Gặp Việt Nam ở Bồ Đào Nha

07/05/2019 - 06:00

PNO - Thật thú vị khi hầu hết những người Bồ Đào Nha mà tôi trò chuyện đều biết và có ấn tượng tốt về con người, thiên nhiên Việt Nam.

Vừa đi xuống cái dốc như dựng đứng dưới chân lâu đài Castelo de S. Jorge ở thủ đô Lisbon, tôi bất ngờ thấy một người đội nón, ngồi sau tay lái xe tuk tuk đang đợi khách. Tôi tủm tỉm tiến lại: “Xin chào. Nón của anh giống nón Việt Nam quá”. Anh chàng vồn vã: “Thì tôi mua ở Việt Nam mà”.

Fabio kể, anh đến Việt Nam hơn hai năm trước. Làm một chuyến Hà Nội, Sapa, Nha Trang, TP.HCM. “Thức ăn tuyệt vời, con người dễ thương”. Thừa kế cái ấn tượng dễ thương đó, tôi may mắn được Fabio mời, “bình thường chở khách từ đây ra chợ Time Out Market tôi phải lấy 20 EUR. Nhưng với khách Việt, tôi chỉ xin 10 EUR và làm hướng dẫn viên miễn phí”. 

Gap Viet Nam o Bo Dao Nha
Fabio đội nón Việt ngồi trong xe tuk tuk chờ khách dưới chân lâu đài Castelo de S. Jorge

Xuống xe, Fabio còn chỉ cho tôi cửa hàng ngay đầu chợ Time Out Market - mệnh danh trung tâm ẩm thực của Lisbon. “Ở đó có bánh Nata ngon nhất đấy. Đây là danh thiếp của tôi, cần bất cứ thông tin gì cứ nhắn cho tôi nhé. Kế hoạch du lịch tới đây của tôi là Bắc Mỹ. Nhưng chắc chắn tôi sẽ phải quay lại Việt Nam vì quá ấn tượng. Một lần đến đó chưa đủ”.

Còn tôi, bị ấn tượng mãi bởi anh chàng lái tuk tuk người Bồ say sưa với kế hoạch khám phá thế giới. Fabio kể: “Tôi sang Thái trước khi vào Việt Nam. Chắc bạn biết tuk tuk của Thái rồi đúng không? Nhưng họ chạy chóng mặt quá, cũng không trang trí xe đẹp như ở Bồ”. Fabio nói đúng.

Leo lên tuk tuk của Fabio, cảm giác như bước vào xe cưới. Có xe kết hoa. Xe căng bạt trắng muốt, phấp phới các loại cờ. Tuk tuk leo dốc ở Lisbon nhanh gọn khéo léo như xe máy. Vừa ngồi lên ghế, tôi đã được Fabio nhắc thắt dây an toàn. Hai hàng ghế đệm mềm chứa sáu người thì cũng gắn đủ sáu dây bảo hiểm.

Gap Viet Nam o Bo Dao Nha
Fabio chia sẻ anh rất ấn tượng với con người, thiên nhiên của Việt Nam nên đang lên kế hoạch quay trở lại.

Fabio nói tiếp: “Tôi từng có gần chục năm làm nhân viên văn phòng. Cảm thấy bó buộc quá, nhiều căng thẳng nữa. Sau khi tiêu món tiền dành dụm vào khám phá Việt Nam và mấy nước Đông Nam Á, tôi quyết định trở về Lisbon mua chiếc tuk tuk.

Hằng ngày, tôi đón khách ở các điểm du lịch, kiếm sống ổn và quan trọng là được làm chủ chính mình. Xe của tôi, chủ là tôi. Tôi làm việc chăm chỉ nhưng vẫn chia lịch nghỉ đều đặn đấy nhé. Có những cuối tuần đông khách vẫn nghỉ. Phải nghỉ ngơi để khám phá thế giới, tận hưởng cuộc sống chứ. Điều này thì... thua người Việt rồi. Tôi thấy các bạn chịu khó làm việc cả ngày nghỉ. Cứ ra đường là có quán ăn, tiệm cắt tóc, cửa hàng... phục vụ bất kể thứ Hai hay Chủ nhật”.

Lang thang từ chợ Time Out Market ra quảng trường Praca do Comercio thì tôi mất phương hướng tìm đường về căn hộ thuê trọ ở khu phố cổ Alfama. Ngẫu nhiên vớ được đôi thanh niên người bản xứ để hỏi đường. Họ lại hỏi tôi trước: “Bạn là người Việt à?”. “Vâng, sao anh chị biết?”. “À, vì chúng tôi từng du lịch Việt Nam, nhìn cách nói thì đoán vậy”.

Chàng trai đưa tôi ra tận chân cầu thang máy công cộng để chỉ: “Từ đây đi lên tận đỉnh đồi nhé. Trên đỉnh chính là lâu đài Castelo de S. Jorge. Khu Alfama ở ngay đó”. Còn cô gái thì mở điện thoại, chìa ra album ảnh cô chụp cùng ruộng bậc thang ở Sapa và ảnh đang ngồi trong một quán xinh xắn ở Hội An. “Đây, chúng tôi lưu giữ Việt Nam thường trực trong máy. Bạn xem, chuyến đi ấy mới tuyệt vời làm sao”.

Gap Viet Nam o Bo Dao Nha
Quảng trường Praca do Comercio, nơi tôi gặp và được cặp đôi người Bồ cho xem ảnh chụp khi họ du lịch đến Việt Nam.

“Bạn từ đâu đến?”. Nhân viên hiệu sách cổ Livraria Lello ở Porto, nhân viên bảo tàng ở Faro, từ anh lái taxi cho đến nghệ sĩ hát nhạc Fado đều chủ động hỏi tôi như vậy. Nghe hai từ Việt Nam, họ mỉm cười: “Ồ tuyệt quá. Chưa có nhiều người Việt đến đây đâu. Nhưng một ngày nào đó, chúng tôi mong được đón nhiều người Việt đến Bồ Đào Nha như người Bồ Đào Nha chúng tôi du lịch Việt Nam vậy”. 

Cái cách người Bồ Đào Nha luôn cởi mở, thân thiện và sôi nổi chuyện trò khiến tôi có biết bao cơ hội tìm được sự giúp đỡ, nghe được nhiều chuyện hay và rồi thú vị nhận ra người đưa mình rời khỏi lâu đài Castelo de S. Jorge và người dẫn đường cho mình trở lại chỗ cũ đều từng đến Việt Nam. Bồ Đào Nha bỗng chốc trở nên thân quen, gần gũi như quê mình.

Cho đến khi Joan, tiếp viên hàng không đưa cho tôi chai nước trên chuyến bay từ Faro về Charleroi, hỏi: “Cô người Việt Nam à?” thì tôi không còn nghĩ đây là sự tình cờ nữa. Hẳn người Bồ đang có ấn tượng đặc biệt về Việt Nam rồi. “Vâng, tôi đoán ra vì nhìn chữ cô đang viết trên mấy trang giấy kia”, Joan nói. Quả thực, tôi đang ngồi hí hoáy ghi chép lại hành trình từ Porto tới Lisbon và Faro mấy ngày qua lên mặt sau của tấm vé check-in.

Joan nói tiếp: “Tiếng Việt và chữ viết rất đặc biệt, khác hẳn phần còn lại của châu Á tôi từng đến. Tôi cũng nhận ra người Việt có tính cách khác hẳn. Đặc tính dân tộc của người Việt rất dễ nhận ra: thân thiện cởi mở nhưng không xuề xòa, dễ dãi. Người Việt hay mỉm cười nhưng sẽ chỉnh thái độ ngay nếu thấy người khác tỏ vẻ coi thường mình. Người Việt sẽ hành động, đáp trả nếu người khác làm chuyện xấu, chuyện sai. Tôi thích tính cách này. Tôi đã thăm Hà Nội và Hội An. Rất mong có dịp quay lại đất nước của cô”. 

Gap Viet Nam o Bo Dao Nha
 

Còn tôi, đến lúc này phải thú nhận với Joan: “Tôi thấy Bồ Đào Nha khác hẳn phần còn lại của châu Âu. Con người cởi mở và dễ chuyện trò làm sao. Tôi thích đất nước của anh biết bao. Anh có biết tại sao nhiều đồng hương của anh thích đến Việt Nam không? Tôi nghĩ vì các anh là con cháu của Vasco da Gama, người châu Âu đặc biệt thành công ở kỷ nguyên khám phá. Trong các anh luôn có dòng máu của thuyền trưởng hạm đội đầu tiên đi thẳng từ châu Âu sang Ấn Độ”. Joan bật cười: “Vâng, trong chúng tôi luôn có sẵn tinh thần sống dấn thân và thám hiểm thế giới, khám phá cuộc sống. À, cô có thể dạy lại tôi câu xin chào và cảm ơn bằng tiếng Việt được không? Chờ chút, để tôi chép lại kẻo quên”. 

Kiều Bích Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI