Ký ức thanh tân

06/02/2019 - 12:00

PNO - Ký ức về mệ trong tôi không hề u ám như những đêm tháng Chạp ngày xưa chờ mệ về, thay vào đó lại ngọt ngào và rực rỡ như chè của mệ.

Con bé mới khoảng ba tuổi mà đã có thói quen ngủ trưa dậy là đi ra mở lồng bàn kiếm chè của mệ. Mạ hay nói: “Hắn ăn quen béng mùi rồi”. Không biết từ lúc nào, có lẽ là từ lúc hắn bắt đầu biết ăn, hễ ngủ trưa dậy là con bé được ăn chè của mệ, gọi là “ăn cho ngọt miệng”. Khi thì chè đậu ván đặc, môn sáp vàng, khi thì đậu xanh hột mệ “phăng” cho thêm mấy cục bột lọc bọc dừa, khi chè khoai tía, xanh dừa, mùa hè có chè bắp và có khi mệ “chơi sang” cho hai viên trôi nước…

Ky uc thanh tan

1.1

Mệ hắn đi bán chè gánh từ buổi chiều cho tới khuya, một gánh chè mà mạ kể là “nồi cơm” nuôi cả gia đình từ khi hắn chưa lọt lòng. Ngày nắng cũng như mưa, sau khi ăn uống dọn dẹp cơm nước buổi trưa xong, mệ sửa soạn quang gánh, một đầu gồm dăm bảy nồi chè xếp xoay tròn với nhau, đầu kia là cái thúng đựng ly chén muỗng, cái phích nước đá màu đỏ và mấy cái khăn mặt sạch để mệ gói đá đập vụn. Quang gánh xong xuôi, mệ mới lật đật múc lại một tách chè nhỏ để trên bàn đậy lồng bàn lại mà ai trong nhà cũng biết là để dành cho ai, như một “nghi thức” cuối cùng trước khi cất gánh.

Con bé đã lớn lên trong những ngọt ngào của chè mệ ngoại, lớn từ những giấc ngủ trưa của tuổi thơ yên ả vì biết có một món chè ngọt lành nào đó đang đợi hắn thức giấc, cho đến những xót buốt của tuổi-bắt-đầu-biết-nghĩ khi những đêm mưa phùn tháng Chạp chờ hoài mà mệ chưa về vì bán chưa hết chè. Những đêm cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng, khi cảm giác sum vầy của tết hay khi cả nhà đã ở yên dưới mái nhà mặc cho mưa bên ngoài giống như một hơi ấm dễ chịu len lỏi vào da thịt và lan tỏa lên cả những ánh mắt, nụ cười của từng người trong gia đình có được diễm phúc ấy, thì con bé ở tuổi-bắt-đầu-biết-nghĩ đã bắt đầu biết đến cảm giác ấm yên không trọn vẹn vì mệ vẫn đang ngồi ngoài kia. Mệ thì nói mệ quen rồi.

2.l

Mệ cực cả đời quen rồi, như cái kiểu mệ quen cách nấu cả trăm thứ chè Huế như quen lòng bàn tay mình. Mệ làm gì có công thức nào, tôi tin là vậy, nhưng nồi chè đó mùa trăng này hay mùa trăng trước, vị cũng y như hệt, vì khách của mệ quanh đi quẩn lại cũng là dì Bê hay bà Phò trong xóm, thêm mấy đứa con nít hay ăn hàng mà tinh miệng, nên đâu có khác đi được. Mạ tôi kể rằng, trước khi rửa chén, mệ bắc một nồi đậu lên hấp, rửa xong là biết đậu chín mà không cần mở nồi ra coi. Đó là một trong những bài học mà sau này mạ dạy tôi rằng mình cần phải biết sử dụng những “năng lực” trời sinh trước khi để bản thân phải bị phụ thuộc vào những phương tiện bên ngoài, kiểu như dùng mắt, mũi để kiểm tra thức ăn chín hay dùng công việc để đo thời gian.

Ngay cả khi không nói ra một cách bài bản nhưng mệ đã truyền cho mạ tôi và rồi mạ tôi truyền lại cho tôi những bài học về sự kết hợp tinh tế màu sắc và hương vị trong cách nấu và trên chén chè. Đó là hình ảnh chén chè của mệ có nửa tím từ khoai tía, nửa vàng từ xanh đánh hay xanh dừa, là cảm giác “chơi” trong miệng một trò chơi vị giác giữa chè đậu xanh hột với cục bột lọc bọc dừa, là cái vị mằn mặn xen lẫn vị ngọt và beo béo của nhân đậu xanh khi cắn đôi viên trôi nước, là vị gừng cay giã nhuyễn trong chén chè bột lọc “con rắn” sệt sệt của ngày đông thay vì chè bột lọc bọc dừa nước ngọt thanh thơm mùi lá dứa của ngày hè.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tài nào nghĩ ra được tại sao có người quanh năm suốt tháng chỉ chịu mặc một cái áo dài nâu đi bán chè nhưng múc chén chè thì phải múc nửa vàng nửa tím mới “coi được con mắt”.

3.l

Ký ức về mệ trong tôi không hề u ám như những đêm tháng Chạp ngày xưa chờ mệ về, thay vào đó lại ngọt ngào và rực rỡ như chè của mệ. Có lẽ do ăn chè của mệ nhiều quá, tôi thuộc làu trong miệng hột đậu hấp như thế nào thì gọi là vừa đủ, tôi thuộc làu trong mắt màu khoai tía Huế, màu môn sáp vàng, màu bắp nếp hay màu nước đường bánh giã nhiều gừng. Tôi thuộc làu trong tay cái chừng vừa đủ nhẹ khi thả đậu xanh đã hấp chín vào nước đường nấu chè bông cau hay khi trộn bột nếp làm trôi nước. Tôi thuộc làu trong tâm tưởng vị đậu ngự thì hấp còn đậu trắng thì rim, vị nếp đi với vị dừa, vị đậu lá dứa trong nước đường trắng và đậu giã gừng trong nước đường nâu…

Nhớ mệ chừng nào tôi nấu chè càng “phăng” chừng đó, nhưng “nếp” chè của mệ vẫn luôn y nguyên. Vẫn khoai tía Huế nấu để múc lỏng tay đặng khi nguội còn trộn chung với xanh dừa. Vẫn dừa bào sợi cỡ vừa để thả vô xanh dừa, còn bào sợi nhuyễn để trộn chung vô đậu xanh sên làm nhân trôi nước. Chỉ có điều, khi tháng Chạp về, tôi không còn buốt xót cái cảm giác ấm yên không trọn vẹn, mà lại thấy mình lọ mọ đi trộn gấc với bột nếp làm chè trôi nước gấc nhân đậu xanh sên dừa, vì những gì còn trong ký ức vẫn mãi rực rỡ và thanh tân.

  Phạm Hồng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI