nguyễn Anh Tuấn giải thích,  cách thiết kế bậc thang hiện hành đã giúp việc hỗ trợ hộ nghèo sử dụng điện bậc thấp một cách khá dễ dàng. Đặc biệt, hộ nghèo còn được Chính phủ hỗ trợ trực tiếp khoảng hơn 50.000 đồng/tháng.

“Bộ Công Thương đã nghiên cứu phương án thiết kế chỉ khoảng 3 bậc thang hoặc 1 bậc thang, người được lợi là những người sử dụng nhiều điện. Nhưng với đặc điểm phụ tải hiện nay, duy trì giá điện bậc thang là cần thiết. Hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn thống kê đặc điểm phụ tải để thiết kế cho hợp lý” - ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh phân tích: “Đặc biệt, đối với việc áp giá lũy tiến mạnh, chỉ nên dành cho các ngành dịch vụ, kinh doanh, các ngành không khuyến khích, ưu tiên”.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý việc ưu đãi giá điện cho ngành sản xuất có thể khiến nhiều doanh nghiệp ỷ lại, không đầu tư cải tiến công nghệ, cố tình sử dụng công nghệ tiêu hao điện và gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, trong việc tính toán giá điện phải tính tới ưu tiên với các ngành sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại, không nên ưu đãi tràn lan.

“Cần giảm giá hơn nữa cho bậc thang đầu tiên từ 0-50 kWh điện bởi đây là mức sử dụng của nhiều hộ nghèo, hộ gia đình ở nông thôn, công nhân. Áp giá gần 1.700 đồng/kWh điện cho các hộ này trong khi giá điện sản xuất lại thấp hơn là rất vô lý” - ông Doanh nhấn mạnh.

Quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện của Bộ Công Thương, cụ thể từ ngày 20-3-2019, giá bán lẻ điện thay đổi.

Theo đó, giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất ở cấp điện áp từ 110 kV trở lên lần lượt là: 970, 1.536, 2.759 đồng/kWh đối với giờ bình thường, giờ thấp điểm và giờ cao điểm.

Đối với cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV, giá điện cho 3 khung giờ trên lần lượt là 1.555, 1.007 và 2.759 đồng/kWh.

Với cấp điện áp từ 6 kV đến dưới 22kV, giá điện sản xuất từ 1.044 đến 2.964 đồng/kWh. Cấp điện áp dưới 6 kV có giá bán điện từ 1.100 đến 3.076 đồng/kwh.

Trong khi đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang lũy tiến.

Bậc 1 (0-50 kWh): 1.678 đồng/kWh

Bậc 2 (50 kWh tiếp theo): 1.734 đồng/kWh

Bậc 3 (từ kWh thứ 101 đến 200): 2.014 đồng/kWh

Bậc 4 (từ kWh 201-300): 2.536 đồng/kWh,

Bậc 5 (từ 301-400 kWh): 2.834 đồng/kWh

Bậc 6 (từ kWh thứ 401 trở lên):  2.927 đồng/kWh.

Hoài Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI